Mường Đòn - Nơi lưu giữ và lan tỏa văn hóa Mường ở Thanh Hóa

Lễ hội Mường Đòn là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022. Cùng với Đình Mường Đòn, nơi đây không chỉ lưu giữ các tư liệu và sinh hoạt văn hóa Mường qua bao thế hệ và lan tỏa văn hóa người, mà còn bảo lưu vốn văn hóa cổ và phát huy nền văn hóa dân tộc về truyền thống yêu nước, lao động sáng tạo mang đậm đà bản sắc dân tộc của Mường ở Thanh Hóa.

Hệ thống đình, đền có giá trị lịch sử, nghệ thuật xứ Mường

Lễ hội Mường đòn mang biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của người Mường ở Thanh Hóa, nơi đây lưu giữ các tư liệu và sinh hoạt văn hóa Mường qua bao thế hệ, mà còn bảo lưu vốn văn hóa cổ.

Đến thăm vùng đất Mường Đòn (xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), du khách sẽ được tham quan, vãn cảnh và trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên yên bình, hữu tình mảnh đất nơi đây. Đặc biệt, những ngày đầu xuân, cảnh vật giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, người dân nơi đây tụ hội về đây để được để được nghe những chuyện kể đầy tự hào về những vị thần được những người dân địa phương tôn kính phụng thờ.

Di tích đình Mường Đòn nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 80km về phía Tây bắc, Mường Đòn (trước đây là làng Vân Đội) là tên gọi chung của ba thôn Vân Tiến, Vân Đình và Phong Phú thuộc xã Thành Mỹ (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Di tích đình Mường Đòn được xây dựng từ thời Hậu Lê, là nơi thờ tự Thành Hoàng làng của Mường Đòn là ông Vũ Duy Dương và bà Vũ Thị Cao - người đã có công đánh giặc, tập hợp dân Mường tụ họp nghĩa binh chống lại quân Mạc, khai hoang trồng trọt, giúp dân giữ đất, giữ Mường.

Theo lời các cụ cao niên ở Mường Đòn kể lại: Cách đây hàng trăm năm, cả vùng đất này còn hoang vu heo hút, rừng rú bạt ngàn. Khi đó trên mảnh đất cao ráo và thế phong thủy đẹp có khoảng trên dưới 20 nhà chủ yếu là anh em huyết thống trong một dòng họ (Họ Trương) về đây dựng nhà, làm ăn sinh sống tạo ra Mường Đòn (tiếng Mường gọi là Mường Đón).

Vào thời Hậu Lê, đời vua Lê Trang Tông có vị dũng tướng tên Vũ Duy Dương (người Ninh Bình) được triều đình phong làm tổng trấn vùng đất phía Tây Thanh Hóa. Ông chọn Mường Đòn làm nơi lập dựng trang ấp. Theo các sắc phong còn lưu giữ tại đình Mường Đòn, thì ông Vũ Duy Dương là một võ tướng có công phò Lê diệt Mạc cùng với 10 bộ tướng của mình lập được nhiều công trạng… Tưởng nhớ công lao to lớn giữ đất, giữ mường của ông, vua Lê Trang Tông ban cho sắc phong “Bạch Mã linh lang Thượng đẳng thần”, được dân làng lập đền thờ (đền Ông) và tôn ngài là Thành hoàng làng của Mường Đòn.

Nghi thức rước Kiệu Ông, kiệu Bà từ Đình Mường Đòn để tế lễ.

Vị dũng tướng họ Vũ còn có một người em gái tên là Vũ Thị Cao. Khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh đã khăn gói từ đất Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình) vào Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi đến nơi thì mới hay tin anh trai gặp nạn. Bà đã ở lại Mường Đòn hương khói cho anh, cùng bà con xây dựng bản Mường, dạy dân làng khai hoang, trồng cây, tỉa hạt... Sau khi mất, bà được truy phong tước danh “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc” (Thổ Nương công chúa) và được Nhân dân lập đền thờ cúng (tại thôn Phong Phú ngày nay) - thường gọi là đền Bà.

Bên cạnh đền Ông, đền Bà thì đình Mường Đòn (đình làng Vân Đội) - được xem là di tích trung tâm, nơi lưu giữ các tư liệu, sắc phong (hiện còn 12 đạo sắc và hơn 30 bản sao sắc phong qua các triều từ thời Lê đến năm 1925) và cũng là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh qua nhiều thế hệ của người Mường ở địa phương.

