Mường Chà bảo tồn và phát triển chè cây cao

Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị, tiềm năng, lợi thế sẵn có của cây chè về cảnh quan, môi trường sinh thái, hiện nay huyện Mường Chà tập trung phát huy giá trị và quan tâm bảo tồn, phát triển vùng chè cây cao tại địa phương. Ðồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với kỹ thuật khoa học trong canh tác và chế biến chè; từng bước tạo vùng nguyên liệu ổn định góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống.

Nhiều gốc chè cổ thụ được gia đình ông Sần Ðình Củi giữ gìn và phát triển.

Ðể “mục sở thị” những cây chè cổ thụ còn được lưu giữ trên địa bàn huyện Mường Chà, chúng tôi cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến bản Thèn Pả, xã Sa Lông - một trong những địa bàn còn giữ được khá nhiều cây chè cổ thụ. Người dân nơi đây luôn coi cây chè như một tài sản quý; bởi đó là món quà mà thế hệ cha ông đã để lại cho con cháu đời sau. Cách căn nhà sàn của gia đình không xa, ông Sần Ðình Củi, bản Thèn Pả vẫn lưu giữ gần 20 cây chè có tuổi đời từ 40 - 50 năm; đó là tài sản mà người cha quá cố để lại cho ông, được ông Củi và con cháu giữ gìn, bảo vệ.

Dẫn chúng tôi thăm những gốc chè shan cổ thụ, ông Củi tâm sự: “Từ khi 8 - 9 tuổi, tôi đã thấy những cây chè này được trồng ở đây rồi, đến nay tôi đã sang tuổi 61. Những cây này đều do bố tôi trồng và chăm sóc cho đến khi ông mất mới chia lại cho mỗi người con khoảng 20 cây. Ðối với người dân Thèn Pả, nước chè được uống thay cho nước hàng ngày nên cây chè không thể thiếu trong đời sống. Và hơn thế, cây chè còn là tài sản mà cha ông để lại nên tôi và con cháu sẽ cố gắng giữ gìn cho đời sau”.

Hiện nay, bản Thèn Pả còn lưu giữ gần 400 cây chè cổ thụ. Nhiều cây có đường kính thân khoảng 20cm. Với thói quen uống trà xanh thay cho uống nước trắng, hầu hết hộ dân trong bản đều trồng chè; nhà nào nhiều có gần 20 cây; ít cũng phải có 1 - 2 cây để lấy lá. Có nhà còn trồng cây chè quanh vườn, tạo thành hàng rào khuôn viên ngôi nhà của mình. Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng nghe những người cao tuổi trong bản kể lại nguồn gốc của cây chè. Theo đó, những cây chè shan này chủ yếu có gốc gác từ bản Can Hồ, xã Hừa Ngài. Bản này cách Thèn Pả chỉ mấy cây số nên trước kia, người dân thường sang đó hái lá chè về uống nên cũng lấy giống cây về trồng tại bản. Sau nhiều năm, cây chè đã phát triển thành cổ thụ như ngày nay”.

Nghe Trưởng bản Sần Seo Ngấn chia sẻ về nguồn gốc của cây chè, ông Củi cũng tiếp lời: “Ngoài ra, nhiều người dân trong bản còn lấy thêm giống chè từ huyện Tam Ðường (tỉnh Lai Châu) về trồng nữa nên giờ đây trong bản còn khá nhiều cây chè. Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, song ở bản chủ yếu là trồng giống chè shan. Gần đây, nhận thấy cây chè không chỉ phục vụ cuộc sống người dân hàng ngày mà còn mang lại giá trị kinh tế cao nên chính quyền địa phương đang có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị của chè cây cao. Vừa qua, huyện còn tổ chức cho tôi và đại diện một số bản có cây chè cổ thụ được đi tham quan học tập kinh nghiệm ở những địa phương có điều kiện trồng chè cây cao tương tự, để mọi người thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây chè thúc đẩy tham gia trồng, chế biến chè. Từ đó sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân nhờ chè cây cao này...”.

Người dân bản Thèn Pả hái lá chè tươi về đun nước uống.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Chà có gần 700 cây chè cổ thụ đường kính gốc lớn hơn 10cm và 3.500 cây có đường kính gốc 4 - 8cm; phân bố chủ yếu tại các xã: Sa Lông, Hừa Ngài, Huổi Lèng và Sá Tổng. Theo đánh giá sơ bộ của một số chuyên gia, chè cây cao tại huyện Mường Chà mang nhiều nguồn gen quý hiếm, chất lượng tương đương với chè cổ thụ của các địa phương khác và chưa bị tác động bởi phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên thích hợp để sản xuất chè hữu cơ chất lượng cao. Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Thời gian tới, huyện Mường Chà sẽ chỉ đạo các xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài và Sá Tổng tăng cường công tác quản lý, bảo tồn chè cây cao. Ðồng thời tích cực phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu rộng chủ trương về phát triển và bảo tồn chè cây cao hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển du lịch cho người dân địa phương. Ðối với các cá nhân sở hữu chè sẽ thành lập nhóm sở thích chè cây cao theo từng bản, xây dựng quy chế vận hành nhóm. Ðối với các khu vực chè do UBND xã hoặc cộng đồng bản quản lý có thể giao cho tổ chức hội (phụ nữ, thanh niên...) hoặc giao cho 1 - 2 cá nhân quản lý. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các xã sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai các chương trình, dự án. Nhằm tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các địa phương tập trung tuyên truyền, phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc bảo tồn và phát triển vùng chè. Từ đó giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, tập quán trong việc trồng và chế biến chè; phát triển sản phẩm chè theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất và xã hội hóa đầu tư...

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển chè cây cao trên địa bàn 4 xã: Hừa Ngài, Sa Lông, Huổi Lèng và Sá Tổng, huyện Mường Chà đang hướng đến hình thành liên kết sản xuất chè giữa người dân và doanh nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Cùng với đó là hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới, chăm sóc chè cũng như tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè cây cao. Hi vọng rằng với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Chà, thời gian tới những cây chè cổ thụ sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội; giúp nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/209522/muong-cha-bao-ton-va-phat-trien-che-cay-cao