Mùa Covid, sống chậm, xem được cuốn sách đẹp

Cuốn sách ảnh 'Những người sống bên tôi' của nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến (NXB Hồng Đức 2017) là những câu chuyện đẹp của nghệ sĩ và những người mà ông từng gặp trong cuộc đời làm báo.

Lan tỏa niềm vui sống cho người đọc

Kết cấu cuốn sách gồm 3 phần. Phần I. Trên những nẻo đường quen, gồm 66 trang, là những bức ảnh về con người, sự kiện và phong cảnh ông ghi lại trong quá trình tác nghiệp. Phần II. Những con người khiến trái đất trở nên bé nhỏ ( 38 trang) ghi lại dấu ấn biểu trưng của hơn hai mươi quốc gia nơi ông đã từng đi qua trên trái đất này. Phần còn lại, với số trang khiêm tốn ( 7 trang), với tiêu đề: Gia đình, đồng đội, đồng nghiệp là cuốn nhật ký cuộc đời ông, được ghi bằng “Nghệ thuật ánh sáng”. Để thực hiện chức năng đó, trừ bức ảnh chụp toàn gia đình, còn những bức khác ông thu nhỏ bằng 1/9 các bức ảnh ở hai phần trên.

NSNA Vũ Huyến

Những bức ảnh của Vũ Huyến kể cho ta biết, ông đi nhiều, làm nhiều việc quan trọng, sáng tác của ông cũng như con người ông luôn hướng về con người, về nhân quần. Ảnh của ông đậm chất báo chí, phản ánh hiện thực cuộc sống xung quanh ông với nhiều cung bậc đồng thời là bức chân dung tự họa của Vũ Huyến. Một con người nhiệt huyết, đam mê nghề, trí tuệ sắc sảo, nhạy bén; một trái tim giàu lòng yêu thương.

Đó là chuyện Người nông dân huyện Đông Anh với nụ cười tỏa nắng bên xe chuối đầy các buồng chuối to trĩu nặng. Niềm vui được mùa; Đó là nụ cười lạc quan của người Thợ mỏ Mông Dương; Là hình ảnh Cô lái đò trên sông ở Vũng Tàu “có khuôn mặt và nụ cười xinh chẳng kém gì hoa hậu”; Đó là nụ cười thể hiện Niềm phấn khích của người đàn ông, tác giả gặp ở Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam. Người đàn ông một tay cầm máy quay. Một tay xách túi bún, giơ máy ảnh lên chụp. Trông rất lỉnh kỉnh, vất vả. Cảnh gì đó không biết nhưng chắc rất ấn tượng, làm cho người chụp hứng khởi, không giấu được điệu cười khoái chí, làm cho người đọc rất muốn biết. Đó là bức ảnh làm cho người đọc vừa buồn cười vừa thích thú. Nó có ý nghĩa biểu trưng cho việc tiếp cận nhanh, nhạy của người Việt Nam với Internet trong thời đại 4.0.

Đó còn là cái cười nhõng nhẽo với dáng điệu và gương mặt đầy biểu cảm của cháu bé theo gia đình về thăm họ hàng. Được tặng rau hái từ vườn, cu cậu thích quá đòi xách nhưng lại muốn mọi người chú ý đến mình nên gọi Mệt quá ông nội ơi. Nhìn cháu mình ngộ nghĩnh, đáng yêu, xúc động, nội giơ ống kính lên bấm. Một bức ảnh kỷ niệm đẹp cho cháu đích tôn Vũ Minh Đức, một bức ảnh đem niềm vui đến cho mọi người.

Hướng tới những con người bình thường, thậm chí thua thiệt

Lan tỏa niềm vui sống, ảnh Vũ Huyến không nhẹ tâm trạng ưu tư. Cái tạng của Vũ Huyến dường như hay chú ý đến những thân phận nhỏ nhoi, hoàn cảnh không may mắn. Ghi hình ảnh của họ cũng là ông ghi lại tâm trạng của chính mình. Những bức ảnh của ông không đơn thuần là phản ánh những nghịch cảnh hiện thực mà nó còn là nỗi đau đáu của một trí thức khát muốn đem lại hạnh phúc cho con người, dâng hiến cái đẹp cho đời.

