Mười bảy năm phát triển kỹ thuật làm sách thủ công Việt

68 cuốn sách đặc biệt được xuất bản trong 17 năm đã phần nào cho thấy quá trình hình thành, phát triển kỹ thuật làm sách thủ công và phong trào sưu tập sách ở Việt Nam.

Không gian trưng bày sách đặc biệt và giới hạn của Đông A Books từ 2005 đến nay. Ảnh: Thanh Trần.

Thị trường sách đặc biệt, sách phiên bản giới hạn tại Việt Nam trong những năm gần đây trở nên sôi động khi ngày càng có nhiều ấn phẩm được gia công tỉ mỉ, đẹp mắt, cùng đó là khâu biên tập, dàn trang và chất lượng giấy cũng được đầu tư hơn.

So với những ấn bản thông thường thì loại sách này thường có giá cao hơn nhiều và không dễ mua, “tuy nhiên, nhu cầu của những người sưu tầm hiện nay cũng rất cao”, anh Lê Đức Duy, nhà sưu tập sách tại TP.HCM, chia sẻ.

Trước năm 1975, phong trào sưu tập sách bản đặc biệt đã có ở cả hai miền Bắc, Nam, nhưng sau đó bị gián đoạn một thời gian dài. Trước khi phong trào này một lần nữa nổi lên tại Việt Nam, Đông A được xem như đơn vị tiên phong đã đưa sách phiên bản đặc biệt trở lại với những người sưu tập và chơi sách, với phiên bản sách đặc biệt đầu tiên đã được ra mắt từ năm 2005.

17 năm theo đuổi nghề đóng sách thủ công

“Trong chặng đường làm sách thủ công, chúng tôi đã học qua 3 lớp: Lớp vỡ lòng kéo dài từ những năm 2004 đến 2015, lớp 1 trong 2 năm 2019-2020, lớp 2 trong 2 năm 2021-2022”, ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Đông A Books - tổng kết lại hành trình 17 năm phát triển dòng sách đặc biệt của mình. Theo ông, cho đến nay Việt Nam mới chỉ tiếp cận được số ít công nghệ, kỹ thuật làm sách thủ công của thế giới, vì vậy những người làm sách vẫn luôn trong quá trình học hỏi và thực hành nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu người chơi sách và xây dựng niềm tự hào của nghề đóng sách tại Việt Nam.

Đông A Books được thành lập vào năm 2004. Chỉ một năm sau, ông Thắng đã có một bước đi táo bạo khi cho ra mắt ấn bản đặc biệt đầu tiên: Văn mới 5 năm đầu thế kỷ - một hợp tuyển văn xuôi của các tác giả mới và tác giả đang được mến mộ tại Việt Nam đương thời do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn. Cuốn sách đầu tiên với phiên bản sách đặc biệt chỉ có 100 cuốn và nhanh chóng được bán hết chỉ sau hai ngày phát hành.

Sau tín hiệu tích cực từ cuốn sách đầu tiên, trong 10 năm tiếp theo ông Thắng tiếp tục ra mắt các ấn bản đặc biệt Viết về bè bạn (Bùi Ngọc Tấn), Hạt bụi người bay ngược (Hòa Vang), Sắp đặt và diễn (Hồ Anh Thái), Văn mới 5 năm 2011-2015 (Nhiều tác giả; Hồ Anh Thái tuyển).

Các ấn bản đặc biệt đầu tiên. Ảnh: Thanh Trần.

Sau đó, ông Thắng quyết định cho ngừng phát hành ấn bản đặc biệt trong ba năm để khảo sát lại thị trường, đánh giá lại thói quen tiêu dùng của người mua sách. Từ những năm 2010 đến 2019, ông có nhiều chuyến công tác nước ngoài dài ngày, đến các hội chợ sách quốc tế, hội chợ sách quý hiếm ở Đức, Pháp, Bỉ… tìm hiểu, sưu tập về các ấn bản sách đẹp bìa da và buckram.

“Có cuốn chúng tôi phải mất nhiều lần ra nước ngoài tìm mua bản gốc đã xuất bản từ cách đây cả 100 năm để có thể scan hình trực tiếp. Có cuốn, chúng tôi mời họa sĩ minh họa vẽ mới”, ông Trần Đại Thắng cho biết.

