Mùa ấm no trên biên giới Mường Lát

Một 'mùa vàng' nữa đã về nơi biên cương Mường Lát, Thanh Hóa trong niềm vui được mùa với thóc lúa đầy nhà của người dân. Hạt gạo trên vùng biên cương ấy giờ đây đã khoác lên mình một thương hiệu mới mang tên OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Người dân thu hoạch lúa trên những chân ruộng bậc thang. Ảnh: Linh Nga

Từ cây lúa nước hai vụ

Tôi có dịp trở về Mường Lát khi một mùa lúa bội thu đã được nhân dân thu hoạch từ những chân ruộng bậc thang về nhà. Ông Giàng Seo Vãng, Trưởng bản Khằm, xã Trung Lý mời tôi về nhà cùng ăn bữa cơm với gia đình. Ông Vãng khoe: “Năm nay, nhà mình thu hoạch được 60 bao lúa, đủ gạo cho cả nhà ăn và còn bán lấy tiền mua sắm đồ dùng trong gia đình nữa. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây lúa tốt tươi, bà con trong bản ai cũng vui mừng lắm!”.

Tôi theo chân ông Giàng Seo Vãng về ngôi nhà khang trang thơm mùi gỗ nằm dọc ngay quốc lộ 15C để được thưởng thức hạt gạo mới thu hoạch và cả mùi rượu ngô thơm nồng. Ông Vãng nói với tôi, theo quyền thống thì lễ mừng cơm mới sẽ được tổ chức ngay sau khi bao lúa cuối cùng được mang từ ruộng về để người Mông tạ ơn trời đất, tổ tiên vì một vụ mùa tươi tốt và cầu mong cho một vụ mới may mắn, no đủ hơn. Trong ngày này, người chủ gia đình thực hiện nghi lễ và đọc bài cúng tổ tiên, trời đất, con cháu từ xa sẽ tụ họp đông đủ, các thành viên trong gia đình và khách mời cùng chúc nhau sức khỏe và cầu mong cho mưa thuận, gió hòa.

Trước đây, người dân Mường Lát chỉ quanh quẩn với thói quen canh tác chọc lỗ, bỏ hạt, trồng ngô, sắn. Để cây lúa nước nảy mầm trổ bông trên những thửa ruộng bậc thang là cả sự nỗ lực của chính quyền địa phương và BĐBP. Bởi phương thức canh tác cũ, lạc hậu trên nương rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây. Họ không tin rằng, cây lúa nước lại có thể tốt tươi trên những mảnh đất khô cằn sỏi đá mà lâu nay chỉ có thể trồng cây ngô, cây sắn.

Khi được vận động gieo trồng cây lúa nước 2 vụ, ông Giàng Seo Vãng là người tiên phong. Bởi khi đó, ông tin vào cán bộ huyện, tin vào BĐBP và tin vào một cuộc sống mới sẽ đổi thay nhờ cây lúa nước 2 vụ. Cho đến khi thấy những cây lúa trĩu bông, nặng hạt, những gùi lúa được gùi từ ruộng về nhà ông Giàng Seo Vãng thì người dân trong bản đã tin và làm theo. Người dân đã quen dần với việc gieo mạ che phủ nilon, sử dụng phân bón cho cây lúa nước, máy móc cũng được đưa vào nhằm giảm thiểu sức lao động.

Đến hạt gạo OCOP đầu tiên

Cây lúa nước 2 vụ đã nảy mầm trổ bông trên biên cương Mường Lát và giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Giờ đây, hạt gạo ấy đã và đang khoác lên mình “chiếc áo mới” mang thương hiệu OCOP. Người dân tộc Thái ở xã Quang Chiểu chủ yếu trồng cây lúa nếp do thói quen ăn uống và sinh hoạt từ bao đời nay. Vì vậy, trong số các loại cây trồng của đồng bào Thái ở xã Quang Chiểu, lúa nếp Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực.

Sản phẩm gạo nếp Cay Nọi đạt tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát. Ảnh: Linh Nga

Với diện tích trên 400ha, cây lúa nếp Cay Nọi đã chiếm đến 2/3 diện tích cây trồng toàn xã góp phần thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Theo bà con địa phương, giống lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào và được người dân các bản giáp biên giới mang về gieo cấy. Hạt gạo Cay Nọi khi được nấu lên mang một mùi thơm dẻo rất đặc trưng nên được các tư thương từ miền xuôi lên thu mua rất nhiều.

Để nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho hạt gạo nếp Cay Nọi, huyện Mường Lát đã triển khai xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP tại xã Quang Chiểu với quy mô 50ha. Các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ phân bón và thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện tại, toàn huyện Mường Lát có 1.100ha lúa nước, trong đó, diện tích gieo cấy lúa nếp Cay Nọi đạt khoảng 550ha.

Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm, từ tháng 6 bắt đầu gieo mạ cấy ở chân ruộng bậc thang thấp, cho đến tháng 11 thì thu hoạch. Gia đình anh Lò Văn Yêu, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu là một trong số các hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: Từ khi được tham gia mô hình trồng cây lúa nếp Cay Nọi, các hộ dân trong bản rất phấn khởi và làm theo hướng dẫn trong chăm sóc cây lúa của cán bộ huyện. Năm nay, giá lúa nếp Cay Nọi cao hơn những năm trước và được hợp tác xã thu mua nên không bị tư thương ép giá.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Hiệu quả kinh tế của giống lúa nếp Cay Nọi cao hơn giống lúa khác với năng suất khoảng 46-47 tạ/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, chưa tính công lao động, bình quân thu lợi nhuận đạt hơn 42 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2021, hạt gạo Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP đầu tiên của huyện góp phần nâng cao giá thành và uy tín của hạt gạo đặc sản này.

Một mùa lúa mới đã về với sự ấm no trong mỗi ngôi nhà sàn của đồng bào người Thái, Mông, Dao... trên biên giới Mường Lát. Câu chuyện về cái đói mùa giáp hạt đã không còn đeo bám trong mỗi gia đình như trước nữa. Giờ đây, khi nhắc đến Mường Lát đã không còn câu chuyện về đói nghèo, lạc hậu mà là hình ảnh những thửa ruộng lúa nước cho năng suất cao, là sản phẩm gạo Cay Nọi đạt tiêu chuẩn OCOP và những ngôi nhà mới đã được xây dựng trên mảnh đất biên cương.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Linh Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-am-no-tren-bien-gioi-muong-lat-post456838.html