Mừng cho bóng đá trẻ Hà Nội

Khi các tuyến trẻ nam của bộ môn bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội từ Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao Gia Lâm chuyển về tập luyện, ăn, ở, học tập tại Trung tâm ở Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), không chỉ các cầu thủ trẻ mà phụ huynh, rồi những người làm thể thao Thủ đô cũng cảm thấy chộn rộn vui lây...

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, khi đến nơi ở của các tuyến trẻ bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, dễ dàng nhận thấy sự phấn khởi của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) nơi đây. Các cầu thủ trẻ được ở ngay tầng 1 tại khu nhà dành cho chuyên gia, mỗi phòng 4 VĐV. Đây là nơi ở của các chuyên gia nước ngoài huấn luyện những đội thể thao Hà Nội cũng như của một số đội tuyển quốc gia tập huấn tại Trung tâm. Ngoài ra, những VĐV trọng điểm của thể thao Hà Nội cũng được đặc cách ở tại đây. Tất cả để thấy điều kiện ăn ở của các VĐV bóng đá trẻ thuận lợi như thế nào. Đó cũng là cách để các VĐV trẻ chuyên tâm tập luyện, theo đuổi đam mê.

Trong khi đó, ở khu sân tập ngay gần đó, các HLV và VĐV các tuyến trẻ tha hồ chọn giờ, chọn sân để tập luyện. Đó cũng là thuận lợi so với khi đội tập luyện ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm (thường được gọi vui là “Hoàng Anh Gia Lâm”, còn người ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội gọi là “lò” Gia Lâm). Ở đó, các tuyến U.11, U.13 cũng chỉ có thể tập đến 17 giờ ở sân nhân tạo. Còn sau đó có muốn tập thêm cũng khó vì sân được khai thác phục vụ các đội bóng phong trào.

Tuyến trẻ U.11 của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội được tuyển chọn chặt chẽ đầu vào.

Cũng phải kể thêm về gốc gác của “lò” Gia Lâm. Khoảng năm 2002, Sở TDTT Hà Nội (cũ)-nay là Sở Văn hóa-Thể thao TP Hà Nội đã đặt một tuyến bóng đá trẻ tại Trung tâm TDTT (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao) huyện Gia Lâm. Ngày mới về Trung tâm Gia Lâm, mặt sân lút cỏ, thầy trò trong đội phải cùng nhau dọn cỏ mới có thể tập luyện. Rồi đến khi sân Hàng Đẫy được thay mặt cỏ để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 thì lãnh đạo Trung tâm TDTT Gia Lâm khi đó đã xin được toàn bộ mặt cỏ nơi đây mang về sân bóng đá Trung tâm. Trên mặt cỏ ấy, nhiều lứa cầu thủ trong đó có Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Tuấn Hải... đã trưởng thành. Nói như nhiều HLV ở đây thì về mặt duy tâm, mặt cỏ cũng có nhiều điều để nhớ. Bởi điều kiện ăn ở, tập luyện dù thua xa nhiều lò đào tạo khác nhưng khi tập trên mặt cỏ ấy, những lớp cầu thủ có tài cứ nảy ra ào ạt.

Còn theo cách nhìn khác thì “không thầy đố mày làm nên”, cũng là để ghi nhận công sức, tài năng, sự lăn lộn với nghề của những người thầy tại các tuyến bóng đá trẻ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Cho đến trước khi về Mỹ Đình 2, các tuyến trẻ bóng đá nam của Trung tâm vẫn tập luyện trên sân bóng tận dụng lớp cỏ ở sân Hàng Đẫy năm 2003.

HLV Hoàng Anh Tuấn của lứa U.11 tâm sự: "Việc được ăn ở, tập luyện, học tập khép kín ngay ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thực sự là cơ hội tốt để thu hút, đào tạo cầu thủ. Đợt tuyển quân cho lứa U.11 hè năm 2023, khi tổ chức ở 5 huyện trên địa bàn thành phố đã có tới hơn 2.000 cầu thủ nhí ứng tuyển. Từ đó ban huấn luyện đội U.11 đã chọn được trên chục cầu thủ đáp ứng yêu cầu chuyên môn". Nhiều gia đình biết con em nếu trúng tuyển sẽ được tập luyện ngay ở Mỹ Đình 2 nên đã hào hứng cho con thi tuyển. Đến lúc này, khâu khó khăn nhất là sân bãi đã được giải quyết, thầy trò hoàn toàn chủ động được giờ tập luyện.

Còn Phó trưởng bộ môn bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Nguyễn Trọng Hồng chia sẻ: Sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm đã được cụ thể hóa với việc các tuyến trẻ được đưa về Trung tâm ở Mỹ Đình 2 với điều kiện tập luyện, sinh hoạt, học tập khép kín. Chia tay nơi tập luyện ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm thực sự cũng có chút tâm trạng. Đó là điều dễ hiểu vì nơi này chứa đựng quá nhiều kỷ niệm, đặc biệt khi ông Hồng gần như gắn bó từ những ngày đầu gây dựng cơ sở. Nhưng rõ ràng về Mỹ Đình 2 với điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho khâu quản lý đã mang đến những hy vọng, lạc quan mới. Quan trọng hơn cả, vẫn phải có “sản phẩm” để góp phần làm rạng danh bóng đá nước nhà, bóng đá Thủ đô như cơ sở đào tạo của Trung tâm tại Gia Lâm từng làm được.

Bài và ảnh: VŨ QUỲNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/mung-cho-bong-da-tre-ha-noi-765296