Một tuần thay đổi Ukraine mãi mãi

Dù có nhiều cảnh báo, người Ukraine trước ngày 24/2 không thể tin rằng cuộc tấn công của Nga lại diễn ra trên quy mô toàn diện và thay đổi cuộc đời họ đến như vậy.

Olga Malchevska, phóng viên người Ukraine của đài BBC, được cử đến đưa tin việc ngôi nhà của cô ở thủ đô Kyiv hứng chịu đợt pháo kích.

“Tôi không thể tin rằng những gì mình đang thấy thực sự là nơi tôi ở”, Malchevska nói.

Theo lời kể của cô, khi được điều đến hiện trường , Malchevska không biết chính xác tòa nhà bị tấn công. Chỉ khi đến nơi, cô mới bàng hoàng nhận ra đó chính là ngôi nhà của mình.

Giống như Malchevska, nhiều người dân Ukraine rất bất ngờ trước cuộc tấn công của lực lượng Nga, dù đã có nhiều cảnh báo từ trước.

Sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine với mục đích "phi quân sự hóa" nước này. Ngay sau đó, người dân Ukraine nghe thấy những tiếng nổ lớn trên khắp đất nước.

Ông Nguyễn Tuyên, một người Việt sống tại thủ đô Ukraine, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, người dân nơi đây "không đêm nào ngủ yên". Đó cũng là tình cảnh của hàng nghìn người Việt đang sống ở Ukraine và hàng triệu người Ukraine trong tuần qua.

Đến ngày 3/3, sau một tuần chịu cảnh chiến sự, nhiều thành phố ở Ukraine tan hoang bởi những đợt pháo kích, trạm tàu trở thành hầm trú ẩn trong khi những dòng người không ngừng đổ về biên giới để tìm cách đến các nước láng giềng tị nạn.

Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh

Kế hoạch ban đầu của Nga là tấn công vào sân bay Hostomel, phía tây bắc thủ đô Kyiv, từ đó giúp Moscow giành quyền kiểm soát thủ đô Ukraine một cách chớp nhoáng. Tuy nhiên, trước sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng đặc nhiệm Kyiv, Nga không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.

Moscow đã nhắm mục tiêu vào sân bay Hostomel với ý định sử dụng nó để đưa vào số lượng lớn quân xung kích, nhằm kiểm soát thủ đô Ukraine một cách nhanh chóng. Đến cuối ngày 25/2, lực lượng Nga đã thành công chiếm giữ sân bay này nhưng đường băng bị hư hại nặng nề. Điều đó khiến Điện Kremlin phải chuyển hướng triển khai lực lượng trên không và kéo dài cuộc chiến.

Đến ngày 28/2, "các lực lượng Nga đã phá hủy 1.114 trang thiết bị quân sự của Ukraine", trang Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov.

Ukraine cũng tuyên bố họ đã phá hủy hơn 100 xe tăng và tiêu diệt 3.500 lính Nga. Tuy nhiên, các tuyên bố về tổn thất của cả hai bên không thể được xác minh một cách độc lập.

Trong suốt những ngày giao tranh, mỗi khi nghe tiếng chuông báo động, người dân Ukraine đều tập trung dưới các hầm trú ẩn, tàu điện ngầm để tránh bom rơi đạn lạc.

Chia sẻ với Zing, chị Phượng Linh (Kharkiv) cho biết: “Người dân đang sống trong lo sợ, chủ yếu ở dưới tầng hầm và không dám ra ngoài. Có người vừa lên nhà chưa kịp ăn đã phải xuống vì nghe thấy tiếng nổ”.

Nhiều người Ukraine cũng phải gánh chịu thương vong do các đợt pháo kích gây ra. Tuy nhiên, Moscow phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường, khẳng định hành động của họ là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường ở các nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng.

Trước tình hình đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ban bố sắc lệnh tổng động viên, cấm nam giới 18-60 tuổi rời đất nước. Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trên thế giới.

Hưởng ứng lệnh tổng động viên của tổng thống, nhiều người Ukraine bày tỏ sẵn sàng tham gia cuộc chiến để bảo vệ quê hương. Ngày càng có nhiều tình nguyện viên tham gia Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine.

"Có gì phải sợ?", Yevgeniy Belinkyi, 19 tuổi, đang chờ nhập ngũ ở Kharkiv, cho biết. “Khi tôi ngồi không, thì tôi sợ hãi. Nhưng ở đây thì không. Ở đây, tôi biết điều gì đang xảy ra và tôi hy vọng những người thân yêu sẽ ổn”.

