Mùi dưới cánh tay: Chưa có phương pháp không xâm lấn nào triệt được tuyệt đối

Bác sĩ Duy cho biết, hôi nách là tình trạng vùng da dưới cánh tay có mùi gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chưa có phương pháp không xâm lấn nào triệt được mồ hôi tuyệt đối.

Gần đây, mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận khoảng 50 ca điều trị mùi hôi vùng nách. Mùa nắng nóng nhiều người mặc cảm, ngại giao tiếp.

Chị B.M.X. (Kiên Giang) 25 tuổi nhưng tới 10 năm bị khủng hoảng tâm lý do mùi hôi vùng nách. Năm học lớp 9, X. bị bạn bè đổ xà phòng lên người và đặt cho nhiều biệt danh khó nghe. X. đã thử đủ cách như dùng lăn khử mùi, chà chanh tươi, phèn chua, dầu gió, lá trầu… nhưng không hiệu quả.

Thời gian dài đi học, chị thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. X. dần tự ti, nhiều lần muốn bỏ học, thậm chí rối loạn lo âu. Càng căng thẳng, sợ hãi thì mồ hôi và mùi hôi càng nhiều.

Sau tốt nghiệp cấp 3, X. lựa chọn ở nhà làm nông cùng cha mẹ, nhận gia công hàng may mặc tại nhà, tự hạn chế các giao tiếp xã hội. Nhiều năm nay, chị không dự bất kỳ đám tiệc, cuộc hẹn hò hay chuyến du lịch nào. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, X. luôn tắm kỹ, chà xát vùng nách nhiều lần bằng xà bông, lăn nách nhiều lần với lăn khử mùi, xức thêm nước hoa.

Hai năm trước, gom góp được hơn 20 triệu đồng, X. tới một thẩm mỹ viện làm phẫu thuật đốt điện phá hủy tuyến mồ hôi nách. Sau điều trị, vùng nách giảm được khoảng ⅓ mùi. Chị tiêm thêm botox, mùi giảm chỉ còn khoảng 30% nhưng mỗi 6 tháng phải tiêm lặp lại, mỗi lần gần 10 triệu đồng. Chi phí điều trị lớn, khó có thể theo lâu dài, chị X. từ Kiên Giang tới TP.HCM tìm phương án điều trị khác.

Thực hiện triệt tuyến mồ hôi nách bằng công nghệ vi sóng (microwave) là một phương pháp

Cùng gặp tình trạng như chị X. nhưng anh P.N.T (30 tuổi, nhân viên công nghệ ở TP.HCM) mới xuất hiện hôi nách trong khoảng 1 năm nay, sau khi tái nhiễm Covid-19 lần thứ 2.

Bị mất khứu giác nên anh không biết cơ thể mình có mùi. Hơn nữa, trước đây dù anh chơi thể thao nhiều, đổ nhiều mồ hôi nhưng cũng chưa từng có mùi, không cần dùng lăn nách.

Một lần khi đang xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị, một người đàn ông lớn tuổi níu tay anh, nói nhỏ “sao người con hôi dữ vậy?”. Giật mình, anh hỏi lại người nhà thì được xác nhận rằng gần đây thấy cơ thể anh có mùi, nhất là sau khi chơi thể thao.

Từ đó, anh T. xin làm việc ở nhà, hạn chế tới công ty, chỉ tham gia các cuộc họp quan trọng. Các trận bóng đá, đánh cầu lông yêu thích hàng ngày đều phải tạm dừng. T. từng chi hơn 10 triệu đồng mua liệu trình triệt hôi nách, được cam kết hết mùi 100%, bảo hành trọn đời tại một spa. Qua 4 lần chiếu laser, thấy mùi giảm không đáng kể, chán nản, anh T. tự bỏ.

BS CKI Võ Thị Tường Duy chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu nào về cơ chế tác động của Covid-19 khiến cơ thể đột ngột tăng tiết mồ hôi và mồ hôi nách có mùi. Tuy nhiên, có một số báo cáo ghi nhận tình trạng này và nghi ngờ có thể do virus làm rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ghi nhận lượt điều trị tăng tiết mồ hôi trong 3 tháng đầu năm nay tăng khoảng 40% so với quý trước, mỗi tháng khoảng 50 trường hợp. Mùa nóng, số ca tiếp tục tăng. Trong đó, chủ yếu là người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam.

