Mùa vàng trên vùng đất núi lửa Krông Nô

Nhờ thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, lúa gạo trồng ở huyện vùng sâu Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có hương vị thơm ngon đặc trưng riêng.

Nông dân nơi đây đã liên kết sản xuất ra loại gạo đặc hữu của địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ cây lúa nước.

Sân phơi của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Chóa (huyện Krông Nô) vàng rực dưới ánh mặt trời. Khoảng chục phụ nữ đang hối hả phơi đảo thóc. Chị Triệu Thị Lan, dân tộc Tày, ở thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, cho biết, từ khi vào Hợp tác xã, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap, nông dân đỡ vất vả mà có thu nhập cao hơn.

“Từ việc làm đất, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch… đều làm bằng máy móc hết, nói chung là công việc của nông dân giờ cũng nhẹ nhàng hơn. Mình chỉ phải theo dõi, ghi chép xem bao nhiêu ngày gieo sạ thì xịt thuốc, bón phân… làm nhàn hơn mà năng suất lại cao hơn” - chị Triệu Thị Lan chia sẻ.

Nông dân Buôn Chóa đã có thu nhập khá nhờ cây lúa, lúa gạo Krông Nô có hương vị đặc trưng riêng nhờ khoáng chất trầm tích đá núi lửa.

Nông dân Buôn Chóa đã có thu nhập khá nhờ cây lúa, lúa gạo Krông Nô có hương vị đặc trưng riêng nhờ khoáng chất trầm tích đá núi lửa.

Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Chóa cho biết, hiện đơn vị liên kết với nông dân canh tác hơn 440ha lúa nước 2 vụ, sử dụng giống ST24, ST25. Vụ này năng suất lúa trung bình đạt 10 tấn 1 ha, giảm nhẹ so với vụ trước. Với giá lúa tươi trên 8.000 đồng/kg, giá gạo trên 20.000 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng 50 triệu đồng 1ha.

Do kho chứa hạn chế và tiềm lực có hạn, Hợp tác xã chỉ giữ lại một số ít thóc để chế biến gạo thành phẩm, duy trì 3 điểm bán hàng tại huyện Krông Nô, Thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) và Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

“Làm theo chuẩn VietGap đảm bảo chất lượng hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, thì tự nhiên giá trị hàng hóa tăng lên. Lúa tươi đây mà hiện giờ giá 8.100 - 8.200 đồng/kg, liên tục có khách vào mua" - ông Phạm Xuân Lai nói.

Hầu hết các khâu sản xuất lúa gạo ở Krông Nô đều đã được cơ giới hóa.

Hầu hết các khâu sản xuất lúa gạo ở Krông Nô đều đã được cơ giới hóa.

Cánh đồng Buôn Chóa nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang, bên dòng sông Krông Nô, thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Toàn bộ hơn 700 ha lúa tại đây đều canh tác giống ST24, ST25, là những giống lúa gạo thuộc loại ngon top đầu thế giới. Theo bà Trần Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội nông dân xã Buôn Chóa, cánh đồng được bồi lấp bởi phù sa sông Krông Nô, cộng với trầm tích khoáng chất từ đá bọt núi lửa đã giúp cho lúa gạo Buôn Chóa đậm đà hương vị riêng có.

Chính ông Hồ Quang Cua, người lai tạo ra giống lúa ST24, ST25, khi tới đây cũng phải công nhận lúa gạo trồng tại Buôn Chóa thơm ngon hơn ở những vùng khác.

“Chúng tôi đã đảm bảo quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa thì rất nhiều doanh nghiệp tìm đến, họ mua lúa tươi họ cũng muốn có xuất xứ nguồn gốc. Mong muốn của chúng tôi là đã xây dựng được thương hiệu rồi thì làm sao giữ vững được nó và không để nơi nào có thể trà trộn sản phẩm với địa danh Buôn Choáh. Và chúng tôi cũng kiên quyết là làm theo các quy chuẩn chất lượng, bây giờ là VietGap thì tới đây sẽ cao hơn nữa, làm lúa hữu cơ, để mà nâng giá trị lên” - bà Trần Thị Thanh Vân chia sẻ.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Cùng với thương hiệu gạo Buôn Choáh đã có, huyện đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể Gạo Krông Nô, nhằm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đặc trưng riêng có cho gần 5.000 ha lúa trồng dưới chân các núi lửa ở địa phương. Do diện tích có hạn, huyện định hướng sản xuất gạo đặc hữu với giống lúa ST24, ST25, canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, và thu hút đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt gạo vùng đất núi lửa.

“Về phía huyện cũng như các cơ quan chuyên môn thì sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã để mà cung ứng, quản lý sản xuất cho thật tốt. Thứ hai là sẽ phải có cơ chế chính sách để mà giữ lại toàn bộ sản phẩm thô phục vụ cho chế biến sâu tại địa phương. Không những chỉ là bán gạo đơn thuần, mà sau đó có thể chế biến sâu hơn, ví dụ như làm bánh phở từ gạo ST25, bánh gạo ST25… sản phẩm sẽ nâng giá trị gia tăng lên, không phải là 20.000 - 25.000 đồng/kg gạo nữa, mà lúc đó chế biến sâu cho giá trị 1kg gạo lên 50.000 đồng/kg” - ông Doãn Gia Lộc nói.

Thừa hưởng những đặc trưng riêng có từ địa chất và khí hậu, kết hợp với sản xuất nông nghiệp an toàn, cây lúa ở vùng đất núi lửa Krông Nô đang đem lại những mùa vàng no ấm cho nông dân./.

Minh Huệ/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mua-vang-tren-vung-dat-nui-lua-krong-no-post947520.vov