Mường La chú trọng công tác dân số

Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,17%; gần 76% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 21 cặp tảo hôn, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống... Đây là những kết quả của huyện Mường La đã đạt được năm 2021, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Trai, huyện Mường La tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ trong xã.

Huyện Mường La có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, như: La Ha, Kháng, Mông. Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số, như tổ chức Chiến dịch “Truyền thông, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”; mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Hàng năm, kiện toàn đội ngũ y tế, cộng tác viên dân số các bản, tiểu khu. Đưa chỉ tiêu dân số vào quy ước, hương ước của các bản, tiểu khu để người dân thực hiện, đây cũng là tiêu chí để đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư.

Năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay, huyện đã tổ chức 287 cuộc tư vấn trực tiếp cho trên 10.500 lượt người và hơn 400 cuộc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bệnh tan máu bẩm sinh. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Tổ tư vấn tiền hôn nhân tại các trạm y tế phối hợp với ban quản lý bản, tiểu khu tổ chức 30 cuộc tuyên truyền, tư vấn khám sàng lọc trước sinh cho 930 phụ nữ có thai. Bệnh viện đa khoa huyện thực hiện tầm soát, sàng lọc sơ sinh cho 1.550 trẻ; 100% phụ nữ có thai tại các xã, thị trấn được quản lý, khám thai định kỳ; không có ca mắc tai biến sản khoa, không có trường hợp sản phụ hoặc trẻ sơ sinh tử vong; 100% bà mẹ, trẻ sơ sinh được chăm sóc y tế và 1.120 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Bên cạnh đó, huyện duy trì mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại xã Nặm Păm, Ngọc Chiến, Mường Chùm, Mường Bú, Chiềng Lao, Hua Trai, Chiềng Hoa, Chiềng Công và Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện. Đồng thời, duy trì hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại Trường THPT Mường La và Trường THPT Mường Bú, với nhiều hoạt động như: Thi tìm hiểu “mất cân bằng giới tính khi sinh”, nói chuyện chuyên đề về “bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”, sinh hoạt dưới cờ về “chính sách về phụ nữ và phòng chống bạo lực trong gia đình”... từng bước thay đổi định kiến về giới, giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, góp phần phòng chống bạo lực gia đình, giảm thiểu mất cân bằng giới tính.

Nậm Giôn có 15 bản, 841 hộ dân, thuộc 3 dân tộc Mông, Kháng và La Ha cùng chung sống. Y sỹ Vàng A Chà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Giôn, cho biết: Hàng năm, các đoàn thể của xã phối hợp với ban quản lý các bản tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân số cho người dân thông qua lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt bản; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; tuyên truyền trực tiếp của cộng tác viên dân số; phát từ rơi... Nhờ vậy, người dân đã có nhận thức tương đối tốt về công tác dân số -KHHGĐ. Hiện, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong xã là 1,3%; trên 85% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 9%...

Mường La tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu đến năm 2025, huyện có trên 95% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 1,1%, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên dưới 15%, tỷ lệ tảo hôn dưới 7%.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-chu-trong-cong-tac-dan-so-49663