Mùa xuân qua thơ chúc tết của Bác Hồ

Dù đã hơn nửa thế kỷ Bác Hồ 'đi xa' nhưng mỗi độ xuân về, tết đến, vào giờ giao thừa thiêng liêng, tâm thức cội nguồn lại dậy lên lời thơ chúc tết của Bác Hồ từ những năm đất nước còn trong đại cuộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 02/02/1946, tức mùng 1 Tết Bính Tuất - Tết Độc lập đầu tiên, Bác Hồ (áo trắng, thứ 3, từ phải sang) cùng các thành viên Chính phủ chúc tết đồng bào cả nước tại Nhà hát lớn, Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Là nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ đã có 22 bài thơ “vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Bài thơ chúc tết đầu tiên của Bác cũng là mừng Xuân Độc lập đầu tiên của nền cộng hòa - dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mùng 1 Tết Bính Tuất năm 1946, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Hồ Chủ tịch cùng các thành viên Chính phủ chúc tết đồng bào. Tại đây, Bác làm và đọc bài thơ chúc tết đầu tiên: Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi.

Bác Hồ cũng làm câu đối mừng Tết Độc lập đầu tiên:

RƯỢU CỘNG HÒA, HOA BÌNH ĐẲNG, MỪNG XUÂN ĐỘC LẬP;

BÁNH TỰ DO, GIÓ BÁC ÁI, ĂN TẾT NHÂN QUYỀN.

Ngoài ra, Bác Hồ còn làm bài thơ mừng tờ báo Quốc Gia - cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ trí thức Hà Nội chủ trương. Bài thơ như sau:

Tết này mới thật tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc Gia/ Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Từ đó, hàng năm, cứ vào giờ giao thừa, Bác Hồ đều đọc thơ chúc tết của Người.

Trong ký ức người Hà Nội, vào những năm Mỹ leo thang chiến tranh, tập trung không lực quấy rối Thủ đô, đêm 30 tết vẫn là thời khắc mọi người dân Hà Nội đổ xô ra bờ hồ Gươm, chen vai thích cánh lên cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn tắm mình trong không gian tâm linh. Chợt tiếng còi điện hụ vang, báo hiệu giờ giao thừa đến. Mọi âm thanh đều im bặt, không gian như lắng lại, uy nghiêm, tĩnh lặng lắng vào hồn thiêng sông núi khi Bác Hồ đọc thơ chúc tết vọng từ chiếc loa phóng thanh. Ai nấy cùng thẩm thấu từng lời thơ chúc tết của vị cha già dân tộc kính yêu, cảm nhận tâm hồn mình hòa với cộng đồng, như thể tất cả là một sự đồng cảm giữa con người với vũ trụ, giữa người sống với người chết, giữa hiện tại với dĩ vãng lịch sử, giữa gia tộc - xóm làng - đất nước và giữa người đi xa với người ở nhà,... Với bề dày trăm năm trải nghiệm, nhà văn hóa kỳ cựu đất Thăng Long đúc kết: “Hồn Tết là một góc độ thể hiện hồn Việt, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, kết tinh truyền thống dân tộc Việt”...

Trong không khí hồ Gươm đêm trừ tịch trên đây vang vọng lời chúc tết của Bác Hồ. Ôi! thiêng liêng biết bao! Thơ chúc tết của Người khái quát tình hình năm cũ, dự báo năm mới, như thơ chúc tết Xuân Quý Tỵ năm 1953, Bác viết:

Mừng năm Thìn vừa qua/ Mừng xuân Tỵ đã tới/ Mừng phát động nông dân/ Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân kết đoàn/ Mừng kháng chiến thắng lợi/ Mừng năm mới nhiệm vụ mới/ Lực lượng mới, thành công mới/ Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào/ Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới!

Qua thơ Bác, chúng ta nhớ lịch sử năm 1950, quân ta mở chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn, phá thế bao vây của giặc Pháp, tiến lên thế thượng phong xốc tới mùa xuân năm 1953 và mùa xuân 1954 với Đại thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như câu thơ Tố Hữu đã viết. Ta cũng nhớ, năm 1952, vào giờ giao thừa, đồng bào cả nước đón nghe lời Bác chúc tết:

Xuân này xuân Nhâm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm!/ Chiến sĩ thì giết giặc/ Đồng bào thì tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta!...

“Chắc thắng trăm phần trăm” và “Thắng lợi ắt về ta” - lời thơ Bác như một hiệu lệnh, tiên tri những tin vui chắc chắn sẽ đến và đi đến mốc lịch sử Điện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và cả thế giới như sử sách đã ghi.

Năm nay, chúng ta đón mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024. Nhâm Thìn năm 1954 và Giáp Thìn năm 2024 - tròn 70 năm là 70 mùa xuân đánh đuổi 2 cường quốc Pháp - Mỹ xâm lược, giành lại nền độc lập và toàn vẹn một dải giang sơn gấm vóc.

“Còn non, còn nước, còn người”, quét sạch giặc thù rồi thì ta chung tay “xây dựng bằng mười ngày nay” như lời dạy của Bác Hồ, để Xuân Giáp Thìn năm 2024, ta có một “cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ đẹp thế” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Đất nước hóa rồng, cả dân tộc sánh vai cùng bè bạn năm châu đi vào kỷ nguyên số, đi vào Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa đất nước lên tầm hiện đại, phú cường mà Đảng, Nhà nước ta đã vạch tầm nhìn tới thập niên 40 của thế kỷ XXI này là đích đến.

Xuân Giáp Thìn năm 2024 là Xuân trăm hoa đua nở trên ước mơ và hy vọng của mọi con dân đất Việt./.

Quang Hảo

(Bài viết sưu tầm và biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mua-xuan-qua-tho-chuc-tet-cua-bac-ho-a170520.html