Mù Cang Chải từng bước nâng cao chất lượng dân số

Nhiều cặp vợ chồng trẻ sinh 2 con gái nhưng đã thực hiện biện pháp tránh thai. Đây là cái được trong chuyển biến nhận thức của không ít người cặp vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải, họ đã biết quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai và quan tâm nuôi dạy trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Đó là nhờ những nỗ lực của ngành y tế huyện.

Nhờ sự quan tâm về công tác dân số, nhiều gia đình ở huyện Mù Cang Chải có điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dạy con cái. Hiện địa phương 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.

>> Mù Cang Chải nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân

Là xã có gần 100% dân số là người Mông, nhiều năm trước Mồ Dề có tỷ lệ mất cân bằng giới tính và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất huyện. Để giảm tình trạng này, xã đã triển khai hàng loạt các giải pháp, như: can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường, vận động, lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS); nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, can thiệp giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ người dân tộc thiểu số ở những xã khó khăn sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/NĐ- CP của Chính phủ...

Giờ đây, quy mô gia đình có 2 con trên địa bàn xã ngày càng phổ biến, các bà mẹ mang thai đều được khám, siêu âm theo định kỳ. Các hộ dân chấp hành tốt chương trình tiêm chủng mở rộng và chống suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi.

Kết quả này, theo y sỹ Giàng A Lử - Phó Trưởng Trạm Y tế xã Mồ Dề, là do: "Trạm Y tế xã đã phát huy tối đa vai trò của đội ngũ y tế thôn, bản phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền những chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ). Vì vậy, việc thực hiện KHHGĐ đã thấm dần vào nếp nghĩ, cách làm trong từng gia đình, cá nhân ở địa phương".

Nhiều cặp vợ chồng trẻ như vợ chồng anh Mùa A Thắng ở thôn Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề, dù sinh 2 con gái nhưng đã thực hiện biện pháp tránh thai. Đây là cái được về sự chuyển biến của không ít người cặp vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải, họ đã biết quan tâm đến chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sử dụng các biện pháp tránh thai và quan tâm nuôi dạy trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Anh Mùa A Thắng chia sẻ: "Nhà mình có 2 con gái rồi, cũng nhiều người khuyên nên đẻ thêm con trai để còn có người chăm sóc khi tuổi già, nhưng nghe cán bộ tuyên truyền; với lại, cũng thấy mình còn nghèo quá, đẻ nhiều con không chăm sóc tốt, không cho con đi học được. Thế nên, mình cho vợ đi đặt vòng tránh thai không đẻ thêm nữa. Bây giờ bình đẳng rồi, con nào cũng là con, mình đẻ ít để có thời gian làm ruộng, làm nương phát triển kinh tế thì không lo sau này đói khổ”.

Là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước đây nhận thức của đa số người dân về công tác DS - KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Đó là do tác động từ những hủ tục lạc hậu, quan niệm gia đình đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có con trai "nối dõi tông đường", tồn tại trong suy nghĩ của nhiều thế hệ. Đặc biệt, việc thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS, việc sinh nhiều con đã tạo áp lực về kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn để đẩy mạnh tuyên truyền, bằng nhiều hình thức; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tham mưu với huyện chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc không sinh con thứ 3 ở cơ sở; tuyên truyền về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; về mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới và vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con gái, con trai…

Nhờ đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân về DS - KHHGĐ ngày càng được nâng lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách DS "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, nuôi dạy con cháu và phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.

Theo bác sỹ chuyên khoa I Đỗ Lâm Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, hiện tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở Mù Cang Chải chỉ còn gần 1,5%, tỷ lệ giảm sinh đạt 0,9‰; tỷ suất sinh thô là hơn 19‰. Đặc biệt, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt hơn 65%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm chỉ còn 1,49%, tỷ lệ sinh con thứ ba 27,6% và tỷ lệ tảo hôn chỉ còn khoảng 3% giảm gần 1,5% so với năm 2022… Đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, bản và nhất là của ngành y tế của huyện.

Tuy nhiên, với đặc thù của huyện vùng cao, công tác dân số của huyện Mù Cang Chải vẫn còn nhiều hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản, nhất là phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thiểu số, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống của người dân.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/303486/mu-cang-chai-tung-buoc-nang-cao-chat-luong-dan-so.aspx