Mùa mơ vàng ngang phố thị

Tháng 3, khi những quả mơ bắt đầu vào kỳ chín rụng thì cũng là lúc góc phố được điểm tô bởi sắc vàng óng ả của những gánh hàng chờ khách mua…

Mơ ngon đương độ

Các cụ xưa hay ví von, mơ chín vàng cũng là lúc xuân đang độ lỡ thì. Mơ vốn chua, lại còn thêm vị chát. Thế nhưng, hương thơm của nó tuy chẳng nồng nàn, quyến rũ ngay tắp lự, nhưng lại khiến người ta có chút gì đó vương vấn man mác, dịu dàng.

Mơ có nhiều loại như mơ thóc, mơ chấm son, mơ đào… đa số đều có vị chua, hơi đắng. Bởi có vị chua nên hiếm ai mua mơ về thưởng thức trực tiếp mà thường để chế biến thành ô mai, hoặc phổ biến nhất là ngâm thành nước giải khát phục vụ cho mùa hè oi ả. Mùa mơ chín cũng khá ngắn, chỉ rộ cỡ mươi ngày, nửa tháng. Nếu thu hoạch không kịp là mơ rụng đầy gốc, thành ra cứ rám má đào là người ta đã hái đem xuống phố rồi.

Ở Hà Nội phần lớn người ta bán mơ Hương Sơn (mạn chùa Hương) và một số loại trồng ở dãy núi đá vôi các tỉnh miền núi phía Bắc. Mơ đồng bằng thì quả to và mọng nước, rất hợp cho việc ngâm siro hoặc làm ô mai. Mơ núi đá quả bé hơn chút, nhưng lại rất thơm khi chín ửng má đào (loại này không chín vàng đều). Mùa mơ tới kỳ thu hoạch, ở miền Bắc nhiều nhà tranh thủ ngâm đường, ít thì cũng một bình, nhiều độ đôi ba bình để uống cả năm. Quả mơ giàu vitamin A nên có nhiều tác dụng như làm đẹp da, tốt cho tim mạch, giúp giảm cân, chữa viêm họng... Nước mơ (ngâm đường hay ngâm muối) khi uống cũng tác dụng tốt trong việc trị ho và đơn giản là… rất ngon.

Mơ có giá thành khá rẻ, tại Hà Nội chỉ độ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng là có thể có một bình mơ ngâm “to bự” cả gia đình uống quanh năm. Những ai khéo léo hơn thì tranh thủ mua mơ về muối để dành làm ô mai dịp Tết.

Những thức quà ngon

Nói về các loại quà làm từ quả mơ thì nhiều lắm. Món mà hầu như các gia đình đều làm khi mùa mơ chín là ngâm đường. Thường người ta hay chọn những quả mơ căng tròn, dùng tăm gảy kỹ phần cuống cho sạch (bởi quả mơ nhiều long, phần cuống dễ tích tụ bụi bẩn), đem ngâm qua nước muối loãng, sau đó rửa thật sạch. Hong mơ khô ráo (người cẩn thận hơn còn lấy khăn lau sạch lớp lông bám trên vỏ) rồi mới đem ngâm đường trắng hoặc đường phèn (tùy mỗi người lựa chọn). Mơ ngâm đường thường theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là 1kg đường tương ứng với 1kg mơ, tùy vào chất lượng và độ chín mọng của quả mơ mà có thể giảm tỉ lệ đường để khi thành phẩm nước mơ vẫn ngon ưng ý.

Mơ ngâm độ 1,5 tháng là đã tiết hết ra nước và cũng có thể sử dụng để uống được rồi, nhưng để ngon nhất phải tầm ngoài 3 tháng. Khi ấy nước mơ đủ thấm đường, vị mơ đủ ngon, ngâm càng lâu uống càng ngon, có khi người ta để sử dụng dần từ 1 - 2 năm. Nước mơ ngâm ngoài việc giải khát thì cũng thường được sử dụng như một thứ gia vị tẩm ướp trong nấu ăn. Người Hàn Quốc thường dùng nước mơ ngâm để làm một sốt loại sốt ướp Kim Chi, một số nơi dùng để tẩm ướp thịt nướng hay nêm trong một số món ăn nhằm tạo vị thơm, đậm đà hơn cho món ăn.

