Muôn chiêu trò lừa đảo trục lợi tiền bảo hiểm

Trục lợi bảo hiểm không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Đã xảy ra không ít vụ án liên quan tới trục lợi bảo hiểm.

Trục lợi bảo hiểm xã hội hàng trăm tỷ đồng ở Đồng Nai: Ngày 31/5, Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng L.T.H (43 tuổi) và H.T.Đ (36 tuổi), cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Công an đã đồng loạt khám xét 8 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội. Đây là vụ án có quy mô rất lớn, ước tính có hàng chục ngàn người mua “giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội” để trục lợi bảo hiểm lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tuyên án nguyên bác sĩ trưởng khoa và 2 điều dưỡng gian lận bảo hiểm y tế: Ngày 25/5/2022, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Bá (50 tuổi, trú P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), nguyên Trưởng khoa nội tim mạch BVĐK T.Ư Quảng Nam 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (31 tuổi, ở TT.Núi Thành, Quảng Nam) và Lương Thanh Trung (36 tuổi, ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), đều là nguyên điều dưỡng khoa Nội Tim mạch, mỗi bị cáo 1 năm tù treo.

Theo cáo trạng, quá trình khám điều trị, bị cáo Bá biết rõ 22 bệnh nhân bị hẹp động mạch vành nhẹ, không cần phải dùng thủ thuật đặt stent, nhưng đã chỉ đạo Trung và Sơn lập khống hồ sơ 22 bệnh nhân này để chiếm đoạt stent, vật tư thiết bị kèm theo. Sau đó, các bị cáo chuyển hồ sơ đã lập khống cho Phòng Tài chính - Kế hoạch của Bệnh viện để thanh toán BHYT. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho BHYT số tiền hơn 800 triệu đồng. Đồng thời, gây thiệt hại cho BVĐK T.Ư Quảng Nam tổng số tiền hơn 162 triệu đồng.

Mua 19 hợp đồng bảo hiểm sau khi bị ung thư: Cuối năm 2021, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ "1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm". Theo đơn tố cáo, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi biết mình bị bệnh ung thư, từ cuối tháng 9/2019 đến đầu tháng 11/2019, một cá nhân đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm và đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bằng cách che giấu thông tin mình đã bị bệnh, che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác việc mình đã có nhiều yêu cầu mua bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Sau khi hết thời gian chờ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm, cá nhân này đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm. Cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, cá nhân này đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu khoảng 4 tỷ đồng. Nếu không kịp thời điều tra làm rõ, số tiền các công ty bảo hiểm sẽ phải tiếp tục chi trả có thể lên tới trên 20 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Giết người thế mạng để trục lợi bảo hiểm: Giữa năm 2020, dư luận rúng động vì vụ việc một bí thư xã ở Lâm Đồng giết người thân, đốt xác hòng trục lợi bảo hiểm nhân thọ. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, Đỗ Văn Minh vay mượn tiền và nhận tiền của nhiều người để chuyển nhượng đất với tổng số hơn 23,7 tỷ đồng. Nhằm chiếm đoạt số tiền đang nợ và để vợ con được hưởng tiền bảo hiểm lên tới 18 tỷ đồng, Đỗ Văn Minh đã lên kế hoạch đào mộ lấy thi thể để tạo hiện trường giả.

Khi thực hiện kế hoạch trộm mộ bất thành, bị cáo Minh đã ra tay sát hại anh V. (cháu họ bên vợ) rồi dựng hiện trường giả vụ tai nạn giao thông và phóng hỏa. Trước khi châm lửa đốt xe và bỏ trốn, M. tháo đồng hồ đeo tay và lấy chùm chìa khóa của mình rồi bỏ lại trên xe để mọi người lầm tưởng Minh đã chết cháy. Đỗ Văn Minh dự tính công ty bảo hiểm sẽ bồi thường quyền lợi theo hợp đồng. Tuy nhiên, vụ việc đã nhanh chóng bị phanh phui. Sau đó, HĐXX TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên án tử hình đối với Minh. Do thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm nên đối tượng này cũng không được nhận bất cứ quyền lợi bảo hiểm nào từ các hợp đồng bảo hiểm đã tham gia.

Thuê người chặt tay, chân để đòi bảo hiểm: Do mắc vào nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá 50 triệu đồng chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa để lấy tiền bảo hiểm.

Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân do vật sắc nhọn gây ra. Đặc biệt, cơ quan điều tra phát hiện, trước đó hơn 1 tháng, N. mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, cô ta có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng. Do mục đích trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên N. không bị khởi tố. Tuy nhiên, những thương tật trọn đời là cái giá quá đắt cho hành vi liều lĩnh, bất chấp tính mạng để tìm cách trục lợi bảo hiểm.

Hiện, tội trục lợi bảo hiểm đã được đưa vào Bộ luật Hình sự. Theo đó, hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Cùng với đó, quyền lợi bảo hiểm của các đối tượng sẽ bị từ chối chi trả từ công ty bảo hiểm nếu được xác định là hành vi trục lợi bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Xem thêm video: Diễn viên Ngọc Lan khóc nấc, tố bị lừa tiền bảo hiểm 7 tỷ. Nguồn: Lý Thùy.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/muon-chieu-tro-lua-dao-truc-loi-tien-bao-hiem-1861478.html