Mùa tựu trường và những cảnh báo nguy hiểm từ bệnh truyền nhiễm

Hiện nay, trên 351 nghìn học sinh của Thái Nguyên đã bước vào năm học mới 2023-2024. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Nhất là khi Thái Nguyên đã xuất hiện ca dương tính và tử vong do bệnh bạch hầu và các trường hợp bị đau mắt đỏ…

Hiện nay, trên 351 nghìn học sinh của Thái Nguyên đã bước vào năm học mới 2023-2024. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Nhất là khi Thái Nguyên đã xuất hiện ca dương tính và tử vong do bệnh bạch hầu (ngoại lai từ tỉnh khác vào Thái Nguyên) và các trường hợp bị đau mắt đỏ…

Trẻ em được điều trị bệnh viêm kết mạc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Từ trường hợp nữ sinh tử vong do bệnh bạch hầu

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 7-9, Thái Nguyên xuất hiện trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu là nữ sinh T.T.D, có địa chỉ thường trú tại thôn Há Pia, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang), đang học lớp 10, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên).

Trước đó, ngày 4-9, em D có biểu hiện sốt, đau họng, khó nuốt, khản tiếng, đau ngực (sáng cùng ngày trước khi vào viện vẫn đi học). Do sốt cao liên tục tại trường, em D được y tế Nhà trường điều trị hạ sốt kháng sinh chống viêm nhưng không đỡ.

Ngày 7-9, y tế Nhà trường đưa em D đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám, điều trị và được chẩn đoán suy hô hấp - theo dõi bạch hầu. Đến 16 giờ cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đi Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân thở máy, sốt cao, được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết (bạch hầu), tiên lượng nặng. Bệnh nhân tử vong hồi 18 giờ ngày 9-9.

Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, dưới da...

Như vậy sau rất nhiều năm, đến nay, Thái Nguyên lại xuất hiện trường hợp tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Từ ổ dịch này, ngành Y tế đã yêu cầu lực lượng y tế thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành cách ly các trường hợp có liên quan đến ca bệnh. Đồng thời chỉ đạo đưa 7 học sinh có dấu hiệu sốt, đau họng, đau bụng (được y tế Nhà trường theo dõi) chuyển vào cách ly, điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đó 1 trường hợp cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu là nam sinh L.M.P, sinh năm 2008, đến từ xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Cùng với đó là thực hiện các biện pháp như phun khử khuẩn tại ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho học sinh tiếp xúc gần với ca bệnh (97 học sinh); đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu…

Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, thông tin: Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên có 214 học sinh đến từ tỉnh Hà Giang đang theo học (197 học sinh đến từ huyện Mèo Vạc, 17 học sinh đến từ huyện Đồng Văn). Trường hợp nữ học sinh tử vong do mắc bệnh bạch hầu và nhiều học sinh từ Hà Giang về Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên theo học chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Do đó, để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng liều.

Đến việc chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ

Cùng với những diễn biến khó lường của bệnh bạch hầu tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, 1 tháng nay, cơ sở y tế này đã tiếp nhận trên 300 lượt người đến khám các loại bệnh về mắt, trong đó có gần 1/3 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, hều hết là trẻ em.

Tương tự, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khoảng 2 tuần nay đã tiếp nhận trên 50 ca mắc viêm kết mạc cấp (phần lớn là trẻ em). Trong số đó, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng nặng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.

Anh Trần Minh Hoàng, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), có con bị viêm kết mạc mắt, phải điều trị tại Bệnh viện, nói: Thấy cháu bị đau mắt đỏ, tôi nghĩ chỉ cần tự mua thuốc điều trị là khỏi chứ không nghĩ cháu chuyển biến nặng như thế này…

Có thể thấy, vào mùa tựu trường, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã xuất hiện trong các trường học ở Thái Nguyên. Ngoài ra, theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhiều bệnh lý khác có thể xuất hiện khi học sinh trở lại trường là bệnh về đường tiêu hóa, cảm cúm, viêm mũi họng, chân tay miệng, sốt xuất huyết…

Bởi vậy, bác sĩ Hoàng Anh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc sức khỏe cho con em mình bằng cách khuyến khích trẻ luôn giữ vệ sinh chân, tay, cơ thể sạch sẽ; chăm chỉ luyện tập thể thao; ngủ đủ giấc và đúng giờ, tránh thức khuya; phòng ngừa muỗi đốt tại nhà…

Đặc biệt, phụ huynh cần chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng cúm, bạch hầu, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, sởi -quai bị- rubella (MMR)… cho trẻ.

Khi các em có dấu hiệu ho, sốt, đau mắt, đau bụng… cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách, tránh tự điều trị tại nhà, có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202309/mua-tuu-truong-va-nhung-canh-bao-nguy-hiem-tubenh-truyen-nhiem-0ca266e/