Mục tiêu lớn của Ấn Độ trong chuyến thăm 'bước ngoặt' tới Mỹ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có chuyến thăm Mỹ trong tuần này. Theo Reuters, đây được coi là bước ngoặt cho quan hệ song phương, bao gồm làm sâu sắc hơn hợp tác công nghiệp quốc phòng và chia sẻ công nghệ cao.

Theo Reuters, chuyến thăm này dự kiến sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận với các công nghệ quan trọng mà Washington hiếm khi chia sẻ với các nước không phải là đồng minh. Đồng thời, củng cố thêm mối quan hệ không chỉ trong nền chính trị toàn cầu mà còn cả kinh doanh và kinh tế.

Washington và New Delhi, từng vẫn còn nhiều nghi ngại lẫn nhau trong Chiến tranh Lạnh, đã xích lại gần nhau hơn trong hai thập kỷ nay. Nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đối với việc tăng cường quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ - một nền kinh tế châu Á mới nổi và là một cường quốc khu vực.

Nối dài hợp tác Mỹ - Ấn Độ

Tổng thống Joe Biden đã tiếp nhận truyền thống đó và mở rộng thêm sự hợp tác này. Mỹ hiện coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn thế giới và tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Washington cũng muốn thuyết phục Ấn Độ xa rời hơn đối tác quốc phòng truyền thống là Nga. Tuy nhiên, việc New Delhi vẫn tiếp tục giao thương với Moscow sau cuộc xung đột Ukrainr khiến phương Tây rất thất vọng.

Chuyến thăm này được đánh giá là quan trọng đối với quan hệ Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Về phía Ấn Độ, như ông Modi đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 2016, nước này cũng đã vượt qua "sự do dự của lịch sử" để tăng cường kết nối với phương Tây trong bối cảnh nước này cũng có những căng thẳng riêng với Trung Quốc.

Mặc dù ông Modi đã thực hiện một số chuyến thăm Mỹ trước đây, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên ông thực hiện một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ. Đây cũng là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước thứ 3 mà ông Biden đã đón tiếp trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra thông tin với các phóng viên hôm thứ Hai (19/6): "Đó là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi... Đó là một chuyến thăm rất có ý nghĩa, một chuyến thăm rất quan trọng".

Ngoại trưởng Kwatra cũng cho biết, một thành công quan trọng dự kiến sẽ được nhắm tới là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, đặc biệt là giữa các ngành công nghiệp quân sự của hai nước, khi Ấn Độ tìm cách sản xuất thêm vũ khí và thiết bị trong nước cũng như để xuất khẩu.

Động cơ phản lực, máy bay không người lái và chất bán dẫn

Các thông báo chính được mong đợi trong chuyến thăm của ông Modi là việc Mỹ chấp thuận cho hãng General Electric sản xuất động cơ ở Ấn Độ, tạo thuận lợi cho thương vụ Ấn Độ mua 31 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian có vũ trang do General Atomics sản xuất trị giá 3 tỷ USD và loại bỏ các rào cản thương mại để thúc đẩy giao thương thuận lợi hơn trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao.

"Mọi người sẽ nhìn lại chuyến thăm này của Thủ tướng Modi như một bàn đạp thực sự cho mối quan hệ Mỹ-Ấn, vì nó liên quan đến các vấn đề quốc phòng... nói riêng," Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết tại một sự kiện ngày 8/6.

Ông Ely Ratner cũng đánh giá thêm, một Ấn Độ mạnh mẽ hơn có thể bảo vệ lợi ích của chính mình và có thể đóng góp cho an ninh khu vực.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cũng cho biết, hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn, không gian mạng, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng và truyền thông chiến lược, các dự án không gian thương mại, điện toán lượng tử và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng cũng sẽ được thảo luận.

Trong chuyến thăm ba ngày bắt đầu ở New York vào ngày 21/6, ông Modi sẽ được Tổng thống Biden chiêu đãi bữa tối cấp nhà nước và một bữa tối riêng tư với gia đình, dự bữa trưa với Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken, đồng thời phát biểu trước một hội nghị chung của Quốc hội Mỹ. Đây là lần thứ 2 ông Modi có bài phát biểu như vậy trong vòng 9 năm.

Ông Modi cũng sẽ gặp gỡ các CEO Mỹ và dẫn đầu sự kiện Ngày Quốc tế Yoga tại trụ sở Liên hợp quốc.

C Raja Mohan, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á ở New Delhi, nói: "Đây không phải là một chuyến thăm thường lệ, đây là một bước ngoặt cơ bản giữa Ấn Độ và Mỹ. Đây là vấn đề tạo ra một sự cân bằng quyền lực mới ở châu Á, một châu Á đa cực, nơi không có một cường quốc nào có sức mạnh lấn át".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/muc-tieu-lon-cua-an-do-trong-chuyen-tham-buoc-ngoat-toi-my-20230620085645139.htm