Người dân cũng tập trung đào hào, chồng thân cây và bao cát lên nhau để làm boongke dã chiến, thu gom chai lọ, chuẩn bị bom xăng để bảo vệ quê hương.

Cuộc chiến bước sang giai đoạn mới

Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh gặp nhiều trở ngại, do đó Nga đã chuyển sang chiến lược mới, New York Times dẫn lời các quan chức phương Tây.

Sau khi cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine tại Gomel, Belarus, không có tiến triển, Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào Kharkiv và thủ đô Kyiv vào ngày 1/3.

 Trong ảnh, một tháp truyền hình ở thủ đô Kyiv bị nổ trong đợt không kích.

Trong ảnh, một tháp truyền hình ở thủ đô Kyiv bị nổ trong đợt không kích.

Tòa thị chính ở trung tâm thành phố Kharkiv, Ukraine, bị thiệt hại nặng nề sau khi trúng tên lửa từ đợt tấn công của Nga. Các sở cảnh sát và trường đại học cũng nằm trong số địa điểm trúng đạn pháo.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/3 cho biết sẽ tấn công các mục tiêu thuộc Cơ quan Tình báo Ukraine (SBU) và trung tâm thông tin tại thủ đô Kyiv, để ngăn chặn cái mà Nga gọi là cuộc "tấn công thông tin" vào Moscow, TASS đưa tin.

Các khu vực lân cận thủ đô cũng bị tấn công, bao gồm Rusanivka, Kurenivka, Boiarka và khu vực gần Sân bay Quốc tế Kyiv, hay Zhuliany, Kyiv Independent cho biết.

Trong khi triển khai nhiều đợt không kích vào Kharkiv và Kyiv, đoàn xe quân sự dài khoảng 64 km của Nga tiếp tục tiến gần thủ đô Ukraine, theo hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies ghi nhận.

Người Ukraine tháo chạy

Trước cuộc tấn công của Nga, nhiều gia đình ở Ukraine đã phải chịu cảnh chia ly đẫm nước mắt.

Phụ nữ, trẻ em và người già di tản đến các thành phố khác hoặc vượt biên sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn. Trong khi đó, những người đàn ông ở lại để chiến đấu theo lệnh của tổng thống.

Theo tường thuật của AFP, cô Olga, 36 tuổi, cùng ba đứa con nhỏ đã vượt sông Danube để rời khỏi Ukraine và tới Romania. Hàng trăm người Ukraine cũng đã lựa chọn còn đường này để lánh nạn. “Chồng tôi đã đưa chúng tôi đến tận biên giới, trước khi trở lại Kyiv để chiến đấu”, cô Olga nói.

Khi cuộc chiến ngày càng leo thang, nhiều người Ukraine đổ dồn về biên giới với Ba Lan và các quốc gia láng giếng để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Dòng xe tị nạn khiến các con đường chật cứng, người dân phải chờ đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để rời khỏi quê hương. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 870.000 người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng phía đông châu Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary, Moldova,...

Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an đã triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 28/2, lần đầu tiên sau 40 năm.

Nhiều nước châu Âu và Mỹ thông báo đóng không phận đối với các máy bay và hãng hàng không của Nga để đáp trả cuộc tấn công vào Ukraine. Đồng thời, phương Tây cũng áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga và các nhà tài phiệt nước này.

Trong phiên họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3, đa số thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết "yêu cầu" Nga "ngay lập tức" rút khỏi Ukraine.

Thế giới lên án

Để phản đối xung đột ở Ukraine, các cuộc biểu tình kêu gọi hòa bình diễn ra trên khắp thế giới.

Hôm 2/3, nhiều người tập trung biểu tình trước trụ sở Liên Hợp Quốc tại thành phố New York (Mỹ) trong thời gian diễn ra phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11, nơi các nước sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Trước đó, ngay khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, người dân hàng loạt quốc gia trên thế giới xuống đường để biểu tình phản đối. Trong ảnh, người dân Thụy Điển, Brazil, Argentina và Hy Lạp đang biểu tình yêu cầu chấm dứt cuộc chiến.

Một số người dân Nga cũng tập trung biểu tình tại trung tâm thủ đô Moscow, nhưng nhiều người trong số đó đã bị các sĩ quan cảnh sát bắt giữ.

Khi chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, nhiều người dân nơi đây tiếp tục lo sợ về tương lai. "Khó có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi vẫn tiếp tục mơ hồ về những ngày tới. Tôi lo sợ cho tính mạng gia đình và số phận đất nước này", ông Nguyễn Tuyên nghẹn ngào.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-tuan-thay-doi-ukraine-mai-mai-post1299980.html