Bữa cơm chiều trên sông Vũ Huyến chụp tại Hà Nam vào những năm 20 của thế kỷ trước kể với chúng ta về một gia đình bán nước mắm rong trên các tỉnh ven sông Hồng. Một người chồng với hai người vợ cùng đàn con 7 đứa đang ăn cơm trên con thuyền – ngôi nhà của họ. Mâm cơm vẻn vẹn chỉ có một nồi cơm, một rổ rau và một bát nước mắm. Một gia đình nghèo. Nhưng cái nghèo không làm mất đi vẻ đẹp của họ. Nghệ sĩ bắt gặp “vẻ mặt thân thiện và nụ cười tươi trẻ”. Ông giơ máy. Bức ảnh ra đời. Đó là một bức ảnh mang ý nghĩa khái quát cao, phản ánh hiện thực đời sống nghèo mà vui của người lao động sống nhờ vào sông nước trên các con sông. Một bức ảnh có chiều sâu, đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng, suy tư về thân phận con người. Day dứt lắm.

Đến nước cộng hòa Slovakia, không biết tác giả chụp những gì, chỉ thấy ông giới thiệu cho khán giả bức Nhóm hát rong gia đình trên các con phố thủ đô Bratislava. Ông giải thích lý do chụp là vì nó “Gợi nhớ đến các nhóm hát rong khác ở châu Âu.” Vì ông nhìn thấy “cái bát nhựa nhỏ nhận tiền người qua đường nghe trống rỗng” . Cái bát trống rỗng ấy đã ám ảnh Nhà báo Vũ Huyến. Ông nghĩ về số phận những con người có tài năng bẩn sinh. Dẫu không xuất sắc nhưng cũng đủ mua vui cho thiên hạ, cũng là cứu cánh mưu sinh. Cuộc sống của họ thật không dễ dàng. Ông đồng cảm, xót xa.

Người ăn mày ở Vatican kể với ta câu chuyện Vũ Huyến đến thành Vatican bé nhỏ nằm trong lòng thành phố Roma ( Ý), ông đã chụp người đàn bà Di-gan ăn mày ngồi bên hè phố dưới tấm áp phích ảnh của một cô gái đẹp được phóng to. Một sự tương phản. Nhìn bức ảnh, tôi hiểu ngay trái tim Vũ Huyến nói gì. Người nghệ sĩ ấy có trái tim đa cảm, một trí tuệ nhạy bén. Chụp bức ảnh này ông gợi cho chúng ta những trăn trở về số phận con người. Ông đặt cho mình cũng là cho độc giả câu hỏi: Cũng là con người, cũng là phụ nữ, tại sao số phận khác nhau. Người thì đẹp đẽ, sung sướng, được mọi người ngắm nhìn, ngưỡng mộ. Người thì ăn mày, lang thang, đói khổ? Băn khoăn...Quả thực, trái tim Vũ Huyến thường hướng tới những con người bình thường, thậm chí thua thiệt.

Bìa cuốn sách ảnh "Những người sống bên tôi"

Một bức ảnh có ý nghĩa là bức ảnh mà các chi tiết đều có ý nghĩa

Đến viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Louvre, Paris, Pháp, thay vì diễn đạt bằng ngôn ngữ sự ngưỡng mộ trước những kiệt tác của các danh họa thế giới, Vũ Huyến dùng nghệ thuật ánh sáng. Trước những tuyệt tác là một bức ảnh có nhiều tầng nghĩa. Trong phòng tranh có rất nhiều người với những màu da khác nhau: có người da đen, người da nâu, da trắng... Người thì giơ điện thoại thông minh chụp bức tranh mình thích, người thì nheo mắt ngắm bức tranh từ phía xa. Một đoàn người thì đang vừa đọc tranh vừa nghe người hướng dẫn thuyết minh. Trung tâm bức ảnh là người phụ nữ có đôi chân không khỏe, phải ngồi xe lăn, có người đẩy. Bà ngả người, ngước nhìn bức tranh trên trần nhà đau đáu, hai tay đang giơ lên, miệng như vừa thốt lên từ: đẹp! Đẹp lắm! Một khoảnh khắc tuyệt vời. Bức ảnh không chỉ diễn đạt sự thán phục trước cái đẹp của người phụ nữ mà nó còn thể hiện cảm nhận, rung động trước những kiệt tác của nghệ sĩ Vũ Huyến. Bằng bức ảnh, tác giả đã chứng minh cho lý thuyết của mình: “Mỗi bức ảnh là ngàn lời nói.”

