Mường Chiên giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Vùng đất Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai giàu truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trắng, gắn với sự tích về nữ tướng nàng Han và những lễ hội cổ truyền đặc sắc.

Nhân dân xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai giữ thói quen mặc trang phục dân tộc.

Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên cho biết: Xã thường xuyên tuyên truyền bà con các bản gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt là lưu giữ về trang phục dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp, khuyến khích các nghệ nhân, già làng truyền dạy văn hóa truyền thống cho con cháu. Đồng thời, xã cũng chủ trì tổ chức các hoạt động văn hóa nhân dịp Tết “xíp xí”, Tết Nguyên đán hoặc các ngày lễ lớn trong năm để bà con các bản cùng tham gia vui chơi, múa hát, thi đấu thể thao. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, động viên bà con nhân dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với quê hương làng bản.

Lễ cúng Tết "xíp xí" của người Thái trắng ở Mường Chiên.

Đến với mỗi bản làng ở Mường Chiên, điều ấn tượng nhất là những nếp nhà sàn truyền thống nằm nép mình dưới lùm cây xanh mướt. Các cụm dân cư nằm tập trung với mái nhà san sát, bao quanh là núi rừng trùng điệp, xa xa là lòng hồ mênh mông. Ở đây, lớp người cao tuổi vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống, phụ nữ mặc váy cáo cóm, các cụ ông biết chơi đàn tính tẩu, thanh niên dù bắt nhịp xu hướng cuộc sống hiện đại nhưng vẫn ưa thích học đàn tính, học đánh phại (môn cờ truyền thống của dân tộc Thái).

Lễ hội lớn của đồng bào Thái là Kin Pang Then bắt nguồn từ Mường Chiên nên đồng bào nơi đây hiện vẫn gìn giữ và tổ chức hằng năm. Tu tỷ nàng Han cũng được dựng lại thành miếu nhỏ ở bản Bon, vừa là miếu thờ vị nữ tướng tài ba của dân tộc Thái, vừa là nơi thờ thần đất, thần sông của đồng bào sinh sống tại Mường Chiên. Tại đây, hằng năm, bà con các bản cùng đóng góp tổ chức cúng bản, cầu sức khỏe, may mắn, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.

Bản Bon là bản du lịch cộng đồng với cảnh quan đẹp cùng với suối nước nóng đang bước đầu được đầu tư các hạng mục cơ bản phục vụ khách du lịch. Ông Lò Văn Phiệng, trưởng bản Bon, thông tin: Các gia đình tại bản Bon hiện nay vẫn giữ nguyên nhà sàn truyền thống. Một số nhà còn đầu tư mở rộng để làm nhà nghỉ cộng đồng để phục vụ khách du lịch khi đến thăm bản. Bà con trong bản luôn đoàn kết, bảo nhau giữ nhà cửa, ngõ xóm sạch đẹp, trồng hoa ven đường làm đẹp cảnh quan của bản du lịch cộng đồng và duy trì các hoạt động văn nghệ mang bản sắc dân tộc.

Đội văn nghệ bản Hé, xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai biểu diễn giao lưu dịp Tết "xíp xí"

Còn tại bản Hé, bản Quyền, mỗi bản cũng duy trì từ 2-3 đội văn nghệ với sự tham gia của các thành viên từ thanh niên đến người cao tuổi, trong đó, có cả các già làng, nghệ nhân am hiểu về các loại hình trình diễn dân gian của dân tộc Thái. Các hoạt động văn nghệ như một cách để bà con nơi đây gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chị Điêu Thị Hạnh, đội trưởng đội văn nghệ chi hội phụ nữ bản Hé, chia sẻ: Trong đội văn nghệ thì người già dạy hát then, gảy đàn tính, múa then. Người trẻ thì tự bảo nhau học hỏi để dàn dựng múa nón, múa quạt, múa khăn. Tham gia văn nghệ giúp các thành viên trong đội thêm hòa đồng, gắn kết, các thế hệ thêm hiểu nhau hơn và càng thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thanh niên xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai cũng học đánh phại truyền thống

Tự hào về mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, người dân nơi đây luôn trân trọng, bảo tồn và phát huy theo cách riêng để Mường Chiên phát triển, hội nhập.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/muong-chien-giu-net-dep-van-hoa-truyen-thong-CxICCliSR.html