Mức lương bình quân để tính lương hưu

(Chinhphu.vn) - Ông Trương Quang Thuật (quangthuanqb@...) tham gia đóng BHXH từ tháng 6/1976, tính đến thời điểm nghỉ hưu đã có 29 năm 5 tháng đóng BHXH. Trước khi nghỉ hưu, ông Thuật làm việc tại Đoạn quản lý đường bộ 3 Quảng Bình, sau đó chuyển đổi thành Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp 2 Quảng Bình.

Quá trình công tác của ông Thuật như sau:

- Từ tháng 6/1976, đến tháng 8/1978 được cử đi học và được cấp bằng lái xe tải hạng C.

- Từ tháng 3/1979 đến tháng 12/2000, là công nhân lái xe tải hạng C, hưởng lương hệ số 2,92.

- Tháng 12/2000 được điều chuyển lái xe ô tô con bậc 3/3, hưởng lương hệ số 2,73.

Đến tháng 12/2004, ông Thuật được chuyển đổi lương mới theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP , lái xe con bậc 3/4, hệ số 3,05 và trước khi về nghỉ việc chờ hưởng lương hưu 2 tháng ông được nâng lương bậc 4/4 lái xe con hệ số 3,6.

Tháng 11/2005, ông nghỉ việc theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và chờ thêm 3 năm để đủ tuổi hưởng lương hưu.

Tháng 9/2008, ông nhận chế độ hưu trí với mức lương là 1.083.420 đồng/tháng (căn cứ tính lương hưu là mức bình quân tiền lương tháng 5 năm cuối trước khi nghỉ việc). Sau nhiều lần tăng lương thì số tiền lương hưu hiện nay của ông là 2.113.000 đồng/tháng.

Ông Thuật hỏi: BHXH tính lương hưu của ông dựa trên tiền lương bình quân thời gian 5 năm lái xe con, như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Thuật hỏi như sau:

Xếp lương theo công việc

Theo quy định của pháp luật về lao động tiền lương tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, việc chuyển, xếp lương phải bảo đảm theo nguyên tắc làm công việc gì, chức vụ gì, hưởng lương theo công việc đó. Đối với công nhân và nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh, cơ sở để xếp lương là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật.

Do vậy, trường hợp ông Trương Quang Thuật, từ tháng 12/2000 được Đoạn quản lý đường bộ 3 Quảng Bình điều chuyển từ công việc lái xe tải hạng C sang lái xe con, phải chuyển xếp lương, hệ số bậc lương theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của công nhân lái xe con là đúng quy định.

Căn cứ tính lương hưu

Khoản 1 Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định: Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Ông Thuật công tác, tham gia BHXH từ tháng 6/1976. Đến khi nghỉ việc có 29 năm 5 tháng đóng BHXH, là đối tượng hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này. Do đó, BHXH địa phương lấy bình quân tiền lương đóng BHXH của 5 năm cuối của ông Thuật trước khi nghỉ việc để tính lương hưu đối với ông là đúng quy định.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

Tin, bài liên quan:

Đóng BHXH và tính hưởng lương hưu

Hướng dẫn tính hưởng chế độ hưu trí theo mức lương tối thiểu mới

Hướng dẫn xác định thời điểm hưởng lương hưu

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/muc-luong-binh-quan-de-tinh-luong-huu/20133/163694.vgp