Mùa dổi đưa hương ở Ba Lầm

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, chúng tôi tìm về xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi), nơi có hạt dổi thơm nức tiếng vùng Mường Động. Đi từ đầu đến cuối xóm, những cây dổi vươn cao, thẳng tắp, vươn tán lá rộng và cho quả 'vàng'. Về Ba Lầm mùa này, hương dổi tỏa ra thơm nức, người người, nhà nhà nhộn nhịp thu hoạch. Năm nay, dổi được mùa, bán cũng được giá. Thứ 'vàng đen' của núi rừng Tây Bắc đã, đang mang đến sự no đủ cho bà con nơi đây, giúp nhiều gia đình đi từ gian khó vươn lên thoát nghèo.

Người dân xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) thu hoạch dổi.

Người dân xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) thu hoạch dổi.

Xóm Ba Lầm có 286 hộ thì có đến 70% hộ trồng dổi. Cùng anh Bùi Văn Khiết, chúng tôi đến thăm một số gia đình trồng dổi tại Ba Lầm. Anh Khiết cho biết: Ở đây, nhà ít trồng 5 - 10 cây, nhà nhiều có đến gần 200 cây. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên hạt dổi cũng có vị thơm đặc trưng hơn dổi ở các vùng khác. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dổi, tư thương khắp nơi về thu mua, nhiều người hẹn đặt hàng từ năm trước. Dổi thu hoạch chỉ cần hái xuống, tách hạt sẽ có người đến tận nhà lấy, nhiều năm không đủ bán. Cây dổi có nhiều ưu điểm như có thể tận dụng trồng ở những khu vực đất xấu, đất bạc màu và trồng xen được thêm các loại cây khác. Hơn nữa, cũng không mất quá nhiều công chăm sóc mà giá cả ổn định nên nhiều hộ tại Ba Lầm cũng như nhiều xóm ở Nuông Dăm đã học cách ươm, chiết ghép dổi để mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thăm nhà anh Bùi Văn Tỵ, một trong những gia đình trồng dổi lâu năm và có thu nhập khá từ dổi. Đến nơi, cả gia đình đang quây quần ngồi tách vỏ dổi, anh Tỵ chia sẻ: Hiện, vườn nhà đã thu được hơn nửa, chỉ còn lại một số cây ít năm tuổi chưa chín kỹ để dành thu sau. Vụ dổi năm nay, nhà tôi thu được 3 tạ hạt tươi, bán với giá 500 nghìn đồng/kg cho tư thương Phú Thọ, Hà Nội vào mua. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 có ảnh hưởng ít nhiều nhưng dổi nhìn chung vẫn dễ bán. Nhờ dổi, gia đình tôi có kinh phí sửa sang lại căn nhà, đầu tư thêm chăn nuôi, có điều kiện cho con cái học hành.

Những người trồng dổi ở Ba Lầm có cách phơi dổi đặc biệt nên dổi luôn có mùi thơm đặc trưng, lượng tinh dầu cao. Theo nhiều người trồng dổi, hạt dổi khi được hái từ trên cây xuống đem phơi để lớp vỏ dày bên ngoài tách ra, làm lộ phần hạt chín đỏ, thơm lừng bên trong. Tiếp đó, bà con phơi qua một nắng để lượng nước trong hạt bốc hơi bớt rồi mang phơi trên gác bếp, bên dưới củi than cháy âm ỉ liên tục khoảng 3 - 4 ngày đêm cho đến lúc hạt khô, vỏ ngoài se lại, có độ dẻo nhất định. Làm như thế, lượng tinh dầu được tích tụ trong hạt dổi sẽ ngấm từ từ vào bên trong mà không bị bay hơi, hay hao hụt như phơi dưới nắng. Hạt dổi khô được mang bán, làm quà biếu hoặc cất trong nhà sử dụng dần.

Đồng chí Nguyễn Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Nuông Dăm cho biết: Nhờ cây dổi, nhiều hộ dân tại Ba Lầm đã thoát nghèo. Xóm hiện còn 51 hộ nghèo, chiếm 17,8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 16 triệu đồng, dự kiến năm 2021 đạt 18,5 triệu đồng. Đạt được kết quả đó một phần nhờ nguồn thu từ dổi. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, chúng tôi đã cử một số hộ trồng dổi đi thăm quan các mô hình tại huyện Lạc Sơn để học cách chăm sóc cây và bảo quản hạt dổi. Điều trăn trở nhất của người dân Ba Lầm hiện nay là vấn đề có sản phẩm tốt nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Trong thời gian tới, bà con phấn đấu xây dựng được thương hiệu nông sản để hạt dổi Ba Lầm tự tin bay xa, sánh vai cùng những loại đặc sản ở nhiều địa phương khác.

Khánh Linh (TTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/159184/mua-doi-dua-huong-o-ba-lam.htm