Mùa xuân ra phố…

Giữa cái nắng hanh hao trong gió se lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa đua thắm hòa với nhạc xuân rộn ràng khiến lòng tôi dâng lên nhiều cảm xúc khó tả: một chút rạo rực mong cho Tết đến, thoáng bồi hồi rồi Tết sẽ qua!

Có cái gì đó thôi thúc, giục giã bước chân tôi ra phố. Cũng khung cảnh đó, nhưng sao hôm nay cảm thấy có gì khang khác. Đường phố đông đúc hơn, con người hối hả, vội vã hơn; văng vẳng tiếng trống “cắc tùng” của xe bán đầu lân. Con đường Nguyễn Huệ bắt đầu lập chợ hoa, gấp rút xây dựng những tiểu cảnh thể hiện văn hóa ba miền Bắc, Trung, Nam… Ấy là mùa xuân đến, cái Tết cận kề…

La cà trên đường phố Sài Gòn, tôi mê mải ngắm nhìn tủ hàng nào đó, thích thú với một hoạt cảnh để cùng bồn chồn với cô gái đang đứng đợi người yêu dưới tán cây sao. Đứng hàng giờ trước Thư viện Khoa học Thành phố, trầm ngâm dưới dinh thự của ngài Hui Bon Hoa trên đường Phó Đức Chính, thẫn thờ với kiến trúc roman trước ngôi giáo đường trầm mặc giữa quảng trường mênh mông... để cảm nhận hồn xuân đã len lỏi trên mái ngói, dưới tháp chuông giữa thảm hoa khoe sắc. Sài Gòn là nơi giao thương, trung tâm kinh tế - văn hóa của phương Nam, trong khi người miền Bắc di cư vào sống rải rác khắp nơi, người miền Trung quần cư ở miệt Tân Bình với nghề dệt cửi truyền thống.

Bước chân lan man đưa một kẻ thích ngao du ngang qua cửa hàng rau quả. Một bà cắp cái giỏ tre đang mặc cả. Tò mò đứng lại, vờ nhìn đường phố nhưng đôi tai tôi lại dỏng lên lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai người đàn bà: - Có boa-rô không cô?

- Chưa có mới khổ chứ thưa bà. Xe tới chỉ đem cho có ít măng tây.

- Vậy cô có gì ngon giới thiệu cho tôi không?

- Có mỗi thứ một ít, a-ti-sô, súp lơ, khoai tây, xà lách caron, chuối la ba. - Khoai tây giá bao nhiêu một ký?

- Bốn chục, thưa bà. - Mắc quá cô nhỉ? Nếu được

ba chục tôi lấy - Không ạ, ba mươi tám là đặc biệt với bà.

- Được ba mươi sáu thì tôi cũng ráng.

- Thôi được, để cho bà...

Nghe vậy, ta tưởng họ là người Sài Gòn chính hiệu, nhưng không. Người Sài Gòn chính gốc là người sinh đẻ tại đây, có ông bà, cha mẹ cũng sinh sống lâu đời ở nơi này. Ta bắt gặp một người thường ăn mặc chỉnh tề, ham hoạt động, qua đường không chút vội vã. Biết rõ nơi nào có món ăn ngon mà rẻ trong các ngóc ngách.

Tưởng họ là người Sài Gòn nhưng không phải, người gốc Sài Gòn nay không còn nhiều, đa phần là dân tỉnh lẻ đến mưu sinh…

Một gã trung niên ăn mặc chỉnh tề chìa trước mặt tôi tập vé số, mời mọc: - Vé số chiều xổ, mua lấy may mắn, thưa ông!

Tôi ngước nhìn gã, quan sát bộ vó, nghĩ bụng người này chẳng thể đem lại điều hay ho gì. Người ta chỉ tin tưởng vào những kẻ đui mù, què quặt hay dáng nghèo khổ mới đem đến sự may mắn!

Đằng này, gã không hề có vẻ khốn khổ hay khuyết tật gì. Nhưng không sao, ngày xuân khiến ta cởi mở hơn, cảm thông và yêu mến tất cả mọi người. Tôi mua vài tờ, gã nhận tiền rồi lịch sự: - Xin chúc ông cùng gia quyến một năm mới an khang, thịnh vượng.

Nghe là biết gã, một người thất cơ lỡ vận… Bước chân vô định đưa tôi đến cửa hàng hoa. Bên trong đầy các loại: cẩm chướng, lay ơn, huệ, hồng nhung, cúc đại đóa…. đủ màu sắc, tỏa hương ngào ngạt.

Cô chủ quán thoăn thoắt kết những bó hoa thật đẹp. Thấy tôi cô dừng tay: - Thưa, ông cần gì ạ? Tôi trả lời: - Xin lỗi, bây giờ thì tôi chưa…, nhưng sau có lẽ sẽ cần.

