Mùa khô hạn và trò hề mê tín dị đoan

Dư luận một phen ngỡ ngàng, khi Chi cục Thủy lợi TPHCM cho biết đã nhận được công văn do một người xưng là tiến sĩ (TS) giới thiệu một nhân vật 'có khả năng cầu mưa' để giúp người dân Nam Bộ ứng phó hạn hán. Tại sao có chuyện quái gở như vậy? Chỉ là một trò hề mê tín dị đoan hay là một hành vi mượn danh khoa học để trục lợi?

Mùa khô hạn năm nay tại Nam Bộ có mức độ nghiêm trọng hơn mọi năm. Một số khu vực ở miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Chính phủ và các bộ ngành liên quan đều tích cực tìm kiếm giải pháp ứng phó mùa khô hạn, để bảo đảm đời sống cho bộ phận dân cư đang bị ảnh hưởng. Giữa bối cảnh ấy, thật khó tin, lại xuất hiện một công văn gửi đến Chi cục Thủy lợi TPHCM mang nặng màu sắc mê tín dị đoan. Đó là công văn từ Trung tâm Dịch thuật văn hóa và Khoa học công nghệ, trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Với tư cách giám đốc trung tâm này, ông Nguyễn Hoàng Điệp lấy học vị TS để giới thiệu ông Lê Minh Hoàng "có khả năng cầu mưa hiệu quả”.

Trong công văn, ông Nguyễn Hoàng Điệp tự nhận "là giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người" và bày tỏ "rất xót xa, dằn vặt" trước diễn biến mùa khô hạn ở các tỉnh phía Nam. Qua lời tô vẽ hào hứng của ông Nguyễn Hoàng Điệp thì ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, ngụ Hà Nội) đích thị là một "thầy phù thủy" có biệt tài cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng. Buồn cười hơn, dù sử dụng con dấu một tổ chức và sử dụng vai trò một TS, nhưng ông Nguyễn Hoàng Điệp lại phơi bày sự ngây ngô: "Nếu quả thực anh Lê Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn được cứu hạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi chưa khẳng định và phủ định".

Không biết học vị TS của ông Nguyễn Hoàng Điệp do nơi nào cấp, mà tư duy đồng nhất tối thiểu trong khoa học đã trở nên thảm hại trong ngôn ngữ diễn đạt công văn. Không có cơ sở giả thuyết nào được phép tồn tại trên tinh thần khoa học mà "chưa khẳng định" lẫn "chưa phủ định". Chưa rõ công văn do ông Nguyễn Hoàng Điệp ký có mục đích gì, nhưng lời lẽ không khác gì một trò hề rẻ tiền. Thậm chí, sau khi cái công văn kia bị dư luận mỉa mai, ông Nguyễn Hoàng Điệp còn hồn nhiên trả lời truyền thông: "Gần đây anh Lê Minh Hoàng có nói cầu cho thành phố Hà Nội nhiệt độ không vượt quá 37 độ C. Tôi có theo dõi và thấy đúng như vậy trong những ngày qua. Tôi ngẫm từ khi ảnh nói đến hôm nay, Hà Nội chỉ có những hôm lên 31 cùng lắm 32 độ C và trời âm u thỉnh thoảng có mưa phùn, nhiệt độ không vượt ngưỡng".

Công văn gửi đến Chi cục Thủy lợi TPHCM mang nặng màu sắc mê tín dị đoan

Xin được nhắc lại, mùa khô hạn đang đe đọa Nam Bộ không phải câu chuyện cợt đùa dành cho những kẻ dở hơi. Ngoài địa chỉ Chi cục Thủy lợi TPHCM, "thầy phù thủy" Lê Minh Hoàng còn được ông Nguyễn Hoàng Điệp "trân trọng giới thiệu" đến bao nhiêu đơn vị nữa? Đây là một hành vi thiếu cân nhắc và phản khoa học, không thể chấp nhận dù với bất cứ sự giải thích nào. Cầu mưa chỉ là nghi lễ tâm linh trong truyền thuyết hoặc trong tiểu thuyết. Người dân đang chật vật vì khô hạn, cần hỗ trợ nước ngọt trước mắt và giải pháp thủy lợi lâu dài, chứ không cần những kẻ múa may mê tín dị đoan.

Đã đến lúc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam phải xem xét lại chất lượng của Trung tâm Dịch thuật văn hóa và Khoa học công nghệ lẫn trình độ và động cơ của ông Nguyễn Hoàng Điệp, để có hồi đáp thỏa đáng cho cộng đồng. Bởi lẽ, hệ lụy từ công văn kia đã gây ra những xôn xao không đáng có cho xã hội. "Thầy phù thủy" Lê Minh Hoàng cũng bạo gan tuyên bố bằng sự ngạo mạn vô lối: "Hiện tại có mỗi TPHCM báo nhận được công văn của tôi rồi, đang xin ý kiến lãnh đạo, các tỉnh kia thì chưa. Tôi gửi nhiều nơi, một vài tỉnh Nam Bộ, tôi đang gửi tiếp.

