Mua hộ chiếu Cyprus, người quyền lực các nước tìm nơi thoát tội

Tài liệu rò rỉ về chương trình đầu tư lấy hộ chiếu Cyprus cho thấy đây là điểm đến phòng thân của những người giàu có từ các nước, và là rủi ro an ninh cho EU.

Al Jazeera có bài điều tra về “Cyprus Papers” (hồ sơ Cyprus) - hàng nghìn tài liệu về hơn 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu Cộng hòa Cyprus cho khoảng 2.500 người, bao gồm người đứng tên hoặc gia đình của họ.

Số người nộp đơn nhiều nhất là từ Nga (1.000 người), theo sau là Trung Quốc (500 người), Trung Đông (350 người), và Ukraine (100 người). Họ có độ tuổi và lĩnh vực khác nhau, nhưng đều sở hữu khối tài sản lớn, nhiều trường hợp kiếm tiền một cách mờ ám.

Al Jazeera nhận định đảo Cyprus trở thành nơi để nhiều người trong số đó rửa tiền, hay trốn khỏi tội danh ở quê nhà. “Chương trình Đầu tư Cyprus” (CIP) cho phép cấp quốc tịch cho những ai đầu tư 2,5 triệu USD vào Cyprus.

 Cyprus là thành viên của Liên minh châu Âu, nên người sở hữu hộ chiếu nước này có quyền đi lại và làm việc tại 27 quốc gia thành viên EU. Ảnh: Reuters.

Cyprus là thành viên của Liên minh châu Âu, nên người sở hữu hộ chiếu nước này có quyền đi lại và làm việc tại 27 quốc gia thành viên EU. Ảnh: Reuters.

Điểm đến lánh nạn, rửa tiền

Chính phủ quốc đảo này từ lâu coi chương trình là nguồn thu lớn - có ước tính nói tổng doanh thu lên tới 8 tỷ USD. Chương trình này được mở rộng vào năm 2013 sau khủng hoảng tài chính.

Quy định yêu cầu người nộp đơn phải có “lý lịch trắng”, tức không có rắc rối hình sự trước đó, nhưng điều kiện này không được định nghĩa rõ ràng. Theo Al Jazeera, chương trình này dường như không loại trừ những người đang vướng truy tố hình sự hay đang bị điều tra, và nhiều người đã nộp đơn khi sắp bị kết án.

Theo chính quy định của mình, chính phủ Cyprus phải kiểm tra qua các cơ sở dữ liệu của cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) hay cảnh sát quốc tế (Interpol). Nhưng trên thực tế, những người xin hộ chiếu có thể tự nộp phần kiểm tra lý lịch do chính quyền quê nhà cấp. Tỷ lệ đơn xin hộ chiếu bị từ chối thấp một cách ngạc nhiên - chỉ 2% trong giai đoạn 2013-2018.

Chẳng hạn, một người thuộc tầng lớp giàu có ở Nga bị kết án 16 năm trước được đánh giá là “có lý lịch trắng” - dẫn đến câu hỏi liệu bản án đó không được biết đến hay được bỏ qua vì đã quá lâu.

Ví dụ khác là Ali Beglov, Tổng giám đốc từ năm 1999 đến 2016 của một công ty con của Lukoil, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Nga. Công ty của ông Beglov quản lý kho chứa dầu tại 35 cảng ở Nga và các nước, có lợi nhuận 13,2 triệu USD mỗi năm.

Ông từng ngồi tù hai năm trong giai đoạn 1990-1992, nhưng điều đó không ngăn cản ông có được hộ chiếu Cyprus.

Ở Ukraine, những người giàu có quyền lực cũng hào hứng với chương trình này. Trong số đó có Mykola Zlochevsky, từng bị cáo buộc lạm dụng chức bộ trưởng phụ trách tài nguyên Ukraine dưới thời kỳ đầy tham nhũng của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.

