Mưa lớn, nhiều địa phương ngập nặng

Do ảnh hưởng do mưa lớn từ ngày 26-27/9, nhiều tuyến đường các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa bị ngập lụt, sạt lở. Nhiều người dân bị thiệt hại nhà cửa, giao thông tại một số huyện miền núi bị chia cắt...

Mưa lớn khiến nhiều địa phương ở Nghệ An bị cô lập do ngập lụt.

Nghệ An: Ngập sâu, sạt lở nhiều nơi

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nghệ An, mưa lớn làm ngập nước khắp nơi, đường sá lún sâu trong nước, cản trở việc đi lại. Mưa lớn làm sạt lở, gây ách tắc giao thông, các đơn vị đang tập trung khắc phục. Riêng QL48A qua thị trấn Tân Lạc ngập sâu gây chia cắt. Đường từ huyện Quỳ Châu lên huyện Quế Phong có 4 điểm ách tắc do sạt lở và ngập lụt. Các vị trí ngập lụt được đơn vị quản lý giao thông phối hợp các lực lượng chính quyền địa phương bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức trực gác 24/24h.

Cũng do ảnh hưởng của trận mưa lớn, tối 26/9, nhiều địa phương trên địa bàn bị ngập úng khiến cho việc đi lại khó khăn, nguy hiểm. Tại huyện Quế Phong, các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Kim, Nậm Giải, Hạnh Dịch đã cho tất cả học sinh nghỉ học. Ở các xã còn lại, việc nghỉ học có thể diễn ra cục bộ nếu điểm trường bị chia cắt, không đi lại được. Tương tự, tất cả các trường trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã cho học sinh nghỉ học.

Theo ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An): Bắt đầu khoảng 3 giờ sáng ngày 27/9, nước dâng lên nhanh, đến khoảng 5 giờ sáng, hầu hết các xóm bị chia cắt, có nơi ngập sâu hơn 3m. Địa phương đã huy động tối đa lực lượng cùng với UBND huyện, bộ đội, công an giúp dân di dời tài sản. Nước dâng nhanh khiến tuyến quốc lộ 48 qua địa bàn thị trấn Tân Lạc bị ngập sâu.

Tại huyện Kỳ Sơn, nhiều khe, suối nước dâng cao, làm nhiều nhà dân trên địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Đặc biệt, tại khối 1 thị trấn Mường Xén và bản Hòa Sơn xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn, 2 bản từng bị thiệt hại nặng nề do trong đợt lũ quét vào ngày 2/10/2022, lần này nước lũ dâng cao làm ngập nhiều nhà dân và các cơ quan đơn vị. Tuyến đường từ trung tâm Mường Xén lên xã Tây Sơn bị chia cắt hoàn toàn không thể lưu thông do lũ chảy xiết.

Trong khi đó, tại các xã Hữu Lập và xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, các tuyến đường liên xã bị chia cắt do lũ, nhất là các điểm cầu tràn tại bản Xốp Thập, xã Hữu Lập và bản Xiêng Thù, xã Chiêu lưu nước lũ cũng chia cắt cục bộ tuyến đường vào xã Bảo Thắng và xã Bảo Nam. Giao thông bị gián đoạn, nhiều giáo viên và học sinh không đến được trường trong sáng 27/9. Tại huyện Thanh Chương, mưa lũ cũng gây thiệt hại về nhà dân, cột điện, tường trạm y tế xã Thanh Dương bị đổ 40m, đổ sập 1 cầu dân sinh ở xóm Nho Xuân (xã Thanh Nho) của huyện Thanh Chương.

Theo thống kê, trong những ngày qua, trên địa bàn Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến ở trung du đồng bằng ven biển 100-200mm, có nơi trên 250mm như: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương…Riêng vùng núi lượng mưa đo được 50-100mm, có nơi trên 150mm như: Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong. Mưa lớn trong những ngày qua, cũng khiến nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thông báo vận hành xả nước. Các thủy điện đã có thông báo vận hành xả nước như: Thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang…Đây cũng là nguyên nhân làm cho nước sông, suối tại các địa phương nói trên dâng cao.

Biển cảnh báo nguy hiểm.

Thanh Hóa: Thiệt hại lớn về cây trồng

Từ ngày 25 - 27/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng. Mưa kéo dài, gây thiệt hại về cơ sở vật chất ở một số địa phương, làm một người mất tích trong quá trình đi đánh cá trên sông.

Tại huyện vùng cao Quan Hóa, mưa lớn nhiều ngày, đất bị ngấm nước đã gây nên tình trạng sạt lở trên QL15, đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân. Hiện huyện Quan Hóa đang huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa đất, đá sạt lở tràn xuống lòng đường. Tại xã Bình Lương, huyện Như Xuân có một trường hợp là ông Cao Ngọc Trường ở thôn Quang Trung đi bắt cá tối 26/9 trên các đoạn sông thôn Làng Mài. Sáng 27/9, gia đình mất liên lạc với ông Trường và nghi bị nước cuốn trôi. Hiện công việc tìm kiếm đang được tiến hành dọc sông Hân.

Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện này cũng bị chia cắt, một số thôn bị cô lập. Toàn huyện có 55ha lúa bị ngập; các đường giao từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân đoạn qua xã Cát Vân bị sạt lở; một số tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập gây chia cắt...

Sáng 27/9, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc cho biết: Mưa lớn làm khoảng 650ha lúa bị ngập. Mưa lớn kéo dài đã gây sạt taluy dương tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520D. Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tính đến 8 giờ ngày 27/9, trên địa bàn có 98,3ha cây trồng vụ Đông bị ngập úng; tình trạng sạt lở dọc bãi sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa vẫn tiếp diễn.

Tại huyện Hà Trung, ông Tuấn yêu cầu lãnh đạo huyện Hà Trung không chủ quan, phải tính đến khả năng xấu nhất là mưa lớn vẫn kéo dài trong những ngày tới. Trước hết, phải chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của người dân. Tại huyện Vĩnh Lộc, ông Tuấn yêu cầu huyện có nhiệm vụ phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, kịp thời đề xuất phương án khắc phục khoa học nhất…

Cũng trong diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin từ huyện Lang Chánh cho biết: Khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh có gần 40 hộ dân với 135 nhân khẩu trong diện nguy cơ bị ngập lụt khi nước trên sông Âm lên cao, huyện cũng đã xây dựng phương án, sẵn sàng di dời con người, tài sản khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, mưa lớn đã gây ngập đường tràn tại 15 vị trí gây tắc đường gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình mưa lũ để có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Anh Tuấn – Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-lon-nhieu-dia-phuong-ngap-nang-5739691.html