Có nhiều nguyên nhân khác khiến vùng dưới cánh tay đột ngột xuất hiện mùi khó chịu. Bác sĩ Duy chỉ ra rằng ngoài nguyên nhân do vệ sinh cá nhân kém, hay hoạt động thể chất nhiều, chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm gây tăng mùi thì việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai, trong thời gian cho con bú, hoặc sử dụng hormone ngoại sinh, hay mắc các bệnh nội khoa khác cũng khiến mồ hôi có mùi. Sự tăng tiết mồ hôi cùng với vi khuẩn trên da phân hủy các chất trong mồ hôi sẽ tạo ra mùi khó chịu.

BS CKI Võ Thị Tường Duy cho biết có thể kiểm tra mức độ tăng tiết mồ hôi của người bệnh bằng bột i-ốt.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hai người bệnh trên lựa chọn điều trị bằng công nghệ vi sóng (microwave) với máy Miradry công nghệ Mỹ. Kết quả tái khám sau hai tuần, tình trạng tăng tiết mồ hôi và mùi hôi của chị X. và anh T. giảm khoảng 70%-80%.

Với phần mùi còn lại, người bệnh cần kiểm soát bằng cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ, dùng lăn khử mùi có chứa nhôm, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, có mùi như hành, tỏi…

Bác sĩ Duy cho biết, hôi nách là tình trạng vùng da dưới cánh tay có mùi gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong da có hai tuyến mồ hôi gồm tuyến mồ hôi nước và tuyến mồ hôi dầu. Tuyến mồ hôi nước phân bố khắp cơ thể, tiết trực tiếp lên bề mặt da để làm mát, điều hòa thân nhiệt.

Tuyến mồ hôi dầu chỉ có ở một số bộ phận như nách, vùng kín, song không hoạt động trước tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, sự thay đổi về nội tiết (hormone) làm cho tuyến apocrine hoạt động, tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein. Hệ vi khuẩn trên da phân hủy các chất nhờn này, tạo ra mùi.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng do vận động nhiều, căng thẳng, hai tuyến mồ hôi sẽ hoạt động mạnh hơn để điều hòa thân nhiệt, càng có nhiều thức ăn cho vi khuẩn. Một số trường hợp đổ rất ít mồ hôi nước, nhưng đổ nhiều mồ hôi dầu nên vẫn xuất hiện mùi.

Mặc dù vậy, nhiều người bệnh không biết tới cơ chế tạo mùi này. Do đó, khi sử dụng các phương pháp dân gian như dùng phèn chua, đắp lá trầu… chỉ có hiệu quả ít, hoặc giảm mùi trong thời gian ngắn.

Các phương pháp được một số spa quảng cáo để đốt cháy tuyến mồ hôi nách như đốt điện, chiếu tia plasma…cũng chưa được cấp phép thực hiện tại spa do nguy cơ tai biến cao như bỏng, sẹo. Người bệnh cần được khám và đánh giá tình trạng hôi nách tại các bệnh viện uy tín để có thể chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Thêm nữa, theo bác sĩ Duy, chưa có phương pháp không xâm lấn nào triệt được mồ hôi tuyệt đối.

Các bác sĩ khi tư vấn cũng nói rõ về hiệu quả điều trị chỉ đạt tối đa 80%-90%. Bởi cơ thể có cơ chế tăng tiết mồ hôi bù trừ. Ví dụ, nếu triệt tuyến mồ hôi ở nách thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh để tăng tiết mồ hôi ở các vị trí khác như lưng, ngực, bụng nhằm điều hòa nhiệt độ cơ thể.

Tuy nhiên, việc điều trị mùi hôi nách rất cần thiết cho người bệnh, để họ không rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý do mùi hôi vùng nách. Sau điều trị, người bệnh cần tiếp tục kiểm soát chế độ ăn uống, vận động, cảm xúc để giảm mùi.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/mui-duoi-canh-tay-chua-co-phuong-phap-khong-xam-lan-nao-triet-duoc-tuyet-doi-d8897.html