Zlochevsky bị điều tra tham nhũng sau khi rời chức bộ trưởng năm 2012. Sau đó, ông bị buộc tội hối lộ điều tra viên, nhưng xin được hộ chiếu Cyprus vào ngày 1/12/2017 và giờ đang sống ở Monaco.

Xin thành công hộ chiếu Cyprus cũng bao gồm Low Taek Jho, một trong những đối tượng bị truy nã hàng đầu thế giới, bị nghi là nhân vật chủ mưu trong vụ bê bối 700 triệu USD khiến cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak mất chức.

 Chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch của Cyprus bị chỉ trích tạo lỗ hổng để người phạm tội ở nước khác được mua hộ chiếu và đến châu Âu. Ảnh: Reuters.

Chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch của Cyprus bị chỉ trích tạo lỗ hổng để người phạm tội ở nước khác được mua hộ chiếu và đến châu Âu. Ảnh: Reuters.

Siết quy định nhưng vẫn còn ngoại lệ

Năm 2019, Bộ Nội vụ Cyprus có một số thay đổi, siết chặt yêu cầu cho người nộp đơn, và hủy 29 hộ chiếu có sai lầm trong quá trình cấp.

Bất cứ ai được coi là cá nhân liên quan chính trị (PEP), chẳng hạn quan chức cao cấp trong chính quyền hoặc các doanh nghiệp nhà nước, bị cấm trở thành công dân Cyprus trong vòng ít nhất 5 năm kể từ khi rời chức vụ. Giới hạn này cũng áp dụng cho người nhà.

Những người chuyên về điều tra cho rằng các cá nhân liên quan chính trị dễ liên quan tới tham nhũng hơn vì nắm trong tay tài sản nhà nước.

Quy định cũng ghi rõ hạn chế đối với các cá nhân liên quan tới các tổ chức bị lệnh trừng phạt quốc tế, hay các cá nhân đang bị điều tra hình sự trước khi ra tòa.

Dù vậy, vẫn có những trường hợp lách được quy định này. Chẳng hạn, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt nhiều ngành của Nga.

Ngân hàng VTB cũng bị trừng phạt. Đây là ngân hàng nòng cốt cho sức mạnh kinh tế của Moscow, cấp vốn cho các dự án đầu tư sang các nước láng giềng hay cho Olympic Mùa đông Sochi 2014, và được coi là “ngân hàng ruột của Điện Kremlin”.

Nhưng ba giám đốc cao cấp của VTB lại được cấp quốc tịch Cyprus cùng gia đình. Đó là Alexei Yokovitsky, CEO của VTB Capital, Victoria Vanurina, trong ban quản trị VTB Bank, và Vitaly Buzoverya, lãnh đạo VTB Bank.

Dữ liệu của tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng Global Witness cho thấy giữa các năm 2007-2016, Cyprus là điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của người Nga - ước tính tổng cộng gần 130 triệu USD.

Dù không thể kết luận số tiền này được dùng cho mục đích xấu, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Cyprus là điểm đến ưa thích của các cá nhân ở Nga muốn rửa tiền.

Việc cấp quốc tịch cho các cá nhân thuộc diện PEP đã là một vấn đề tranh cãi đối với Liên minh châu Âu (EU). Quy định của EU giới hạn việc cấp hộ chiếu cho PEP. Phải đến mùa hè 2019, quy định của Cyprus mới phù hợp tiêu chuẩn của EU, khi đó nhiều PEP đã tận dụng được chương trình.

Chủ tịch Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani là một cá nhân liên quan chính trị. Trước khi vào chính trị, ông Rahmani gây dựng đế chế kinh doanh dịch vụ nhiên liệu và an ninh cho quân đội Mỹ và Afghanistan.

Đơn xin hộ chiếu của ông ghi rằng vợ ông và ba con gái là công dân của Saint Kitts và Nevis, một nước cũng có chương trình “đầu tư đổi lấy quốc tịch”. Con trai ông, Haji Ajmal Rahmani, là một chính khách đại diện cho thủ đô Kabul, cũng xin quốc tịch Cyprus.