Nghệ thuật dành cho tất cả là một bức ảnh được chụp tại phòng tranh ở Huế vào năm 1996 . Ông kể: Chuẩn bị rời phòng triển lãm để về nhà khách thành phố, chợt thấy cô gái bán rau dừng lại tần ngần trước cửa ra vào. Và đây là bức ảnh chụp ngay khi cô gái bỏ gánh rau tươi vào phòng triển lãm. Cô gái ấy, cũng chẳng cần bỏ nón, cũng chẳng cần chú ý đến xung quanh. Cô đứng ngắm tranh trong tư thế hết sức thoải mái. Chân trụ, chân duỗi, không mỏi, đứng được lâu, xem được nhiều. Đó là một trong những bức ảnh khó quên. Nó gợi nhắc đến chức năng của người nghệ sĩ. Cảm xúc trước hiện thực cuộc sống, nghệ sĩ đã chọn được khoảnh khắc đắt giá để biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của mình.

Nghĩa vợ chồng là bức ảnh ông chụp hai vợ chồng ông bà hàng xóm. Đó là bức ảnh mang nhiều ý nghĩa, lan tỏa yêu thương, gợi dẫn hành động. Trung tâm bức ảnh là hình ảnh hai vợ chồng già, ngồi bên vỉa hè nhà ai cửa đóng, trong con ngõ nhỏ. Bà không đi lại được phải ngồi xe lăn. Ngồi bệt trên lề đường, một chân gác lên giữ bánh cho xe khỏi lăn, hai tay cầm tờ báo thường nhật, ông đọc cho bà nghe. Bên cạnh có chiếc quạt nan. Đây là một bức ảnh dung dị kể chuyện cuộc đời dung dị nhưng có ý nghĩ lớn. Không chỉ có ý nghĩa về nội dung, bức ảnh còn thể hiện một quan niệm nghệ thuật của nghệ sĩ Vũ Huyến: “một bức ảnh có ý nghĩa là bức ảnh mà trong đó các chi tiết đều có ý nghĩa”.

Góc nhìn và khoảnh khắc độc đáo

Nói đến sự khổ công trong sáng tạo nghệ thuât, không thể không nhắc đến bức ảnh Tượng thánh Gióng trên núi Đá Chồng 2010 của Vũ Huyến. Chia sẻ về quá trình tác nghiệp bức ảnh đặc biệt này, NSNA Vũ Huyến kể rằng, tiến hành buổi lễ hôm đó, Hội Phật giáo mời các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung ương và Hà Nội tham dự và có xe ô tô đón tại Chùa Phúc Khánh lúc 19 giờ tối. Vũ Huyến không chờ đi ô tô. Ông mang máy móc và bánh mỳ đi xe máy lên núi Chồng từ 15 giờ chiều, ngắm tìm bố cục. Buổi lễ sắp bắt đầu, để chụp bức ảnh, nghệ sĩ đã trèo lên, đứng trên nóc ô tô của đài truyền hình trực tiếp, chờ sẵn. Đền giờ, mấy chục ngọn đèn được bật sáng, lễ khai quang tượng Thánh bắt đầu, Vũ Huyến bấm máy... Buổi lễ kết thúc, mọi người lên xe ô tô ra về. Vũ Huyến, một mình lọ mọ về nhà bằng chiếc xe máy. Bụng đói, may còn chiếc bánh mỳ khi chiều mang theo.

Với sự kỳ công ấy, bức ảnh là khoảnh khắc tuyệt vời mà tác giả săn được. Nhìn ảnh, đoán được thời gian, không gian Vũ Huyến tác nghiệp. Đó là lúc bắt đầu lễ Khai quang yên vị - Hô thần nhập tượng Đức Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, tại đỉnh núi Đá Chồng thuộc khu di tích đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức vào hồi 21h 30 ngày 26/9 (tức ngày 19/8 năm Canh Dần). Đó là khoảnh khắc độc đáo, hy hữu. Đọc ảnh của Vũ Huyến, so sánh với các bức ảnh khác cùng đề tài của các tác giả khác và chiêm bái tượng đài trong thực tế, thấy thêm một nét độc đáo nữa của Vũ Huyến khi chụp bức tượng. Đó chính là góc nhìn của tác giả.

Với tuyên ngôn nghệ thuật: “Chụp là để trực tiếp nói về con người và những gì đang liên quan đến cuộc sống của họ”, bằng cuốn sách ảnh Những người sống bên tôi, Vũ Huyến đã cho chúng ta cảm nhận: Dù trong hoàn cảnh nào, con người cũng không giấu được vẻ đẹp của mình, chính họ đã “khiến trái đất trở nên bé nhỏ”...

Có thể nói, cuốn sách ảnh của Vũ Huyến không dày nhưng nói với chúng ta nhiều điều. Nó là trí tuệ và tâm hồn ông.

Một số bức ảnh ấn tượng trong cuốn sách ảnh của NSNA Vũ Huyến:

Thanh Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-covid-song-cham-xem-duoc-cuon-sach-dep-post164077.html