Cuối năm 2019, hàng loạt tác phẩm kinh điển như Anh em nhà Karamazov, Kiêu hãnh và định kiến, Những ngôi sao Eger, Bố Già, Hán Sở diễn nghĩa, Thiên hoàng Minh Trị, Robinson Crusoe… được ra mắt với phiên bản đặc biệt đã khuấy động thị trường sách ở Việt Nam. Có thể nói, năm 2019-2022 là giai đoạn sôi động của thị trường sách thủ công với nhiều ấn phẩm được phát hành một cách nhanh chóng, sự tham gia của một số đơn vị xuất bản mới, hình thành được cộng đồng chơi sách rộng lớn. Hiện nay, sách đặc biệt được ghi nhận như một thị trường ngách của lĩnh vực xuất bản - phát hành.

Sau 17 năm từng bước phát triển dòng sách đặc biệt, ông Thắng cho biết sắp tới 1.000 cuốn The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald (bản tiếng Anh) với quy cách ấn bản giới hạn sẽ được xuất sang thị trường Mỹ. Đây là dấu ấn đầu tiên trong việc xuất khẩu sách giới hạn - một dấu mốc quan trọng trong chặng đường làm sách thủ công đáng nhớ của ông tại Việt Nam. “Đây là một bước đi rất mới, là một cuộc thử nghiệm để xem liệu sản phẩm của mình đã có thể đáp ứng hết những tiêu chí tại thị trường quốc tế hay không”, ông chia sẻ.

“Tiệm cận với chất lượng thế giới”

“Điều mà tôi ấn tượng nhất là nỗ lực của đơn vị xuất bản và ông Trần Đại Thắng. Bản thân tôi nhận thấy hầu như ấn phẩm sau đều hoàn thiện hơn ấn phẩm trước, tôi nghĩ điều này cần rất nhiều nỗ lực để đi một chặng đường dài như thế. Có những lúc họ cũng dừng lại để tổng kết, học hỏi rồi đi tiếp”, anh Lê Đức Duy, một nhà sưu tập sách tại TP.HCM, chia sẻ.

Là một người chuyên sưu tập các ấn bản sách đặc biệt, anh cho rằng quan trọng nhất vẫn là nội dung. Chỉ khi nội dung hay khiến cho độc giả yêu thích thì người ta mới muốn sưu tầm những phiên bản đặc biệt như một cách để trân trọng cuốn sách.

“Đối với những cuốn sách được lưu trữ từ 10 năm trở đi, chất lượng bìa sách sẽ được thể hiện ra rất rõ rệt. Đó là lý do từ thời Trung cổ người ta dùng da thật làm bìa sách vì nó có thể giữ được độ bền qua hàng trăm năm. So với những ấn phẩm đặc biệt của các nhà xuất bản lớn trên thế giới mà tôi đang có, có thể thấy sản phẩm tại Việt Nam đang tiệm cận với chất lượng của thế giới”, anh Duy nhận xét.

Bà Lâm Ngọc Phương Thảo - trưởng phòng Sách thủ công - mô tả thao tác khâu gáy sách thủ công. Ảnh: Thanh Trần.

Giữa năm 2020, Đông A chính thức thành lập phòng Sách thủ công với một nhóm bạn trẻ yêu thích sách và công việc đóng sách. Tuy nhiên, vì là một ngành khá mới ở Việt Nam khi đó nên nhóm làm sách mất nhiều thời gian để học và thử nghiệm trước khi cho ra mắt sách. Chẳng hạn để có được phiên bản đặc biệt của cuốn Bà Bovary, phòng Sách đặc biệt mất khoảng 2 năm và qua 9 lần thử nghiệm để cho ra phương án đóng sách sau cùng.

“Mặc dù vẫn có những đơn vị, thợ gia công nhận làm sách theo đơn đặt hàng, nhưng để đưa vào sản xuất số lượng lớn, chúng tôi phải tự học toàn bộ, tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều người ở trong nước lẫn nước ngoài”, bà Lâm Ngọc Phương Thảo chia sẻ.

Đơn vị này tập trung vào 2 dòng sách chính: sản xuất số lượng lớn và phiên bản giới hạn. Sách số lượng lớn sẽ được làm bán thủ công với bìa da nhân tạo, trong khi dòng sách giới hạn S100 được sản xuất hoàn toàn thủ công với bìa da dê hoặc da bò. Hiện nay, để cho ra một tựa sách giới hạn 100 cuốn, phòng Sách thủ công của bà Thảo mất khoảng một tháng. Các ấn bản da nhân tạo được thực hiện nhanh hơn, khoảng 2-3 tuần cho một đợt sách.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-17-nam-tao-nen-nhung-phien-ban-sach-dac-biet-post1391575.html