Mùa xuân trên nương rẫy

Bỏ mặc tiết trời se lạnh, trên khắp dãy Trường Sơn của hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nối nhau lên nương. Đã đến mùa lúa rẫy. Đây thực sự là ngày hội của đồng bào ở rẻo cao. Và mùa gặt như cái tết của đồng bào trên nương rẫy.

Sơn nữ A Bung (Đakrông, Quảng Trị) vui cùng mùa lúa rẫy. Ảnh: H.H.L

Những hi vọng mùa màng

Chị Căn Tâm, thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông vừa đi, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Lúa rẫy ở nơi đây có từ những ngàn mùa rẫy trước, không ai còn nhớ. Chỉ biết đời trước trỉa, đời sau giữ hạt và đến mùa sau lại gieo hạt xuống nương rồi chờ thu hoạch”. Lần theo tiếng nói, tiếng cười rộn ràng từ phía dãy đồi, chúng tôi cùng những người phụ nữ Pa Kô đeo gùi lên rẫy. Tiếng cười vẫn ngân vang, phá tan không gian tĩnh mịch giữa đại ngàn. Trước mắt chúng tôi hiện lên cảnh gặt lúa trên nương vui như ngày hội.

Từ xa xưa, các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Ngay cả một số đồng bào sinh sống ở vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu thuận lợi như các xã Mò Ó, Hải Phúc, thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) hay các xã Tân Thành, Tân Lập, Tân Long, thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), nhưng việc sản xuất lúa rẫy vẫn được duy trì khá phổ biến. Đồng bào làm lúa rẫy để thỏa mãn nhu cầu lao động và có cái ăn. Hơn nữa, đó là cách duy trì một hình thức sản xuất giản đơn nhưng có bề dày kinh nghiệm, không thua kém gì nền văn minh lúa nước ở đồng bằng.

Tháng 3 âm lịch là thời kì phát rẫy. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, đồng bào bắt đầu trỉa hạt. Những chiếc gậy thọc xuống đất và hạt lúa vàng được đặt xuống chờ ngày nảy mầm.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đakrông, năm 2019, toàn huyện có 1.000 ha lúa rẫy, trong đó A Bung có 120 ha, đứng thứ 3 trong tổng số 14 xã, thị trấn của huyện (sau Tà Rụt 160 ha và A Vao 155 ha). Địa phương này cũng là một trong số ít xã còn lưu giữ những giống cây lương thực bản địa và cách sản xuất truyền thống như: Dếp - giống lúa nếp, dếp Aham - nếp đỏ, dếp Cucha - nếp than, Ky sai - gạo tẻ, Tro Cuda - lúa gạo ngon để thiết đãi thông gia, Tro A Lao - giống lúa Lào...

Lịch sản xuất lúa rẫy của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô lặp đi lặp lại theo một chu kì. Nó cũng nằm chung trong không gian văn hóa của đồng bào ở nơi đây. Từ xa xưa, lao động sản xuất đảm bảo cuộc sống chủ yếu của người Vân Kiều, Pa Kô dựa vào việc phát rẫy, làm nương. Mỗi năm một mùa rẫy, một mùa rẫy cũng được ghi nhớ như một năm. Đây là nguồn gốc cho sự tính tuổi của đồng bào.

Cách chọn vùng đất làm rẫy của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cũng khá “kén”. Rẫy chọn để trỉa lúa phải là rẫy phát lần đầu, có độ mùn cao thì mới đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, nơi chọn đất làm rẫy thường là khu vực đồi núi có độ dốc cao, thường xảy ra hiện tượng xói mòn nên mỗi cái rẫy thường làm 1-2 vụ đầu, sau đó rẫy được “nghỉ” 2-3 năm, lúc này, cây cối mọc lên um tùm, đồng bào lại phát để làm rẫy. Đó là kinh nghiệm canh tác từ thực tiễn cuộc sống.

Chị Căn Nghệ, thôn Cu Tài 2, xã A Bung chia sẻ với chúng tôi: “Đến mùa nương rẫy, tất cả các thành viên trong gia đình đều tham gia. Đây là công việc mang tính cộng đồng cao, lao động của gia đình này có thể giúp đỡ gia đình kia, làng bản này có thể hỗ trợ bản làng khác trong suốt mùa rẫy. Người Vân Kiều, Pa Kô xem việc trỉa lúa là thả hồn lúa về với đất. Trước khi trồng lúa phải làm lễ xin bỏ giống và sau khi gặt xong phải cúng thần lúa”.

Xuân về trên khắp bản làng

Hành trình mùa vụ của người Vân Kiều, Pa Kô rất đỗi gian nan thì mùa gặt được xem như là mùa xuân trên nương rẫy. Chị Hồ Thị Ba (42 tuổi), ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung tâm sự với chúng tôi khi gùi lúa về tận ngôi nhà sàn nhỏ bé nằm cạnh bìa rừng: “Lúa rẫy tạo ra thứ gạo sạch, làm lúa rẫy không phân bón, không thuốc trừ sâu, không thuốc kích thích nên đảm bảo sức khỏe. Mùa này lúa về khắp bản làng. Gặt lúa xong bản làng chọn ngày cúng lúa mới, đó gọi là lễ hội A za”.

Cứ đến tháng Chạp là núi rừng Trường Sơn thơm mùi cơm mới. Lúc này, lễ hội A za của đồng bào Pa Kô được tổ chức từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Dịp này con cháu dù ở xa mấy cũng về. “Năm ngoái, 120 hộ dân của hai bản Cu Tài 1 và Cu Tài 2 đều tổ chức lễ hội A za vào cùng một thời điểm. Cứ mỗi năm một lần, A za được tổ chức vào tháng 12, đây là lễ hội cúng Thần lúa với lời cầu mong cho mùa màng năm sau được tốt tươi”, già làng Vỗ Nghìn, trưởng dòng họ Par Tar, ở Cu Tài 1, xã A Bung tâm sự với chúng tôi. Già còn cho biết thêm, lễ hội A za hết sức quan trọng đối với đồng bào Pa Kô ở A Bung, bởi đây là dịp cầu nguyện cho con cháu trong dòng họ được mạnh khỏe để lên nương, lên rẫy; cảm ơn Thần lúa vì đã mang tới cho con cháu trong dòng họ bát cơm đầy, có cái ăn no bụng; cảm ơn trời, đất, ơn nước, ơn hồn người đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Sau lễ hội A za, đồng bào tiếp tục lên rừng tìm chỗ đất tốt để gieo hạt.

Cứ mỗi năm vào mùa là mùa xuân tới sớm đối với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Hàng trăm năm nay, đồng bào vẫn làm lúa rẫy, đó không chỉ là công việc gìn giữ cho một hình thức sản xuất có từ lâu đời, mà còn là ý thức giữ gìn văn hóa nông nghiệp trong đồng bào thật đáng trân quý.

Sản xuất nông nghiệp thường mang tính đoàn kết cộng đồng cao. Điểm đặc biệt của Tết mừng lúa mới chính là sự quy tụ của cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, sự biết ơn trời đất. A za là lễ hội mùa màng, mang hi vọng mới vào thành quả lao động nông nghiệp của đồng bào giữa núi rừng Trường Sơn. Đối với họ, sự chờ mong vào mùa màng là niềm lạc quan, hi vọng vào tương lai.

Họa My-Văn Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=145520