Mục tiêu không dễ...

Theo Quyết định số 5289/QĐ-UBND về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội thì phấn đấu đến năm 2045 sẽ hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cụ thể, Đề án xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Dự kiến tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021- 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý III.2023. Lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ là lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV.2023.

Ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gồm lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời... Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó quy định 3 hình thức lựa chọn gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng thẩm định của UBND thành phố hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư... Tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, theo đó thành phố có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư. Thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất... UBND thành phố cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.

Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 và dự kiến cập nhật bổ sung vào danh mục thêm khoảng 200 - 300 nhà. Chủ trương thực hiện xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội cũng đã có từ lâu, tuy nhiên việc triển khai rất chậm bởi nhiều lý do như vướng mắc về cơ chế, chính sách, định hướng cải tạo chung cư cũ chưa rõ ràng; chưa có quy định giải tỏa với hộ dân lấn chiếm đất...

Bởi vậy, để đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vào năm 2045 cần sự nỗ lực rất lớn, nếu không sẽ rất dễ đi vào "vết xe đổ" của giai đoạn trước.

Ninh Khương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/muc-tieu-khong-de