Mùa hoa anh đào Nhật Bản sẽ bắt đầu sớm nhất tại Tokyo

Trong năm 2024, các dự báo chính thức cho thấy Tokyo sẽ trở thành khu vực đầu tiên tại Nhật Bản có hoa anh đào (sakura) nở rộ - loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa quốc gia này và thường báo hiệu sự bắt đầu của mùa xuân.

Hoa anh đào dự kiến sẽ nở sớm nhất tại Tokyo trong năm 2024.

Theo Straits Times trích dẫn thông báo từ Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA), hoa anh đào sẽ bắt đầu nở tại Tokyo từ ngày 19/3 và sẽ nở rộ hoàn toàn vào ngày 25/3 - các mốc thời gian sớm nhất trên toàn bộ đất nước. Một dự báo khác của Tập đoàn Khí tượng Nhật Bản (JMC) cho thấy hoa anh đào tại Tokyo sẽ bắt đầu nở muộn hơn một chút vào ngày 23/3 và nở rộ hoàn toàn vào 30/3. Tuy nhiên, các dự báo này vẫn sớm hơn một số khu vực khác như Kyoto và Osaka.

Đây là lần thứ ba hoa anh đào tại Tokyo nở sớm nhất trên cả nước. Hai lần trước đó diễn ra vào năm 2020 và 2023 khi cây mẫu tại trung tâm thành phố bắt đầu nở từ ngày 14/3.

Lý giải cho nguyên nhân hoa anh đào tại Tokyo nở sớm, ông Daisuke Sasano, quan chức quản lý rủi ro khí hậu tại JMA ngày 12/3 cho biết thành phố này đang phải chịu tác động kép của nhiệt độ ấm hơn và "hiệu ứng đảo nhiệt”.

Hiệu ứng đảo nhiệt là hiện tượng khu vực thành thị ấm hơn khu vực nông thôn do nhiệt độ được hấp thụ và phản lại bởi các cấu trúc nhân tạo. Biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu càng làm trầm trọng tình trạng này. Báo cáo của JMA cho thấy nhiệt độ trung bình trên khắp Nhật Bản đã tăng 1,6 độ C trong vòng 100 năm qua, với năm 2023 là năm nóng kỷ lục. Tại Tokyo, con số này còn cao hơn khi đạt mức tăng trung bình 3,3 độ C.

Trên thực tế, không chỉ Tokyo mà trên toàn Nhật Bản, hoa anh đào cũng đang có xu hướng nở sớm hơn. Ông Sasano cho biết: “Kể từ năm 1953, thời điểm trung bình hoa anh đào trên cả nước bắt đầu nở bắt đầu nở đã trở nên sớm hơn với tốc độ 1,2 ngày trong mỗi 10 năm”.

Ảnh hưởng của hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện. Ví dụ trong năm 2024, lễ hội hoa anh đào Hirosaki ở Aomori – một lễ hội có lịch sử lâu đời từ năm 1918 và thường được tổ chức từ ngày 23/4 đến ngày 5/5 - sẽ bắt đầu sớm hơn 4 ngày. Nếu hoa anh đào tại khu vực này nở sớm hơn, thời gian diễn ra lễ hội sẽ được đẩy lên sớm hơn nữa.

Thời gian hoa anh đào nở thay đổi cũng khiến ý nghĩa của loài hoa này thay đổi theo từng thế hệ. Trả lời Straits Times, ông Sasano, 46 tuổi, cho biết ông coi việc hoa anh đào nở rộ vào tháng 4 “báo hiệu sự khởi đầu mới”. Nguyên nhân là do nó trùng với thời điểm bắt đầu một năm tài chính mới ở Nhật Bản với nhiều sự kiện mang tính khởi đầu như lễ khai giảng hay người lao động bắt đầu một công việc mới.

Tuy nhiên, con gái 15 tuổi của ông lại coi việc hoa anh đào nở là “biểu tượng của việc học sinh tốt nghiệp và lời chia tay” do học sinh Nhật Bản tốt nghiệp trung học cơ sở vào tháng 3 và bắt đầu học trung học phổ thông vào tháng 4.

Ngoài các ý nghĩa trên, mùa hoa anh đào còn là dịp người dân Nhật Bản thực hiện nhiều hoạt động mang tính truyền thống, ví dụ như hanami – mang ý nghĩa “thưởng hoa” trong tiếng Nhật. Vào những ngày hoa nở, người Nhật Bản có thể ngắm hoa một mình hay tụ tập với bạn bè và gia đình. Vào ban đêm, hoạt động này được gọi yozakura và là một cách lãng mạn để các cặp đôi ngắm hoa nở dưới ánh đèn lồng.

Một trong các địa điểm ngắm hoa nổi tiếng nhất tại Nhật Bản là ở những khu vực có các cây hoa anh đào hàng trăm hoặc hàng nghìn năm. Một số cây anh đào cổ nhất được chính phủ công nhận là báu vật quốc gia bao gồm Yamataka Jindai tại thành phố Hokuto, tỉnh Yamanashi với tuổi thọ vào khoảng 1.800 đến 2000 năm, Neodani Usuzumi tại Motosu, tỉnh Gifu với tuổi thọ hơn 1500 năm và Miharu Taki tại Tamura, tỉnh Fukushima với tuổi thọ hơn 1000 năm.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mua-hoa-anh-dao-nhat-ban-se-bat-dau-som-nhat-tai-tokyo-post32578.html