Tôi đang sống tại Hà Nội nhưng tôi điện cho TPHCM sớm quyết định để tôi bay vào rồi giúp cho, không phải chỉ giúp cầu mưa, mà tôi còn cho giải pháp để năm sau không bị nữa. Tôi chủ yếu nghiên cứu biến đổi khí hậu nguyên nhân tại sao và cách khắc phục thế nào. Tôi đi vào tận Cà Mau, các tỉnh trong đấy xem tình hình từng nơi một. Nhìn thấy người ta vậy mình khổ tâm quá không ăn không ngủ được, phải vào trong đó để xem tình hình thế nào. Tôi muốn trình bày với UBND TPHCM là tiến hành ngay đi không là thiệt hại kinh tế lắm. Tôi vào tôi giúp cho. Mưa không thống nhất là 3 hay 4 ngày, có lúc là vài tiếng sau mưa, cơ bản là lòng khát khao của người dân địa phương ở đấy, càng muốn mưa nhanh bao nhiêu thì mưa càng đến nhanh bấy nhiêu chứ không nhất thiết. Thường thường tôi có ghi chép, nếu các cơ quan chức năng cần thiết tôi đưa ghi chép cho tự khắc tới ngày mưa nhanh nhất bao nhiêu giờ, chậm nhất bao nhiêu giờ. Như kinh nghiệm của tôi, mình nói nôm na dễ hiểu là trời ban cho tôi đi đến các tỉnh giúp họ vì họ không biết là xin được trời mà họ cứ làm theo ý họ nên không được. Tôi được trời chỉ cho cụ thể là tôi đến xin cho rồi tôi hướng dẫn cho từ bây giờ thế nào là không bị hạn hán vậy nữa".

Sự lớn giọng vĩ cuồng của "liên minh" TS Nguyễn Hoàng Điệp và "thầy phù thủy" Lê Minh Hoàng, khiến nhiều người nhớ lại sự kiện một đối tượng tự xưng nhà nghiên cứu lý học phương Đông là Nguyễn Vũ Anh Tuấn - người được gọi là "dị nhân đuổi mưa" nhận lời đứng ra làm phép ngăn mưa để phục vụ dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ban tổ chức đại lễ đã tính đến kế hoạch, nếu thời tiết không được thuận lợi thì có thể sẽ dùng phương án "bắn mây" để chương trình diễn ra được suôn sẻ. Tuy nhiên, kinh phí mỗi lần "bắn mây" để ngăn mưa trong 3 ngày có thể tiêu hết hơn 1 tỷ USD, đồng thời cũng đòi hỏi những kỹ thuật rất phức tạp và không thể "bắn" trong trường hợp giông bão. Biết được thông tin này, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đề nghị mức chi phí 7 tỷ 150 triệu đồng để triển khai ngăn mưa dùng năng lượng cá nhân. Lúc ấy, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh biện luận: "Các nhà khoa học trong thí nghiệm vật lý lượng tử đã thừa nhận rằng, ý thức con người tác động được đến các hạt proton. Mà cơn bão, mưa hay nắng cũng là cấu trúc của những hạt proton nên suy luận ra ý thức con người có thể tác động đến các hiện tượng thời tiết này. Đó chính là nguyên lý lý thuyết tôi khẳng định mình có thể quyết định mưa hay không. Tất nhiên vẫn có thể xảy ra xác suất đúng hay khả năng sai. Nhưng tôi tin vào khả năng của mình qua nhiều lần dự báo thành công trước đó”.

Trò hề mê tín dị đoan của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh trước đây và của ông Lê Minh Hoàng bây giờ, dĩ nhiên khó thuyết phục được ai. Bởi lẽ, cầu mưa giống như trong truyện Tây du ký thì phải có 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không. Cũng tương tự cầu mưa là tình huống cầu gió của nhân vật Gia Cát Lượng trong truyện Tam quốc diễn nghĩa. Theo lời đồn đại từ dân gian, La Quán Trung viết rằng Gia Cát Lượng đã lập đàn cầu gió Đông Nam để phối hợp với Tôn Quyền chống lại Tào Tháo trong trận Xích Bích, mà thành tích "Thất Tinh đàn Gia Cát cầu phong". Sau khi đề nghị Chu Du lập đàn Thất Tinh có quân sĩ cầm cờ phướn đứng theo nghi lễ, Gia Cát Lượng khiến gió Đông Nam nổi lên vào ngày Đông chí. Có phải Gia Cát Lượng điều khiển được trời đất không? Chắc chắn không. Vì nếu Gia Cát Lượng có phép lạ ấy thì đã ngăn được cơn mưa bất chợt trút xuống Thượng Phương cốc, khi dùng hỏa công đánh Tư Mã Ý mà không tiêu diệt được quân Ngụy.

Theo các nhà nghiên cứu, xét về phương diện khoa học, thời tiết là một hiện tượng của tự nhiên, có những chu kỳ vận động nhất định mà con người có thể dự đoán được những vận động chính như mùa màng, thời tiết từng thời điểm trong năm. Tuy nhiên, việc dự đoán chi tiết theo ngày chỉ có thể dự đoán bằng các phương pháp khí tượng học. Phương pháp dự đoán theo Kinh Dịch cũng cho tỷ lệ chính xác cao nhưng lại phụ thuộc vào trình độ của cá nhân người đoán. Cho nên, nếu "thầy phù thủy" cầu mưa bằng cách chờ đến mùa mưa Nam Bộ mới thi triển "tiềm năng vô hạn", thì chẳng khác gì một sự bịp bợm. Đừng lộng ngôn và đừng bỡn cợt trên nỗi lo, nỗi khổ của người dân đang gánh chịu hạn hán bủa vây.

Trở lại câu chuyện từng gây nhiều tranh cãi về việc "đuổi mưa" dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010 "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh nổi đình đám với tuyên bố sẽ "đuổi mưa" suốt 10 ngày diễn ra Đại lễ. Ngay sau tuyên bố đó, ông này nhận được vô vàn ý kiến, trong đó phần lớn là sự phản hồi rất gay gắt, cho rằng đó là sự hoang tưởng, một hình thức đánh bóng tên tuổi. Nhiều nhà khoa học bày tỏ sự không đồng thuận với lời tuyên bố của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Thậm chí "phát ngôn gây sốc" này còn bị các chuyên gia "đánh tơi tả” vì quá ngạo mạn, hoang đường.

TUY HÒA

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-kho-han-va-tro-he-me-tin-di-doan_161149.html