Mưa lớn diện rộng, Quảng Bình triển khai lực lượng ứng phó khẩn cấp

Đến 16h ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều địa điểm ở vùng cao thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh bị ngập cục bộ do lượng mưa quá lớn trong những ngày qua.

Do lượng mưa lớn, cộng với nước đầu nguồn đổ về, tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nhiều đập, tràn, ngầm bị nước lũ dâng cao, giao thông bị chia cắt, gây lụt cục bộ một số xã, bản làng. Các ngầm tràn K Ai, K Định, Hà Nông thuộc xã Dân Hóa; ngầm Cô Pi, Tà Cổ thuộc xã Trọng Hóa; cầu đập tràn bản Lương Năng và đường vào xã Hóa Sơn; ngầm qua thôn Quyền, xã Thượng Hóa nước dâng cao, chảy xiết, đã hoàn toàn cô lập người dân, không thể đi lại được.

Mưa lớn cộng với nước đầu nguồn đổ về gây ngập lụt các đập, tràn, ngầm ở huyện Minh Hóa; gây lụt cục bộ, cô lập một số địa bàn dân cư.

Một số ngầm ở các xã Thượng Hóa, xã Dân Hóa, xã Trọng Hóa ở huyện Minh Hóa cũng bị ngập sâu, gây chia cắt giao thông. Trong đó, ngầm qua thôn Quyền, xã Thượng Hóa ngập sâu khoảng 0,8m; các ngầm Cô Pi, Tà Cổ tại xã Trọng Hóa ngập từ 0,5-1m, khiến giao thông vào 7 bản của xã bị chia cắt.

Sạt lở núi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên một số tuyến đường vùng cao tỉnh Quảng Bình.

Còn ở huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch, nhiều nơi cũng bị ngập nước, khiến giao thông bị chia cắt, nhiều vùng bị cô lập cục bộ. Đáng chú ý, ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có 6 bản bị chia cắt là Ploang, Rìn Rìn, Dốc Mây, Trung Sơn, Hôi Rấy và Nước Đắng. Tại xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nước suối dâng cao 0,8-1m, gây ngập đường vào bản Cờ Đỏ, bản Bụt.

Tại huyện Tuyên Hóa, mưa lớn đã gây sạt lở đất đồi, làm ảnh hưởng đến hộ gia đình anh Dương Văn Lý ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa. Chính quyền huyện đã chỉ đạo và tổ chức di dời gia đình anh Lý đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, sạt lở đất đồi ở thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa với chiều dài khoảng 30m, gây ảnh hưởng đến một số hộ dân.

Mưa lớn gây sạt lở núi, đe dọa cuộc sống người dân ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Tại hội nghị ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai từ đầu năm như: nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo dự báo sớm, chính xác diễn biến thiên tai sát với thực tế để kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác PCTT; kiểm tra, rà soát, phân tích, đánh giá phương án, kịch bản PCTT, TKCN phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn, theo phương châm 4 tại chỗ nhằm kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra.

UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du; đảm bảo an toàn công trình đang thi công xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ, hồ chứa xung yếu.

Đối với Sở Giáo dục và đào tạo, chủ động phương án, kế hoạch dạy học đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trước, trong, sau mưa, bão; theo dõi tình hình diễn biến mưa, lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập.

Sở Y tế sẵn sàng các điều kiện, phương tiện y tế, dự trữ thuốc để cấp cứu nạn nhân; phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Ông Mai Văn Minh - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình phát biểu tại cuộc họp phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Trần Thắng cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; có phương án bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, các hồ thủy điện trên địa bàn; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/mua-lon-dien-rong-quang-binh-trien-khai-luc-luong-ung-pho-khan-cap--i710387/