Mùa AOP 'lạ' của nhiều doanh nghiệp

Mùa lên kế hoạch năm tại không ít doanh nghiệp có thêm một đầu việc mang tên điều chỉnh kế hoạch khi kết quả thực hiện 3 quý đầu năm mang nhiều gam màu kém tươi sáng.

Hai tháng 10 và 11 hàng năm thường được gọi là mùa lên kế hoạch năm (Annual Operating Plan - AOP) của các doanh nghiệp. Đây là khoảng thời gian các lãnh đạo ngồi lại phác thảo các mục tiêu, hành động, nguồn lực cần thiết, cũng như các mốc thời gian và lộ trình công ty đề ra trong năm tới. Năm nay, mùa AOP tại không ít doanh nghiệp lại có thêm một đầu việc khác: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho năm hiện tại.

Cuối tháng 10/2023, HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, giảm ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Sau thay đổi, tổng doanh thu kế hoạch giảm 17,46%, còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng, giảm 25% so với mục tiêu đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Đồng thời, so với kết quả đạt được năm liền trước, thay vì mục tiêu tăng trưởng 10% ban đầu, lợi nhuận cả năm 2023 dự kiến giảm hơn 8,5%.

Trong chia sẻ mới đây gửi đến các cổ đông, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex thừa nhận chưa làm trọn những gì mong đợi từ đầu năm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng khi các xung đột địa chính trị chưa giảm nhiệt, sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh, gây áp lực lên giá tôm tiêu thụ cùng thiệt hại tại vùng nuôi, ngành tôm năm qua chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tiêu cực.

Không riêng Fimex, số lượng công ty quyết định điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2023 tăng lên khá nhiều và hầu hết theo hướng giảm. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hạ 6% mục tiêu doanh thu, từ mức 17.500 tỷ đồng theo kế hoạch cũ, xuống 16.500 tỷ đồng. Đồng thời, Vinatex giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế tới 39%, từ mức 610 tỷ đồng xuống còn 370 tỷ đồng.

Cũng vừa hoàn tất lấy ý kiến cổ đông đầu tuần này, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận mới, từ 52 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy vậy, để hoàn thành được mục tiêu trên mức hòa vốn như trên, nhiệm vụ của VNSteel vẫn còn rất nặng nề do lỗ trước thuế 3 quý của công ty mẹ lên tới 199 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực tưởng chừng sẽ hưởng lợi tích cực nhờ đẩy mạnh đầu tư công, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nhựa đường cũng có 3 quý đầu năm “đi lùi” với 5.774 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 4% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, Hóa dầu Petrolimex PLC điều chỉnh kế hoạch doanh thu tiêu thụ năm nay còn gần 8.396 tỷ đồng, giảm gần 6% so với chỉ tiêu ban đầu dù mục tiêu sản lượng vẫn được giữ nguyên. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn 112 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng đã chốt phương án lợi nhuận mới như Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco) giảm 27% kế hoạch lợi nhuận. Tổng CTCP Y tế Danameco hạ 23% doanh thu kế hoạch từ 350 tỷ đồng xuống còn 269 tỷ đồng...

Có thể thấy, việc điều chỉnh kế hoạch diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều yếu tố vĩ mô, xung đột địa chính trị vượt ra ngoài dự tính ban đầu.

Theo thống kê của Hãng phân tích dữ liệu tài chính FiinGroup, chỉ có 411/1.109 tổ chức niêm yết, tương ứng tỷ lệ 37%, hoàn thành trên 75% kế hoạch năm sau 9 tháng. Bình quân toàn thị trường hoàn thành 70% kế hoạch năm, trong đó ngành bất động sản ghi nhận kết quả đột biến chủ yếu nhờ hoạt động bán buôn dự án trong quý II/2023 của Vinhomes. Nhóm có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp là ngân hàng và các ngành hàng có kỳ vọng hồi phục nhờ xuất khẩu, cầu tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, bán lẻ, tài nguyên cơ bản hay giải ngân vốn đầu tư công như xây dựng và vật liệu.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng tích cực cần ghi nhận là đà suy giảm về lợi nhuận đã chậm lại đáng kể trong quý II/2023. Nguyên nhân có đóng góp từ sự cải thiện của biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT). Theo chuyên gia phân tích từ FiinGroup, sự cải thiện về biên EBIT sẽ là đòn bẩy về lợi nhuận khi doanh thu tăng trưởng trở lại. Điểm sáng của quý III có thể mở ra kỳ vọng về sự vươn lên trong chặng đường cán đích.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mua-aop-la-cua-nhieu-doanh-nghiep-d204147.html