Mơ ngâm muối cũng là một lựa chọn tốt cho những người họng kém, hệ hô hấp dễ bị tổn thương do thời tiết. Tỷ lệ mơ ngâm muối sẽ khác với đường vì muối khá mặn. Chọn muối hột để ngâm, thường thì ngâm theo tỉ lệ 3:1 (3 mơ, 1 muối), cứ thế rải đều lớp mơ, lớp muối rồi nén lại. Có một bí quyết là người ta cho thêm lá tía tô vào ngâm cùng để vừa tạo màu đẹp, tía tô cũng nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, mơ muối cũng có tác dụng tốt trong việc trung hòa axit trong cơ thể, tốt cho tiêu hóa. Chờ cho tới khi nước mơ ngâm tiết hết ra, muối cũng tan thì vớt mơ ra phơi vài nắng, có thể phơi khô dẻo hoặc khô hẳn để dùng ăn dần. Vị mơ chua chua, mặn mặn rất kích thích và tốt cho trị viêm họng. Phần nước mơ ngâm muối thì để giải khát, lấy nước mơ pha thêm chút đường, thêm đá là đã có ly nước chua, ngọt, mặn cực kỳ thú vị.

Để làm ô mai thì có hai loại phổ biến là ô mai mơ muối và ô mai xào gừng. Chọn những quả mơ vàng có độ cứng, lấy kim châm từng quả rồi ngâm nước vôi trong 2 - 3 ngày. Khâu này giúp cho mơ giữ được độ giòn, dẻo mà không bị nát khi sên. Cũng có thể ngâm phèn thêm 1 buổi nữa, nhưng thực tế nước vôi trong cũng là đủ độ rồi. Sau đó, rửa mơ thật sạch rồi sên với đường cát hoặc đường mật. Lưu ý khi sên nhỏ lửa, sên càng lâu thì độ thấm càng ngon. Đến khi mơ săn vỏ, dẻo quả (tùy thuộc vào yêu thích độ dẻo hay khô mà dừng), thêm chút dừa vào cho thơm mứt. Người ta làm thêm cả ô mai mơ muối vị mặn ngọt, ô mai mơ vị xí muội, vị muối ớt… cũng là những thức quà thú vị từ quả mơ.

Sẽ không thể không nhắc tới “bình rượu mơ” của các đấng mày râu. Một bình rượu mơ được chọn lọc, ngâm ủ tỉ mỉ với rượu, đường phèn theo một công thức chung. Thường 1kg mơ cần khoảng 2 lít rượu và 700g đường phèn, tùy thuộc vào độ mọng nước của quả mơ mà có thể điều chỉnh tỷ lệ. Chọn mơ ngâm rượu thì nên chọn quả xanh già hoặc ửng vàng sẽ giúp cho rượu thơm nhất. Rượu mơ ngâm độ 8 tháng đến 1 năm mới đủ độ ngon. Ngoài việc ngâm ủ kỳ công, bình rượu mơ ấy còn đặt trọn tâm huyết của người ngâm, từ trái mơ vừa chua, vừa đắng thành một bình rượu ngọt ngào, thơm quyến rũ phải mất bao kỳ vọng, trân quý.

Mùa mơ chín đi ngang phố cũng rất ngắn, đừng để lỡ một thức quà ngon trong những ngày hè oi ả đón chờ phía trước.

Các cụ xưa hay ví von, mơ chín vàng cũng là lúc xuân đang độ lỡ thì. Mơ vốn chua, lại còn thêm vị chát. Thế nhưng, hương thơm của nó tuy chẳng nồng nàn, quyến rũ ngay tắp lự, nhưng lại khiến người ta có chút gì đó vương vấn man mác, dịu dàng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mua-mo-vang-ngang-pho-thi-post572491.antd