Mùi của Tết

Cứ đến độ giữa tháng Chạp ai nấy đều nôn nao về 'mùi thơm' của Tết. Vậy Tết có mùi gì mà làm con người ta nôn nao đến kỳ lạ vậy?

Tranh: Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ.

Đó là hương quả bưởi chín vàng mẹ để dành trên cây đợi đúng thời điểm mới trảy, hương buồng chuối cha cắt dú chín để bày lên mâm ngũ quả; hương mùi nếp mới, đậu xanh mẹ cất trong chum cho nồi bánh chưng giao thừa; hương mùi gừng, ngũ sắc trong góc vườn phấp phỏng nồi nước nghi ngút để tẩy trần cuối năm, gột rửa những buồn phiền năm cũ; mùi chộn rộn của thức ăn, của hương hoa quất, hoa đào, hoa mai trong cái chậu nhỏ, mùi hoa ly ngào ngạt mỗi lúc lại qua; mùi của hương trầm...

Mùi của Tết chính là hương vị tuyệt vời của nhiều món, nhiều thứ quyện vào nhau. Mùi của Tết rất đặc biệt, khiến người ta liên tưởng ngay đến sự quây quần, sum họp trong nồng ấm của hương hoa, của nhiều món ăn, của sắc thái vui tươi, hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi vùng quê. Đâu phải chỉ có ngày Tết người ta mới thắp hương, mới bày cỗ… nhưng hương và cỗ Tết có mùi thơm đặc biệt riêng khiến lòng ai cũng cảm thấy ấm áp đến lạ thường.

Những ai xa quê cứ bước sang tháng Chạp, khi muôn hoa bắt đầu khoe sắc, các mặt hàng Tết bán khắp nơi, trong mỗi người đã bắt đầu rộn ràng là biết Tết sắp gõ cửa từng nhà. Nhất là ngày 23 tháng Chạp, thấy nhà nhà thắp hương tiễn ông Táo về trời, mùi thơm từ đó tỏa ra làm cho lòng người nao nao, làm cho chúng ta nhớ nhà da diết.

Thật lòng mà nói, lúc này tâm trạng với công việc cũng rất khó mà tập trung. Mỗi ngày bước chân ra đường là thấy thêm những điều rộn rã. Trên các đường làng, ngõ phố, đào, mai, quất và các loài hoa rực rỡ, hàng hóa tấp nập, người đi lại nhộn nhịp, ai cũng hối hả lo cho Tết nhà mình. Trong lòng thèm hơi ấm người thân, muốn buông công việc để về quê ngay tức khắc. Lúc đó mùi của Tết thôi thúc chúng ta phải lo mua vé tàu xe về quê, lúc này cái mùi Tết cũng đã lẫn đâu đó quanh khu trọ, quanh cơ quan... khi ấy con người ta nghe bằng tai, thấy bằng mắt, biết được là sắp Tết nên tưởng cái mùi Tết nó nằm ngay trước mũi.

Càng cận cuối năm thì mùi của Tết càng dậy lên thơm nức lòng người. Đến ngày 30 tháng Chạp thì mùi của Tết quyện đan kín vào cả không gian làng quê, phố xá. Nhìn lên bàn thờ gia tiên, cháu con trào dâng tấm lòng biết ơn và thành kính. Cảm nhận như những linh hồn tổ tiên cũng hòa vào niềm hân hoan của các thế hệ cháu con đang đón chào năm mới.

Mùi của tiết trời se lạnh, khi đám trẻ rong chơi trong lớp sương mù dày đặc, tiếng gà vịt đã kêu inh ỏi khắp xóm, chắc nhà nào cũng nuôi vài con để dành dịp Tết. Mấy đứa trẻ con đạp chiếc xe lọc cọc đi học cùng tiếng cười nói bàn luận không biết năm nay trường cho nghỉ học sớm hay muộn. Cô tạp hóa đầu ngõ cũng đã nhập thêm nhiều đồ trang trí Tết về. Mấy bác hàng xóm cứ chăm chỉ ngoài vườn mãi, chăm cho cây mai, cây đào, cây quất ra hoa kịp chơi Tết, coi như là có lộc xuân về.

Dù thời gian có nhiều thay đổi nhưng mùi Tết vẫn là như vậy, quyện trong tâm thức những nốt hương trong trẻo làm dịu lòng người. Vì Tết là sự khởi đầu một năm mới, còn đón Tết, chúng ta đang còn có ngày mai. Tết chính là thời điểm tốt để có những khởi đầu. Khởi đầu một hành trình mà chúng ta ấp ủ, khởi đầu những dự định đã dày công lên kế hoạch, khởi đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc đời. Cứ thế, mỗi khi nghe thấy mùi Tết, chúng ta luôn có thêm nhiều năng lượng và hào sảng chờ đón những điều mới, để gặp gỡ thêm nhân duyên đáng quý trong cuộc đời.

Mùi của Tết quả là kỳ diệu, đứng nhắm mắt cảm nhận những nhịp thở của đất trời và lòng người đang giao hòa làm nên một mùa đẹp nhất trong năm. Mùi thơm của Tết sẽ gieo vào lòng người một tinh thần lạc quan, những niềm hy vọng vào tương lai tươi đẹp của một năm mới. Vì vậy, dẫu cho đi đến phương trời nào thì mỗi người con Việt Nam cũng mãi không thể nào quên được.

CÔNG HOAN - DUY LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mui-cua-tet-10273109.html