Cha con Rahmani là những người có khả năng hướng chính sách theo hướng có lợi cho mình. Có được hộ chiếu Cyprus, họ có thể chuyển tiền sang tài khoản ở châu Âu, khó bị kiểm soát hơn.

 Tỷ phú Dương Huệ Nghiên, người phụ nữ giàu nhất châu Á, bị phát hiện đã có hộ chiếu Cyprus dù Trung Quốc chỉ cho công dân giữ một quốc tịch. Ảnh: Sina.

Tỷ phú Dương Huệ Nghiên, người phụ nữ giàu nhất châu Á, bị phát hiện đã có hộ chiếu Cyprus dù Trung Quốc chỉ cho công dân giữ một quốc tịch. Ảnh: Sina.

Nạn nhân thực sự ở quê nhà

Việc kiểm tra lý lịch do chính quyền Cyprus tiến hành lẽ ra có thể phát hiện được Vladimir Khristenko, người có cha là Viktor Khristenko và mẹ kế là Tatyana Golikova. Họ đều là những cá nhân liên quan chính trị. Họ đều từng nắm những chức vụ cao cấp ở Nga, bao gồm phó thủ tướng hay bộ trưởng phụ trách công nghiệp.

Hai vợ chồng ông Viktor Khristenko và bà Tatyana Golikova khai thu nhập năm 2017 là hơn 1 triệu USD. Nhưng tổng tài sản của họ lớn hơn nhiều, gồm cổ phần lớn trong ít nhất ba khu resort, sân golf hạng sang có tổng giá trị 360 triệu USD. Theo Dự án Báo cáo Tham nhũng và Tội phạm Có tổ chức, từ những thông tin công khai, không rõ hai vợ chồng làm thế nào để có được số tài sản lớn như vậy.

Đài Al Jazeera kết luận những tài liệu bị rò rỉ phơi bày thất bại mang tính hệ thống của chương trình “đầu tư đổi lấy quốc tịch” của Cyprus. Các quy định không được thực thi nghiêm chỉnh, và các cá nhân không đủ tiêu chuẩn tiếp tục được cấp quốc tịch dù chính phủ có siết chặt quy định vào tháng 2/2019.

Sau nhiều tháng trì hoãn, Quốc hội Cyprus thông qua luật hồi tháng 7 cho phép chính phủ hủy quốc tịch với bất cứ ai bị kết án nặng, bị trừng phạt quốc tế hay bị truy nã quốc tế.

Một số tổ chức phi chính phủ, nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu, và các nhân vật đối lập ở Cyprus đang kêu gọi hủy hẳn chương trình này, lập luận rằng chương trình đang đem lại rủi ro cho toàn EU.

Dù Cyprus đang bị tổn hại uy tín sau các bài điều tra của Al Jazeera, quốc đảo này không phải nạn nhân duy nhất. Trong nhiều trường hợp, tiền đầu tư vào các bãi biển xa hoa ở Cyprus là tiền tham nhũng từ người dân Nga, Ukraine hay Trung Quốc.

Hộ chiếu có thể ở Cyprus, nhưng các công ty ma có thể ở nơi khác, còn tài khoản ngân hàng thường ở trung tâm tài chính London. Du thuyền sang trọng có thể neo đậu ở Cote d’Azur (vùng biển Địa Trung Hải thuộc Pháp).

Nhưng những người chịu thiệt thì lại ở Kabul, Khabarovsk hay Kiev, Al Jazeera kết luận.

Cyprus bán 'hộ chiếu vàng' cho quan chức nhiều nước Quan chức nhiều nước đã chi 2,5 triệu USD để mua hộ chiếu Cyprus. Người sở hữu có thể đi lại tự do đến 174 quốc gia.

Trọng Thuấn
Theo Al Jazeera

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-ho-chieu-cyprus-nguoi-quyen-luc-cac-nuoc-tim-noi-thoat-toi-post1125006.html