Một xứ Mường độc đáo giữa lòng Thủ đô

Tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) từ giữa tháng 5/2023, sau những ngày của tuần mưa đón mùa Hạ, là một triển lãm được ví như một 'bản giao hưởng' đón nắng tưng bừng mang tên 'Xứ Mường'. Triển lãm của 5 tác giả đều sinh ra, hoặc lớn lên thấm đẫm từ nguồn nước róc rách của văn hóa Mường ở Hòa Bình.

Các họa sĩ chia sẻ tại triển lãm. Ảnh: Thu Trần

Cuộc trưng bày được ví như “bản giao hưởng” mỹ thuật Mường hiện sinh đương đại cũng không quá, bởi với 5 tác giả có năm sinh từ đầu 7x đến cuối 8x. Nhưng có tới 85 tác phẩm đủ các chất liệu, từ hội họa đến điêu khắc như gốm, gỗ (điêu khắc); sơn mài, sơn dầu, acrylic tổng hợp, hoặc chất liệu hiếm thấy là tranh trên giấy giang. Và hình thể phong cách của các tác phẩm cũng là một “cung cầu vồng” bán nguyệt từ phong cảnh hiện thực thắm thiết đến biểu hiện và trừu tượng mênh mông lan tỏa. Và đều nối dài từ những “mạch ngầm” của văn hóa mỹ thuật và âm nhạc, văn chương của xứ nguyên thủy Việt Mường - Hòa Bình.

Tuy chỉ kéo dài một tuần lễ (từ ngày 14 đến 21/5), nhưng triển lãm “Xứ Mường” lần này là một cuộc “khai Hạ” của các tác giả. Góp mặt tại triển lãm đặc biệt này, họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) cho biết, trong quá khứ, Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng về truyền thống gốm với các sản phẩm gốm men trắng, men ngọc, men nâu, hoa lam… từ thời Lý - Trần trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm vẫn tồn tại trong đời sống như một lẽ tất yếu. Ngày nay, với sự phát triển đa dạng của xã hội và nhiều vật liệu mới ra đời cùng với sự tiện ích của công năng, có những giai đoạn tưởng chừng như gốm bị thay thế, nhưng cũng như với nhiều nghệ sĩ khác, anh nghĩ rằng, gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông đã từng làm. Với đất, nước, men…, những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại với cách nhìn và những thử nghiệm mới hy vọng sẽ kết nối được truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày.

Là người con dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên nếp nhà sàn, cạnh con sông Đà, nơi được coi như một cái nôi văn hóa lớn trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình, họa sĩ Nguyễn Giang Châu không khó để nhận ra nguồn cảm hứng lớn được lấy làm nguyên liệu trong các tác phẩm của mình. Những hình ảnh như con tôm, con cá, ánh lửa bên bếp nhà sàn, mái tranh, vách đá tai mèo hay hình ảnh các chị, các mế tắm dưới ánh trăng. Những nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn con người nơi đây.

Trong giai đoạn đầu của tiến trình sáng tác của mình, anh đã dùng những hình ảnh hiện thực thân quen. Trong những sáng tác gần đây, anh chuyển dịch ngôn ngữ tạo hình từ hiện thực tới biểu hiện và có chút chạm trừu tượng biểu hiện. Bắt nguồn từ đó, cái tên “Chạng Vạng” là chỉ thời điểm chiều tối, thời điểm kết thúc của một ngày lao động, bắt đầu những sinh hoạt cộng đồng, các nghi thức tâm linh. “Xót” là những tín hiệu trong ngôn ngữ tạo hình, được gạn, được rút từ cuộc sống, vốn cổ, họa tiết trên váy, trên trống đồng anh muốn tín hiệu hóa trong tác phẩm.

Hòa mình vào dòng chảy văn hóa Mường, họa sĩ Trần Trung Dũng cảm nhận nhiều giá trị đậm đặc sử thi. Nhiều giá trị nghệ thuật từ dân ca Mường, nghệ thuật chiêng mo, đẻ đất - đẻ nước… Những phong tục, tập quán, tín ngưỡng như nghi thức cúng lễ vật, rước lễ, xuống đồng, cơm mới… Tâm thức tôn kính các vị thần linh, những người lập đất, lập mường. Những mong ước ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Qua trực giác của mình, anh vẽ về xứ Mường với mong muốn những âm vang, đồng vọng sâu lắng trong vô thức, hình thành những sắc thái trên các tác phẩm của mình.

Từ hang Đồng Nội của tổ tiên ta để lại, họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) đi dọc con sông Đà để tìm lại những vết tích của “Xứ Mường”. Một vùng đất với kho tàng về âm nhạc, mo Mường, sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” đầy sức biểu cảm, họa sĩ Trần Thị Thu kết hợp chính chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội họa biểu hiện - trừu tượng để ca ngợi xứ Mường.

Hay họa sĩ Bùi Văn Đạo đã đưa người xem về với những sinh hoạt thường ngày của con người xứ Mường. Đó là lễ hội khai Hạ mang ý nghĩa tôn kính thần linh, tưởng nhớ những người có công lập đất, lập mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ mừng cơm mới của người Mường Hòa Bình thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, vào độ tháng 10 âm lịch, lúc này các gia đình tổ chức hoặc mời thầy về nhằm tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tươi tốt, dân Mường có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Nét xưa là những sinh hoạt thường ngày của người Mường xưa, hình ảnh của các thiếu nữ, vùng sơn cước, các mế, các chị ngồi quây quần bên bếp lửa mồi, châm cho nhau hút thuốc lào (điếu ục) là hình ảnh thật gần gũi và thanh bình, mọi mệt nhọc và lo toan đều tan biến qua làn khói và ánh lửa mờ ảo của đêm núi.

Ngày mùa là thời điểm bận rộn nhất trong năm, khi bao công sức chăm bón đợi đến ngày thu hoạch. Cảnh các chị, các mế đeo ớp xuống ruộng đi cấy, đi cày. Ớp Mường có rất nhiều công năng là đồ đựng trầu, cau (dụng cụ ăn trầu, thuốc lào), vừa để đựng các sản vật của tự nhiên như cua, ốc, châu chấu, vật vờ, ve nước…

Tất cả những bức họa sống động và đầy màu sắc ấy chứa đựng biết bao văn hóa, mảnh đất và con người xứ Mường đầy huyền bí, độc đáo.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mot-xu-muong-doc-dao-giua-long-thu-do-post461497.html