Mức phạt xâm phạm bản quyền chưa tương xứng với hành vi

Phương án được đánh giá khả thi ngăn chặn vấn nạn xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan là tăng mức xử phạt với từng hành vi vi phạm.

Sau khi bị khởi tố, các tên miền phimmoi.net, phimmoizz.net bị chặn thì nay lại hoạt động với tên miền phimmoiyyy.net.

Mức phạt chưa tương xứng với hành vi

Tại Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” diễn ra tại Hà Nội, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch BHD Vietnam Media Corp - kể rằng, khi phát hành phim “Cô ba Sài Gòn”, có khán giả vào xem và quay lại phim. Sau đó, phim bị rò rỉ khiến BHD phải báo công an để tìm ra kẻ phát tán trái phép.

Vị khán giả cũng là người phát tán phim lậu khóc nức nở và thú nhận không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật. Cuối cùng, người này bị phạt 3 triệu đồng - mức phạt vô cùng không tương xứng so với thiệt hại của nhà sản xuất. Điều đó cho thấy những hạn chế trong việc giáo dục cũng như nhận thức về giá trị tài sản trí tuệ.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, Trưởng văn phòng luật Phan Law Việt Nam - đưa ra ví dụ liên quan đến bản quyền phim. Cụ thể là các website như phimmoi.net, mỗi tháng có trên 80 triệu lượt xem. Giả sử mỗi lượt xem là 2 USD thì số tiền thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt với các cá nhân và tổ chức xâm phạm bản quyền, họ luôn có các chiêu trò đối phó tinh vi. Khi bị cảnh báo hoặc bị cơ quan chức năng xóa bỏ, thì chỉ vài phút sau lại xuất hiện các website với tên miền na ná với tên miền cũ và có khả năng bảo lưu toàn bộ nội dung đã bị xóa bỏ để tiếp tục hành vi vi phạm.

Đáng ngại nhất, gần đây trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… nạn review phim trở thành phương thức chính để kiếm tiền.

Việc review phim tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến các nhà đầu tư, sản xuất phim điêu đứng vì nội dung chính đã bị tiết lộ, khán giả không còn hứng thú bỏ tiền đến rạp mua vé xem lại phim mà mình đã biết.

Hành vi review phim trái phép tuy không gây thiệt hại cho người xem, nhưng nhà làm phim lại bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không còn khả năng tái đầu tư cho sáng tạo.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - đại diện BHD - cho rằng, kẻ lấy trộm xe máy thì bị đi tù, còn kẻ xâm phạm tài sản trí tuệ khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng thì chỉ bị phạt 3 triệu đồng. Điều đó không chỉ thể hiện sự bất tương xứng trong hành vi, mà còn thể hiện những khoảng trống của luật pháp.

Đồng tình với nhận xét này, trao đổi với Báo GD&TĐ nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng đây là một ví dụ điển hình và đã từng xảy ra.

“Kẻ trộm xe máy vài triệu đồng thì bị xử lý hình sự, nhưng trộm bức tranh, làm giả tác phẩm có giá trị hàng trăm triệu thì có khi không bị xử lý. Thậm chí, một bảo tàng ở TPHCM bày tranh giả, khi bị phát giác thì chỉ lập biên bản rồi cho chủ nhân mang tranh về, coi như chưa có gì xảy ra”, nhà nghiên cứu Lý Đợi nói.

Ông Lý Đợi nói thêm rằng, vấn đề bản quyền ở nước ta rất khó xác định vì nhiều vụ án tương đối trừu tượng. Cơ quan chức năng không né tránh, nhưng rất ngại đụng chạm tới vấn đề bản quyền. Vụ án “Thần đồng đất Việt” là một ví dụ, xử lý kéo dài tới hơn 10 năm.

Nên có môn học giáo dục về bản quyền

Năm 2022, cuốn sách 'Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật' bị tố cáo vi phạm quyền tác giả, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.

Thực tế vấn đề vi phạm bản quyền tác giả luôn nảy sinh các tình tiết mới mà hành lang pháp lý chưa đề cập tới.

Bởi vậy, sau 10 năm thi hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, hành lang pháp lý về lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có một nghị định thay thế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 với nhiều sự thay đổi.

Khung và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm được đặc biệt nhấn mạnh, bảo đảm sức răn đe, khắc phục những hạn chế đã diễn ra trong 10 năm qua.

Tăng mức xử phạt được xem là phương án khả thi để ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa hẳn có tác dụng. Bức tranh “Đảo xanh hồ Thác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ bị một cửa hàng nội thất lấy được file gốc trên một hội nhóm mạng xã hội để phục vụ mục đích kinh doanh là ví dụ điển hình.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận định: “Tăng mức phạt chỉ là một trong các khía cạnh cần thiết chứ không thể ngăn chặn được vấn nạn xâm phạm bản quyền. Chúng ta cần tăng cường giáo dục về bản quyền để mọi người ý thức được tài sản trí tuệ - sản phẩm của công nghiệp văn hóa (phim, ảnh, tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…) là tài sản được định giá, có giá trị trong các giao dịch tài chính.

Thêm vào đó nên cần thêm những tiết dạy về bản quyền trong môn Giáo dục công dân, sách hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa… Riêng đại học nên có một môn riêng về vấn đề bản quyền, tùy trường mà có số tín chỉ khác nhau. Bởi nhiều trường hợp do vô tư, vô tình mà vi phạm bản quyền, do không nghĩ hành vi của mình là vi phạm pháp luật”.

Ngoài việc giáo dục nâng cao ý thức, giới chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy các chế tài và định chế pháp luật hoạt động, thậm chí sớm có tòa án riêng để xử lý các vụ liên quan đến bản quyền.

Là người vừa thắng kiện trong vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bài thơ “Gánh mẹ”, ngày 7/9, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà thơ Trương Minh Nhật nói rằng: Cần phân cấp mức độ xâm phạm một cách khoa học và chính xác, áp dụng thêm công nghệ AI nhằm có biện pháp chế tài đúng đắn, nghiêm minh.

Những đối tượng xâm phạm bản quyền luôn có sự tính toán để tránh né. Điển hình như bài thơ “Gánh mẹ” bị xâm phạm trên 90%, thì phải chuyển sang hình sự nhằm tránh các trường hợp đương sự xâm phạm cố tình trốn tránh việc thi hành án.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/muc-phat-xam-pham-ban-quyen-chua-tuong-xung-voi-hanh-vi-post653408.html