Đình Mường Đòn tọa lạc trên sườn phía Nam của quả đồi thấp. Phía trước là một cánh đồng giáp sông Bưởi. Phía sau dựa vào đồi núi tạo thế vững chắc. Bên tả có núi, bên hữu có sông Bưởi, với phong thủy “Tiền án, Hậu chẩm, tả thanh long hữu bạch hổ”, thế đất vượng, hài hòa.

Cấu trúc của đình gồm có chính tẩm “Thượng Điện” ba gian. Phía trên gian giữa có bức Đại tự đề: “Vạn cổ anh linh” (Muôn thuở anh hùng linh thiêng). Thượng điện có bức Đại tự trạm trổ cầu kỳ. Đặc biệt đồ thờ có sập Hương án chạm trổ tinh vi mang đậm kiến trúc thời Lê thế kỷ XVII, hoa văn tinh xảo, đường nét uyển chuyển.

Đình Mường Đòn được tu sửa nhiều lần, lần cuối ghi trên thượng lương: “Hoàng Triều Bảo Đại thập niên tức thứ trùng tu...”, tức là năm thứ 10 niên hiệu Bảo Đại (1935) cho sửa chữa tôn tạo lớn. Đình Mường Đòn là di tích kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật xứ Mường còn tồn tại đến nay, lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm cũng như các đồ thờ có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Ngày 22/7/1986, Mường Đòn được tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2012, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ khi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, dân trong Mường trở nên tự hào hơn về giá trị tâm linh cốt lõi của đình và hai ngôi đền. Tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống ở đình làng.

Nói về đình Mường Đòn, có thể khẳng định đây là ngôi đền cổ biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của người Mường ở Thanh Hóa. Bởi, đình không chỉ là nơi lưu giữ các tư liệu và sinh hoạt văn hóa Mường qua bao thế hệ, mà còn bảo lưu vốn văn hóa cổ và phát huy nền văn hóa dân tộc về truyền thống yêu nước và lao động sáng tạo mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc sắc văn hóa trong lễ hội Mường Đòn

Các di tích trên đất Mường Đòn không chỉ đặc biệt ở giá trị lịch sử, kiến trúc mà còn đặc sắc ở lễ hội truyền thống của làng - nơi hộ tụ những nét văn hóa riêng biệt, phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Vì vậy, nó luôn là điểm nhấn và đón nhận được sự đồng tình cổ vũ của người dân trong và ngoài huyện.

Biểu diễn múa còn tại Lễ hội Mường Đòn.

Theo đó, lễ hội Mường Đòn diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Vào ngày chính hội (18 tháng Giêng) diễn ra các hoạt động chính như lễ rước sắc, rước kiệu từ đình Mường Đòn ra đền Ông, đền Bà và từ đền về đình. Từ trước ngày diễn ra hội, các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã diễn ra sôi nổi như ném còn, đánh mảng, đánh đu, bóng chuyền... cho đến ngày chính hội. Chương trình biểu diễn văn nghệ hát giao duyên, hát tuồng cổ, hát mường, hát xường... diễn ra mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Một nét đặc sắc khác trong lễ hội nằm ở các giá trị văn hóa ẩm thực được biểu hiện ở việc thi làm cỗ để tế thần. Trong đó không thể thiếu được món cá đồ. Ngoài ra còn có các món thịt lợn thui, muối trắng xếp trên lá chuối, chả thìa, chả lá bưởi, xôi, rượu và các loại bánh. Các món bánh đều do người dân tự làm bằng nguyên liệu bột nếp và mật mía với cách đồ, hấp cổ truyền…

Năm 2022, Lễ hội Mường Đòn là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Thạch Thành là huyện có hệ thống di tích lịch sử phong phú về số lượng và loại hình, với 16 di tích đã được xếp hạng, 46 di tích, địa điểm di tích đã được kiểm kê. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa của 2 dân tộc Kinh - Mường, với 78 di sản đã được kiểm kê bảo vệ đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Thạch Thành, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch sinh thái…

“Di tích đình - đền và lễ hội Mường Đòn cùng những giá trị văn hóa đã được gìn giữ suốt hàng trăm năm qua. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành và chung tay đóng góp của người dân, nhờ đó mà các di tích được trùng tu, lễ hội được phát huy giá trị, lan tỏa nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng”./.

Bài và ảnh: Quách Văn Phúc (Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Thạch Thành)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dtts-mn/muong-don-noi-luu-giu-va-lan-toa-van-hoa-muong-o-thanh-hoa-660157.html