Cô đứng dậy, kéo hộc tủ lấy ra một cuốn sổ nhỏ, ân cần trao tận tay. Lật trang đầu, có hàng chữ: Xin lưu ý, giữa cuộc sống hối hả, bộn bề công việc, chúng ta thường hay quên chúc tụng ngày lễ, sinh nhật của bạn bè, người thân!

- Cháu đã mở ra dịch vụ đặc biệt, giúp trí nhớ, trong cuốn sổ này có ghi các câu hỏi, quí vị hãy điền vào chỗ trống, rồi gửi trả tờ đó cho cháu. Hai ngày trước lễ, cháu sẽ gọi điện thoại một cách kín đáo để nhắc riêng ông. Đây là bản ghi câu hỏi: Tên? Địa chỉ? Số điện thoại gọi riêng ông? Ngày lễ, sinh nhật mà ông cần nhớ?... Việc ông mua hoa để tặng sẽ được giữ kín.

Tôi hỏi cô chủ: - Đây là ý tưởng của cô ? - Dạ không, của mẹ cháu. - Chắc trước kia mẹ cô học ở Trường Marie Curie. - Dạ đúng, mà sao ông biết hay vậy? Tôi thầm nghĩ, đây không phải ý tưởng của mẹ cô, mà là bài viết của tác giả GeorgesRavon được đưa vào sách giáo khoa của nước Pháp. Cô nữ sinh trường Tây năm xưa đã vận dụng những gì học được vào cuộc mưu sinh và đã thành công.

Người Sài Gòn thân quen từng góc phố, nơi mà bản sắc văn hóa các nước thể hiện trong cuộc sống hàng ngày: Khu chợ Lớn làm ta tưởng như lạc bước đến một tiểu khu bên Trung Hoa với hàng loạt cửa hàng, tiệm ăn, rạp hát đan xen, thoang thoảng mùi thuốc Bắc theo làn gió nhẹ mang đến từ đường Hải Thượng Lãn Ông.

Họ là những người đầu tiên đặt chân đến Hòn ngọc Viễn Đông này; kế đến là nhà thừa sai rao giảng Phúc âm người Y Pha Nho, nối chân là người Phú lang sa lưu dấu những cung giáo đường uy nghi, những ngôi biệt thự cổ kính, tòa thị chính nghiêm trang cùng các công trình kiến trúc theo phong cách châu Âu.

Rồi đến người Ấn Độ đem chút văn hóa Ấn địa nấp dưới ngôi đền huyền bí. Người Nam Dương với mái vòm của Thánh đường Hồi giáo cùng hình ảnh một người Chà Và (Jawa) gác dan, ngồi im lìm trước cửa kho lúa gạo trên bến Lê Quang Liêm… chăm chú nhìn dòng người qua lại, đếm tàu ghe, sà lan cặp bến, khẩn trương sang mạn để còn quay đầu kịp ngày đưa ông Táo về trời.

Rồi cùng nhún nhảy với người phu khuân vác, bao tải nặng trên vai, vung tay nhịp đà trên chiếc cầu ván nối bờ với thuyền. Lang thang mãi, tôi chợt thấy mình ở đường Lê Thánh Tôn. Khu dân cư lâu đời này tràn ngập tiệm giày, dép đủ loại. Một thằng nhỏ đánh giày mà tôi đã nhẵn mặt, ngày thường thì luộm thuộm, nhưng hôm nay lại sạch sẽ, tươm tất, sắc xuân ngời sáng gương mặt, tay xách hộp gỗ, sau lưng là cái ghế nhựa, vừa đi vừa huýt sáo bản Tình ca mùa xuân.

Thấy tôi nó mời : - Đánh giày nha chú? - Bao nhiêu? - Ba chục.

Nó đưa cái ghế mời tôi ngồi rồi tháo đôi giày ra, không quên lồng vào bàn chân tôi đôi dép để khỏi dơ đôi vớ. Thằng bé dỡ đồ nghề lấy hộp xi ra khoe: “Xi ra ki wi đánh bảo đảm mới tinh”, rồi dùng bàn chải đánh răng phớt nhẹ lớp sáp nâu bóng xoa đều lên đôi giày. Đến cái bàn chải thứ hai thì toàn thân nó rung lên nhịp nhàng theo hàng trăm nhát bàn chải. Chất da lên nước bóng loáng...

Cứ thế, tôi yêu từng con đường, góc phố, thấm từng cái hay lẫn cái dở của nó… như có sợi dây tình cảm vô hình nào đó ràng buộc. Để rồi những khi phải xa Sài Gòn thì nỗi nhớ nhung lại khắc khoải bên ngôi giáo đường nghiêng bóng, trong quán nhạc thân tình trên con đường có lá me bay... giữa rộn ràng, ấm áp sắc xuân.

Lê Trang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-xuan-ra-pho_126605.html