Muốn xóa án tích thì mất bao lâu, cần có thủ tục giấy tờ gì?

Vấn đề muốn xóa án tích thì mất bao lâu, cần có thủ tục giấy tờ gì? được rất nhiều người dân quan tâm.

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, Điều 70, Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, có hai hình thức xóa án tích, đó là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích do tòa án quyết định.

Đương nhiên được xóa án tích: Áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Xóa án tích theo quyết định của tòa án: Được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: Người bị kết án có thể được tòa án xóa án tích sớm hơn so với quy định của pháp luật trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Hình sự.

Điều kiện đương nhiên được xóa án tích: Được quy định cụ thể tại Điều 70 Bộ luật Hình sự.

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thẩm quyền xác nhận về việc đương nhiên được xóa án tích: Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người đó "không có án tích" nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự.

Như vậy, nếu người bị kết án có yêu cầu xác nhận về việc "không có án tích", khi có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Thủ tục yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp số 1

Theo quy định tại Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp và Điều 37 Luật Cư trú năm 2020, hồ sơ yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân gồm những giấy tờ sau:

- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

- Văn bản ủy quyền trong trường hợp cá nhân ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Nơi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp

- Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú tại nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

- Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp

Theo Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp, thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.

Đối tượng phê ma túy tấn công đại úy công an đang làm nhiệm vụ

C.Lê - S.Phạm

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/muon-xoa-an-tich-thi-mat-bao-lau-can-co-thu-tuc-giay-to-gi-17224021100331643.htm