Mùi Tết

Chưa đến tháng Giêng mà hương Tết đã man mác phố. Hà Nội rét đậm từ tháng Chạp. Thảng hoặc đâu đó đã bắt gặp một nhánh đào xuân chín sớm, nhu nhú bông khoe sắc hường trên góc phố, chênh chao sau xe hàng cô bán hoa làm nhòe một vạt nắng ửng đông.

Một nhánh đào Tết nở sớm, rưng rưng cả phố phường Hà Nội dâng tràn một cảm giác se sao. Mọi người chép miệng xuýt xoa, Tết sao mà nhanh thế, mới đó mà đã lại Tết rồi ư. Chao ôi, cái quỹ đạo thời gian đến lạ lùng. Với con trẻ, thời gian vô tư lự. Thời gian tồn tại như một đấng sinh thành, nuôi dưỡng sự sống, ươm cho sự sống lớn dần lên, giúp cho chúng trưởng thành, vững chãi, để khi đủ lớn bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời.

Với người trẻ tuổi, thời gian là những trải nghiệm quý báu, là sự tồn tại song hành như người bạn lớn, giúp cho họ đi vào thế giới với cuộc tìm kiếm bất tận của những khát vọng trẻ. Thời gian giúp cho người trẻ có được những kinh nghiệm sống quý báu, những thành đạt trong công việc, những chiêm nghiệm thú vị trong đời sống. Thời gian thực là người thầy, người bạn tri âm.

Với người già, thời gian dường như là sự tồn tại hư vô trôi qua đời họ, tồn tại bên cạnh cuộc sống của họ một cách vô khái niệm. Tôi đã từng tiếp xúc với những người nổi tiếng, những bậc hiền nhân trong một không gian vô thời gian.

Ấy là khi họ tựa gối nhìn qua song cửa và mơ hồ với những vạt nắng cuối ngày, mơ hồ với những cơn mưa, với những nụ tầm xuân nở bên giàn hoa nhà hàng xóm. Ấy là khi thời gian không còn là khái niệm hiện hữu, họ tồn tại trong thế giới vật chất này nhưng tâm linh đã phiêu du ở một cõi khác.

Viết về cảm giác này, tôi không thể không nhớ tới những gương mặt nổi tiếng như nhà thơ Khương Hữu Dụng, nhà biên kịch Đào Mộng Long, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, hay nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Kim Lân…

Tôi đã từng chứng kiến những khoảnh khắc vô khái niệm thời gian của họ, khi mà ranh giới đi và ở, giữa cõi thực và cõi mộng nhiều khi đã bị xóa nhòa bởi những cơn gió lạnh của tuổi tác.

Tôi đã từng ngồi cùng họ, thực hiện những bài viết về họ trong phút giây cuối, khi thời gian hờ hững qua song cửa, để lại hun hút trong gió lạnh đời người những tiếng thở dài của tuổi tác, hay số phận.

Nhưng với những người không hẳn là trẻ nữa, nhưng tuổi già cũng chưa thực sự tới một cách gấp gáp và lạnh lùng nhất, thì thời gian quay quắt và thức đập trong tâm thức của mỗi người. Cái ý niệm thời gian rõ ràng, cụ thể hơn bao giờ hết.

Mỗi một giây phút đi qua là một tiếc nuối, là ngẩn ngơ, là sự khắc khoải tâm thức bởi những việc ngổn ngang chưa kịp làm, những khát vọng dang dở chưa kịp toàn vẹn, những ước muốn chưa kịp hoàn thành thì thời gian đã vụt bay qua.

Khi chúng ta hiểu thời gian một cách tường tận nhất thì thời gian lúc này đã tự như một ánh chớp, chưa kịp nắm bắt, chưa kịp tận hưởng thì đã giật mình hối hả nhìn những vạt nắng cuối ngày cuộn đi mênh mông trong hoàng hôn của đời người…

Với những người đã bắt đầu biết tiếc nuối năm tháng, biết tiếc nuối tuổi trẻ, thời gian bỗng dưng nghiệt ngã hơn hết thảy bởi sau chớp mắt, ngày đã qua, mùa đã qua, tuổi đã qua…Tết đã lại… thêm một Tết nữa.

Sáng nay, một vài nhánh đào xuân chín sớm đã xuống phố mang theo bao nhiêu ý niệm thời gian. Người thành phố giật mình sau một giấc ngủ đông, sau một năm trôi trong dòng chảy cuộc sống với bộn bề công việc, bộn bề quan hệ. Giật mình với cái lạnh tê người tan chảy như sương giá đã phủ khắp phố phường. Giật mình bởi những ý niệm về thời gian, về quy luật đến và đi của vũ trụ.

Ôi nhánh đào xuân bé nhỏ nở sớm, sáng nay xuất hiện trên phố. Những nụ hồng mơ mơ phấn hoa ủ trong búp lá bé xíu đã như một thông điệp đánh thức mùa xuân, nối hiện tại với tương lai, níu tương lai với quá khứ, nối quá khứ với vô cùng... Trong mối quan hệ rằng rịt của vạn vật, của thời gian, không gian, nụ đào kia như một vệt chớp của thời gian để đánh thức chúng ta về một năm đã đi qua, một cái Tết nữa lại về.…

Nương theo nhánh đào xuân nở sớm, mùi tết đã dâng. Mùi Tết đã len lỏi trong từng con ngõ nhỏ, từng nếp nhà xưa. Mùi Tết đã níu chân người trên 36 phố phường cổ kính của thủ đô Hà Nội.

Hồ Gươm sương trắng mờ dâng, áo đỏ, khăn len choàng kín mặt người qua lại. Tay trong tay những đôi trẻ ríu rít đi chợ Tết. Đôi người già chầm chậm nén hương nương nhau qua cầu Thê Húc để đốt nén hương cuối năm nơi chùa một cột cầu cho năm mới bình an.

Người thành phố hối hả bởi Tết. Bao nhiêu lễ nghĩa dồn lại cho dịp cuối năm, bao nhiêu mong muốn thụ hưởng dồn lại trong ba ngày Tết. Bao nhiêu nợ nần, ân nghĩa đong chật lại trong những ngày này, hối hả, gấp gáp lo cho vẹn tròn.

Bao nhiêu cái rủi, bao nhiêu vận may, thảy hết đều đong chật trong tiềm thức của người Việt, để dịp Tết đến vận rủi thì cúng cho hư vô, vận may thì đáp lễ về trời để sang năm mới nhận được nhiều vận may mới. Một khoảnh khắc mùi Tết mà tôi bắt gặp ở thành phố nơi tôi ở, gợi bao xốn xang những ý niệm thời gian…

Bao nhiêu lễ nghĩa dồn lại cho dịp cuối năm, bao nhiêu mong muốn thụ hưởng dồn lại trong ba ngày Tết. Bao nhiêu nợ nần, ân nghĩa đong chật lại trong những ngày này, hối hả, gấp gáp lo cho vẹn tròn. Bao nhiêu cái rủi, bao nhiêu vận may, thảy hết đều đong chật trong tiềm thức của người Việt, để dịp Tết đến vận rủi thì cúng cho hư vô, vận may thì đáp lễ về trời để sang năm mới nhận được nhiều vận may mới.

Như Bình

(Nhà văn)

Minh họa: Nguyễn Nghĩa Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mui-tet-2242267.html