Mù Cang Chải mùa lúa chín

Địa danh của làng nhỏ ấy tên La Pán Tẩn. Thay vì đi đến Mù Cang chải thì chúng tôi nghỉ đêm ở một homestay tại đây, bởi nơi đây thuận lợi cho việc đi thăm những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Ngày mùa ở Tây Bắc có một sức hút kỳ lạ, khiến cho biết bao nhiêu người tìm đến, chỉ là được ngắm trong mênh mông một mùa vàng.

Đồi Mâm Xôi ở Mù Cang Chải.

Thực ra thì không phải lần đầu tôi đi Tây Bắc, cũng không phải lần đầu tôi nao nức lên đường chỉ để ngắm lúa chín. Đã từng đến Sa Pa nhiều lần, đi khắp cùng những cánh đồng đến độ lưng đẫm ướt mồ hôi, nhìn những triền núi lúa chín vàng rực, hay đi cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng (còn gọi Fansipan), nhìn xuống thung lũng Mường Hoa như một thảm vàng, một vẻ đẹp đến mê hoặc lòng người. Nhưng ngắm những thửa ruộng ở Mù Cang Chải như là một cuộc chinh phục cho thỏa lòng trong cuộc hành trình du lịch.

Vào cuối tháng 8, qua tháng 9 thì ở Mù Cang Chải những thửa ruộng xanh lá chuyển vàng, và mùa vàng kéo dài chừng một tháng, sau đó là vào mùa gặp. Vào mùa lúa chín, những người chủ của các thửa ruộng đều có mặt trên cánh đồng của mình, chỉ để giữ gìn những cây lúa khỏi bị ngã đạp bởi khách, dẫu rằng họ cũng được trả một khoản phí trong tiền khách mua vào điểm tham quan.

Ngay tại ngã ba La Pán Tẩn, luôn túc trực mấy chục anh xe thồ là người bản địa sẵn sàng chở bạn đi thăm các điểm du lịch, trọn gói: La Pán Tẩn, đồi Mâm Xôi và rừng thông là 300 ngàn. Còn nếu bạn chỉ đi ruộng bậc thang là 20 ngàn. Lý do bạn phải đi xe ôm vì con đường cực kỳ nguy hiểm, nhỏ chừng 0,6 mét lại lên xuống dốc, có khi bên cạnh là bờ vực. Ngay cả việc bạn thuê xe máy để tự mình trải nghiệm thì cũng là một công việc khó khăn vì bạn không quen đi những con đường như vậy.

Ở homestay đảm nhận nấu ăn tối, ăn sáng cho khách, vì quanh khu vực chẳng có quán xá buôn bán, có quán cà-phê thì mới 5 giờ chiều đã nghỉ bán, khu chợ nhỏ bán khá nhiều thổ cẩm và các loại cây rừng làm thuốc. Ông chủ homestay nguyên trước kia làm kiểm lâm, cách tổ chức ăn uống khá tốt, và xe máy cũng có sẵn nếu bạn đủ can đảm tự đi.

Chúng tôi chọn đi Mù Cang Chải. Các anh tài xế xe ôm phát cho chiếc mũ bảo hiểm, rồi cứ thế các anh đi trên con đường chắc hẳn đã vô cùng quen thuộc.

Có con dốc cao, quanh co đi qua những thửa ruộng bậc thang, bên dưới thung lũng là những thửa ruộng chín vàng, đẹp như họa sĩ đang pha màu. Nhưng ruộng lúc ở La Pán Tẩn cũng gần giống ruộng lúa ở Sa Pa, chỉ dừng lại chụp vài tấm ảnh, ngắm trời mây rồi đi tiếp.

Con đường đi thăm mùa lúa vàng ước chừng 10 cây số, nhưng là con đường mà chúng tôi ngồi phía sau anh xe thồ đôi lúc thót tim. Những con dốc rất ngặt, có khi men theo núi, len vào những cánh đồng, mà xe lại cứ lao nhanh. Anh xe ôm chắc đã chở và chứng kiến biết bao nhiêu khách "được tận hưởng" cảm giác lo sợ này, liền trấn an: Bác cứ yên tâm, em lái ra cực kỳ an toàn.

Ở đó, chông chênh bên đường có bãi giữ xe, còn mua vé thì đã có một trạm dọc đường chặn để bán. Tới nơi bạn chỉ mê đắm với không gian kỳ ảo của những thửa ruộng vàng vào mùa, có khi hút sâu bên dưới, có khi lượn vòng cung, có khi nép mình bên triền núi, và điểm nhấn chính là thửa ruộng giống như mâm xôi.

Ở Mù Cang chải có cho thuê trang phục người Tày, một dân tộc chiếm tỷ lệ 17% ở Yên Bái, sinh sống khá đông ở Mù Cang Chải và Văn Chấn. Có cả chiếc gùi để vào vài nhánh hoa cải vàng hoặc hoa tam giác mạch. Không gian nơi này rất đẹp, cho nên chụp ảnh bằng điện thoại cũng đủ tạo ra những bức ảnh đẹp.

Ai cũng tìm cách lên đồi mâm xôi, để ngạc nhiên khi nhận ra ngọn đồi với vòng tròn có đường kính khoảng 10 mét ấy có thể trồng lúa. Những ngọn lúa chín vàng lung linh giữa đất trời là cảnh đẹp cho người dạo chơi hôm nay, và là cơm áo của người gieo trồng.

Là những ngọn gió mang theo hương thơm lúa chín, là những cánh đồng lúa bậc thang kỳ ảo vàng chín. Là lên đường chỉ là được chạm gặp.

Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mu-cang-chai-mua-lua-chin-post282377.html