Mừng và lo

Có hành lang pháp lý, trường đại học mới có cơ hội tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào học phí như hiện nay...

Ảnh minh họa ITN.

Câu chuyện Việt Nam có 6 trường đại học đạt doanh thu nghìn tỷ được truyền thông nhắc những ngày gần đây, trong đó có nhiều trường công lập, khiến những ai quan tâm đến giáo dục đại học vừa mừng, lại vừa trở trăn.

Mừng vì chỉ trong thời gian không quá dài thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, đến nay năng lực tài chính của các trường khá tốt. Điểm mặt những trường nghìn tỷ cho thấy có sự chuyển biến vượt bậc về đổi mới chương trình, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện thu nhập cho giảng viên, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế...

Đến nay, khuôn viên hiện đại của các trường nghìn tỷ như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM… vẫn là niềm mơ ước của nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên cả nước. Thu nhập của đội ngũ cũng đặc biệt được cải thiện, đủ sức thu hút người giỏi.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT hồi tháng 8/2022 về các trường tự chủ, so sánh với năm 2018 và 2021, tỷ lệ giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng lên 5,97%.

Thế nhưng, cận cảnh những trường đại học này và rộng hơn là các trường có doanh thu tốt khác cũng có nhiều điều đáng trăn trở, trong đó đáng chú ý là tỷ trọng doanh thu từ học phí chiếm cao nhất trong cơ cấu thu. Doanh thu từ ngân sách, hoạt động tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng… không đáng kể và để cải thiện nhóm doanh thu này là không mấy dễ dàng.

Vì học phí là nguồn thu chủ đạo nên để có doanh thu tốt, các trường phải tăng học phí hoặc tăng quy mô tuyển sinh. Thực tế cho thấy, học phí của các trường tự chủ tăng mạnh trong thời gian qua; quy mô tuyển sinh ở nhiều trường cũng tăng trưởng rất nóng.

Học phí tăng cao gây ra tình trạng thiếu bền vững trong tài chính giáo dục, khiến người nghèo, ở vùng sâu vùng xa giảm khả năng tiếp cận đại học. Còn tăng trưởng nóng chỉ tiêu tuyển sinh lại tác động mạnh tới các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý, để tăng quy mô tuyển sinh, một số ngành đặc thù “kén sinh viên” có nguy cơ rơi vào tình trạng bị “bỏ rơi”.

Tài chính giáo dục đại học tốt là điều kiện quan trọng để các trường nâng cao chất lượng, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào học phí sẽ khó phát triển bền vững.

Cách đây không lâu, tại hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học tổ chức ở Cần Thơ, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến đến từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhắc đến khuyến nghị của hội nghị thượng đỉnh về giáo dục đại học trên thế giới, rằng các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cần chi 1% GDP cho giáo dục đại học (hiện nay chi cho giáo dục đại học chỉ ở mức 0,27% GDP).

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Cần nhìn nhận, chi tiêu giáo dục không giống như chi cho du lịch hay các dịch vụ khác, mà đó là khoản đầu tư quan trọng của quốc gia. Hiện, Bộ Tài chính có tư duy chi cho giáo dục là “chi tiêu dùng” nên người học phải trả đúng, trả đủ, một tư duy không có lợi cho sự phát triển của giáo dục.

Tự chủ đại học được đánh giá là chủ trương lớn và giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Nhưng, tự chủ không có nghĩa là cắt hoàn toàn đầu tư Nhà nước cho giáo dục đại học.

Song song với nỗ lực của các trường trong việc đa dạng hóa nguồn thu để giảm áp lực lên học phí, cần tăng cấp tài chính cho giáo dục đại học. Đó có thể là hỗ trợ kinh phí đào tạo tính theo người học hoặc học bổng cấp qua kinh phí cho nhà trường, hay cơ chế miễn trừ thuế cho các khoản hỗ trợ sinh viên, nhà trường của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần có hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng liên quan đến vấn đề hợp tác công tư đối với các đơn vị tự chủ. Như vậy, trường đại học mới có cơ hội tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào học phí như hiện nay.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mung-va-lo-post650189.html