Muôn lối khởi nghiệp làm giàu

Trần Duy Tân đang khảo sát chống thấm một căn nhà ở TP Tuy Hòa. Ảnh: HÙNG PHIÊN

Nhiều ngành nghề, dịch vụ đang được người trẻ lựa chọn để vươn lên làm giàu chính đáng. Và câu chuyện khởi nghiệp của hai chàng trai tại quê nhà Phú Yên là minh chứng rõ nét.

Làm dịch vụ “thứ nhì”

“Tôi chọn khởi nghiệp lĩnh vực chống thấm vì thấy có “đất diễn”, khẳng định được năng lực bản thân. Mùa mưa này, việc làm của công ty tăng gấp 3-4 lần ngày thường”. Đó là bày tỏ của anh Nguyễn Duy Tân (SN 1985, ở phường 5, TP Tuy Hòa) với việc mở Công ty Xây dựng và chống thấm Minh Tâm.

Một chủ thầu xây dựng ở Tuy Hòa, nhận xét: “Tân táo bạo lựa chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực khó nhưng rất khả quan. Bởi công trình, nhà cửa với chất liệu thi công “tận răng” nhưng vẫn bị thấm, dột như thường. Kỹ sư Ngô Minh Hồng

Tân cho biết, học xong cao đẳng xây dựng, anh đã nhiều năm đầu quân cho một số doanh nghiệp tại Phú Yên. Công việc tư vấn thiết kế, giám sát thi công có thu nhập khá ổn, thế nhưng anh vẫn mơ thoát cảnh làm công, tự tạo lối đi cho riêng mình. Từ năm 2016, anh đã cùng một nhóm anh em làm công việc chống nứt, thấm dột nhà cửa. Đầu năm 2018, Tân chính thức đứng ra thành lập, làm giám đốc Công ty Xây dựng và chống thấm Minh Tâm.

“Trong quá trình làm cho các công ty xây dựng, tôi thấy nhiều người “hậu xây nhà” thường xuyên có nhu cầu chống rạn nứt, thấm dột. Đây là lĩnh vực tôi đã trải nghiệm nên quyết tâm tạo doanh nghiệp dịch vụ chuyên ngành mới ở Phú Yên. Tôi tự tin khi có kinh nghiệm pha chế các loại vật liệu chống thấm để đạt hiệu quả cao trên từng vị trí, chất liệu nhà cửa. Mình còn trẻ nên thấy có cơ hội là thực hiện thôi”, Tân nói.

Bước đầu hoạt động, Tân nhờ rất nhiều đến sự giới thiệu của các đàn anh trong nghề xây dựng, rồi trực tiếp quảng bá trên các trang mạng. Thế nhưng theo Tân, uy tín thương hiệu chỉ có được bằng dịch vụ, sản phẩm cụ thể. Trong đó, việc lựa chọn, điều hành nhân sự thi công luôn phải đặt lên hàng đầu. Đến nay, khó khăn những ngày chập chững khởi sự đã qua nhưng anh vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để duy trì sự tín nhiệm của khách hàng.

Thực tế, việc chống thấm dột luôn rất quan trọng trong xây dựng nhà cửa. Nếu việc này được thực hiện ngay từ lúc thiết kế, thi công thì hiệu quả rất cao, lại ít chi phí. Vì thế, khi trực tiếp nhận thi công xây dựng, Tân luôn tư vấn khách hàng rất kỹ về điều này.

“Mùa nắng, nhiều người không để ý chuyện thấm dột nhưng trời mưa thì trở nên cấp thiết. Tôi phải luôn cập nhật các bản tin dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm thi công thích hợp. Bởi nếu không kỹ, vừa bôi quét chất liệu chống thấm xong mà trời mưa lớn thì dễ bị rửa trôi…, xem như toi công. Dịch vụ chống thấm luôn đa dạng, từ phức tạp đến lắt nhắt, nhưng đó là một phần của nghề. Dẫu có vất vả nhưng tôi cảm thấy vui với bước đầu ổn định của doanh nghiệp. Hiện tại, công ty có 20 nhân viên cơ hữu, với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Những lúc có đơn hàng cao điểm, nhân công có thể lên hơn 50 người”, Tân cho hay.

Bùi Vũ Phương tại cơ sở phế liệu của gia đình. Ảnh: HÙNG PHIÊN

Cơ hội từ phế liệu

Không có điều kiện học hành như ý nguyện, Bùi Vũ Phương (SN 1985, ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) vẫn có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Hiện tại, Phương làm chủ một cơ sở kinh doanh phế liệu và 6 xe tải, giải quyết việc làm cho 11 lao động (lương 8 triệu đồng/người/tháng), 12 tài xế (thay phiên lái 6 xe tải) có thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Trên đường mưu sinh, tôi thấy mình đã cố gắng chọn được ngành nghề phù hợp. Xã hội tiêu dùng càng phát triển thì phế liệu thải ra càng nhiều, đó là cơ hội kinh doanh của tôi. Anh Bùi Vũ Phương

Phương kể, học xong phổ thông, anh rất muốn thi đại học. Thế nhưng gia cảnh khó khăn nên anh chọn vào Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, học gần nhà để bớt tốn kém. Dù vậy, anh vẫn phải nghỉ học giữa chừng do gia đình gặp sự cố lớn, kinh tế quá khó khăn.

Khi đó, cha mẹ Phương bắt đầu việc mua bán phế liệu với quy mô nhỏ. Nghỉ học, anh lao vào công việc phân loại phế liệu, ghi chép sổ sách cho gia đình. “Cơ sở phế liệu mở rộng dần. Tôi nhận thấy chi phí vận chuyển phế liệu từ Tuy Hòa đi TP Hồ Chí Minh chiếm quá lớn, dẫn đến lợi nhuận thấp. Vậy là tôi quyết tâm đi học lái xe, với giấc mơ sắm xe tải chở hàng cho gia đình”, Phương nói.

Năm 2011, Phương cùng gia đình vét vốn 1,4 tỉ đồng để sắm chiếc xe tải đầu tiên. Xe do anh cầm lái vận chuyển phế liệu nhập bán cho các công ty thu mua trong Nam, ngoài Bắc. Ngoài ra, anh còn hợp đồng vận tải hàng hóa, nông sản cho các nhà máy, khách hàng có nhu cầu. Làm ăn phát đạt, anh tiếp tục góp vốn cùng gia đình mua sắm xe tải để chở hàng nhà và làm dịch vụ.

Tuy nhiên, Phương cho biết việc kinh doanh phế liệu vẫn mang lợi nhuận ổn định hơn. Ngoài các đại lý đặt khắp nơi trong tỉnh, anh còn trực tiếp liên hệ với nhiều hàng quán để thu mua các loại vỏ lon thải ra. Hiện tại mỗi ngày, cơ sở phế liệu của anh mua vào từ 7-10 triệu đồng phế liệu. Cũng có ngày, anh chi mua phế liệu trị giá hàng trăm triệu đồng. Lúc này, Phương thu mua, xuất bán bình quân 20 tấn phế liệu/tháng.

Công việc ngập đầu nhưng khi rảnh rỗi, anh vẫn trực tiếp cầm búa cùng nhân công đục rã các máy móc cũ, phân loại sắt, đồng, nhôm… để bán theo từng “chuyên đề”. Theo Phương, điều tiên quyết của nghề này là phải nói “không” với loại chất gây nguy hiểm, ô nhiễm môi trường.

HÙNG PHIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/232054/muon-loi-khoi-nghiep-lam-giau.html