Mùi vị dẫn vào thế giới ký ức

“Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ” là cuốn tản văn của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân (Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam) gồm 30 bài vừa ra mắt bạn đọc cuối năm 2022. Hầu hết tản văn trong tập sách này đã đăng trong mục “Mùi vị ký ức” trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng mà nữ thi sĩ giữ mục suốt từ tháng 8-2020 đến tháng 12-2022.

Mỗi bài viết trong tập sách này là một câu chuyện liên quan đến ẩm thực, nhưng đúng như tác giả tự bạch, chị không viết về hướng dẫn học nấu ăn mà mỗi món ăn bao giờ cũng gắn với những kỷ niệm và trải nghiệm, gắn với tình cảm của người trong cuộc.

Có thể là những người thân trong gia đình như mẹ, như bà, có thể là những người bạn, người chị, người em, có thể là đồng nghiệp... Những món ăn cũng đồng hành với các chuyến đi của Nguyễn Bảo Chân đến khắp các phương trời.

Cuốn sách “Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ”. Ảnh do tác giả cung cấp

Theo suốt hơn 200 trang sách của cuốn tản văn, tôi đã gặp biết bao món ăn quen thuộc của miền Bắc, cũng là vùng không gian mà tác giả đã sinh ra và lớn lên. Đó là canh cải xanh cá rô, xôi cốm, chè kho, cốm xào, dưa muối và canh dưa lạc tóp mỡ, canh cua khoai sọ rau rút, đậu mơ rán giòn, bánh đúc, cá kho. Những món ăn ấy gắn bó với tác giả từ thuở ấu thơ, cũng gắn liền với hình ảnh người mẹ yêu thương, người bà tần tảo. Mỗi món ăn được nấu chứa đựng bao tình cảm, cảm xúc của người làm bếp cũng như những người thưởng thức, Những món ăn ấy với tôi không xa lạ, nhưng đọc những trang văn đầy tinh tế của Nguyễn Bảo Chân, dường như mỗi người đọc đều thấy món ăn ấy ngon hơn rất nhiều lần và bất chợt muốn tìm về một miền ký ức mà chúng ta từng đi qua.

Hãy xem khi tác giả tả về xôi cốm: “Những hạt bụi đậu xanh mê mải nâng niu bao bọc từng hạt cốm mọng. Cùi dừa bánh tẻ nạo thành sợi mảnh, ướp tí tẹo đường cát, cũng xao lên qua lửa mới rắc vào xôi. Những cọng dừa trắng ngà ẩn hiện lấp ló trong xanh non nõn của cốm, vàng mơ màng của đậu, vàng rười rượi của sen...”.

Hay như khi Nguyễn Bảo Chân tả về bát canh dưa lạc, một món ăn dân dã quen thuộc mà gia đình nào cũng có thể nấu được: “Múc bát canh ra, nước phải sánh lại, ánh màu hổ phách; những miếng tóp mỡ, những mẩu lạc tí hin lấp ló như đang chơi trốn tìm dưới lớp dưa quấn mỡ ong óng và những lát cà chua đỏ lựng”.

Không chỉ dừng lại ở những món ăn Việt Nam, Nguyễn Bảo Chân còn mang đến cho bạn đọc những món ăn độc đáo ở nhiều quốc gia như bánh Struklji (bánh cuộn phô mai tách kem trộn lá tarragon) của Slovenia, bánh Vanillekipferl của Đức, bánh Macaron, bánh Baguette và bánh Galette des Rois của Pháp. Mỗi món ăn mang theo cả một nền văn hóa với những phong tục, tập quán của cư dân bản địa.

Chẳng hạn bánh Panettone của Italy và Vanillekipferl của Đức chỉ làm vào dịp cuối năm để đón Giáng sinh. Nguyễn Bảo Chân có cơ duyên được đi đến nhiều đất nước, có bạn bè thân quý ở khắp nơi nên lại càng có nhiều cơ hội để được thưởng thức các món ăn đặc sắc mang phong vị riêng của mỗi vùng miền. Nhiều món ăn của Việt Nam cũng được Nguyễn Bảo Chân giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chị đã từng làm món nem rán tại Malaysia, làm món bún bò Nam Bộ tại Đan Mạch và được tất cả gia đình những người bạn của chị vô cùng thích thú.

Mỗi món ăn mang theo bao kỷ niệm, ân tình, gắn với cả những hình bóng có khi chẳng bao giờ còn gặp lại nữa. Sự lắng đọng trong cảm xúc, tinh tế trong chữ nghĩa của Nguyễn Bảo Chân đã thực sự chinh phục được nhiều người đọc, trong đó có tôi.

Và tôi gọi đây là tập tản văn của một nhà thơ bởi hồn vía chị thổi vào từng con chữ và những câu thơ thi thoảng lại ngân lên, vang lên, giăng mắc trong những trang văn làm rưng rưng mãi lòng ta: Cái nắng xinh xinh bà cất vào túi áo cánh/ rồi cẩn thận cài miệng túi bằng chiếc kim băng bé xíu/ sợ cái nắng ngã/ sợ cái nắng đau/ cái nắng bé bỏng mộng mơ trời cao/ biết đâu có ngày bão mưa/ biết đâu có ngày dông gió/ Có ngày chiếc kim băng tuột rơi/ Áo cánh mong manh sương khói/ Bà ngoại bay về trời...

Theo qdnd.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202309/mui-vi-dan-vao-the-gioi-ky-uc-f5862fc/