Mùa Tết

Khoảng thời gian cuối năm thời tiết trong thành phố trở nên đỏng đảnh, mưa gió thất thường. Rất lâu rồi không thấy mặt trời rực rỡ, bầu trời lúc nào cũng đầy mây, dù chỉ là những làn mây mỏng lướt nhẹ theo gió cũng đủ che mặt trời làm cho những con phố buồn thiu. Buổi sáng ra đường sẽ thấy lạnh, người dân đi biển thường phải mặc thêm áo khoác và chỉ đứng trên bờ nhúng chân đùa với sóng. Những ngày ấy không thấy bình minh ở đâu, mãi qua đầu tháng Chạp ta mới có những buổi sáng sớm mặt trời le lói những tia nắng ấm, màu vàng của nắng bây giờ đã nhạt, chỉ vừa khơi dậy trong lòng người chút bâng khuâng. Tết đã tới gần.

Tết lại sắp đến rồi, giống như cùng đang đếm ngược, ai cũng nghĩ về một năm vừa qua xem đã làm và chưa làm được gì, nhưng dù thế nào thì ai cũng nghĩ phải đón một cái Tết ấm cúng. Đầu tiên là sắm sửa cho con cháu những tấm áo mới. Hồi tôi còn nhỏ, quần áo Tết của chị em tôi được má lo rất sớm. Thuở đó chưa có nhiều hàng hóa như bây giờ để lựa chọn, rất nhiều năm quần áo Tết của chị em tôi là do má tôi tự tay may, nghĩa là má mua vải về đo, cắt rồi cặm cụi may tay từng mũi.

Có lẽ rất nhiều phụ nữ giống má tôi, đã rất bận bịu trong những ngày trước Tết. Việc mua sắm trong nhà cũng cực không kém, tùy theo điều kiện của mình nhà nào cũng mua thêm vài thứ còn mới để ba ngày Tết trong nhà được tươm tất, mừng cho năm cũ đã qua được khó khăn và cầu mong năm mới sắp đến sẽ sung túc hơn. Nên nhà nào ngày Tết cũng thay bộ bàn ghế phòng khách, thay mấy tấm màn cửa sáng màu hơn, thậm chí chén đũa cũng mua mới.

Bao nhiêu đời đã qua, Tết là không thể thiếu nên đường phố trở nên nhộn nhịp vì rất nhiều cửa hàng trưng bày đủ loại, từ rượu, bánh đến đèn, hoa, tranh ảnh và hàng trăm thứ để phục vụ nhu cầu chơi Tết. Tôi vẫn thích đi chợ, những khu chợ truyền thống vào những ngày này hầu như ngày nào cũng đông người, có thêm nhiều mặt hàng mà ngày thường không có, từ hàng cao cấp đến thứ nhỏ nhặt như củ hành củ tỏi được bó thành đủ hình thể rất đẹp. Có điều không phải lúc nào chợ cũng vui, có năm chợ Tết đìu hiu cho đến ngày đưa ông Táo mới thấy được hơi thở của Tết.

Có ra chợ mới thấy hết vui buồn của cuộc đời. Năm nào người ta nhộn nhịp sắm sửa ăn Tết đông vui thì biết năm ấy nhiều người làm ăn thành công, còn những năm buôn bán ế ẩm thì ai cũng hiểu đó là năm kinh tế - xã hội gặp khó khăn. Nói ở chợ là nhìn thấy hết cuộc đời cũng không sai, vì ngay cả những năm người người vui vẻ ăn Tết vẫn có những người nhìn Tết với nhiều tâm trạng. Đó là những ai đến tận chiều 29, 30 Tết mới có ít tiền chạy sấp ngửa ra chợ mua cho con cái áo, cái bánh và chậu hoa vạn thọ để cúng giao thừa.

Thông thường, qua ngày đưa ông Táo thì mấy chợ hoa bắt đầu có khách, khắp nơi ngoài đường những chiếc xe máy chở hoa chạy lên chạy xuống mang Tết về nhà. Nhà nào cũng có ít nhất một chậu hoa cúc đặt trước cửa là thành Tết. Ngày xưa, ba tôi thích để trong phòng khách nhà mình một chậu hoa mai, hồi đó đa phần người ta chỉ chơi mai cành, loại mai được chặt từ rừng về. Chiều 30 Tết, nhà cửa được lau dọn sạch sẽ, cây mai được cắm trong cái lọ gốm thật đẹp, chen trong những cánh hoa vàng rực rỡ chúng tôi còn gắn thêm những dây kim tuyến và đèn màu làm cho gian phòng khách rực rỡ, trang trọng và rất Tết. Bây giờ, Tết theo thời gian nên ít nhiều thay đổi. Những ngày giáp Tết, sân nhà tôi chỉ có thêm hai chậu hoa cúc đại đóa màu vàng, trên hiên treo thêm một chiếc lồng đèn có đèn nhấp nháy là thấy lòng ấm áp.

Những ngày cuối của năm thường qua rất nhanh, qua 25 tháng Chạp đã thấy nhiều nhà kê mấy hòn đá chẻ trước nhà làm bếp nấu bánh tét. Nhìn những cái bếp lửa cháy bùng tung lên trong bóng đêm những tia màu đỏ giống như pháo hoa, lại thấy trong lòng gợn lên bao nỗi nhớ về thời thơ dại. Nhớ những đêm cuối năm lạnh buốt, mấy anh chị em co ro ngồi cạnh bếp lửa canh nồi bánh tét. Những kỷ niệm nhỏ ấy hình như ai cũng có...

Xuân hạ thu đông, 4 mùa sấp ngửa mưu sinh vì cuộc sống, ai cũng thấy Tết là lúc được nghỉ ngơi. Giàu hay nghèo thì Tết cũng đều có ý nghĩa riêng, là nhu cầu tinh thần và tình cảm nên Tết đã trở thành một mùa. Tôi gọi đó là mùa Tết.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202401/mua-tet-c035bf6/