Mù Cang Chải nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được huyện Mù Cang Chải triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có nhiệm vụ giảm nghèo bền vững…

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mù Cang Chải giúp hộ khó khăn ở xã Hồ Bốn làm nhà, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

>> Mù Cang Chải phấn đấu giảm 9,34% hộ nghèo

Huyện thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở xã, thị trấn triển khai thực hiện tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bà con nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh phụ trách huyện, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã quan tâm, phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ cho những hộ nghèo thoát nghèo; các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đảm bảo theo từng tháng, từng quý, đúng đối tượng, đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế, hàng năm, các hộ dân thuộc xã miền núi, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ giá mua các giống cây trồng có năng suất cao; giao đất, giao rừng, khoán rừng cho các hộ dân. Nhiều hộ dân đã có kinh tế khá, giàu nhờ phát triển mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả.

Từ các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo 9,83%, cận nghèo là 2,59% và giảm nghèo đa chiều của huyện Mù Cang Chải đạt 12,42%; ra mắt 12/12 bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số bản nông thôn mới toàn huyện lên 26 bản. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 9,83%, đạt 113% kế hoạch; tỷ lệ giảm hộ cận nghèo là 2,59%, đạt 117,7% kế hoạch.

Trong năm, huyện đã khởi công 367/376 nhà theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo (trong đó, làm mới 234 nhà, sửa chữa 133 nhà).

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện đã phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, gắn với lồng ghép các chương trình dự án, các nguồn lực đầu tư để xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp để người lao động có thể tìm kiếm việc làm sau khi học nghề và xuất khẩu lao động…

>> Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Mù Cang Chải

Tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để phát triển kinh tế. Triển khai 15 chương trình vay vốn ưu đãi qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên với hàng nghìn hội viên các tổ chức hội được vay vốn phát triển kinh tế.

Cùng với việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách như: hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp pháp lý miễn phí, các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề…

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Đi đôi với thực hiện các chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển các DTTS, chính sách đối với già làng, trưởng bản, người uy tín DTTS luôn được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm thực hiện tốt.

Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người có uy tín trong đồng bào DTTS được thực hiện thường xuyên như: thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp lễ, tết, đau ốm, gặp khó khăn; cấp phát kịp thời, đầy đủ các ấn phẩm báo, tạp chí, đã giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Công tác giáo dục pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được các địa phương tích cực triển khai với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo...

"Nhiều năm qua, với sự gương mẫu và uy tín của mình, những người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới” - Bí thư Nông Việt Yên thông tin.

Năm 2024, huyện Mù Cang Chải xác định tiếp tục triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; hỗ trợ có sinh kế bền vững cho người dân thông qua công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Thiên Cầm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/320256/mu-cang-chai-no-luc-giam-ngheo-ben-vung.aspx