Một tuần hỗn loạn ở Trung Quốc trước Tết âm lịch

Trước khi mừng năm mới Đinh Dậu 2017, người Trung Quốc sẽ trải qua khoảng một tuần hỗn loạn để di chuyển, mua sắm hay về quê nhằm chuẩn bị cho dịp lễ trọng đại này.

Xét theo số liệu về nhiều mặt, lễ hội mừng năm mới của người Trung Quốc là sự kiện lớn nhất hành tinh. Người lao động ở Trung Quốc thường có 7 ngày nghỉ lễ để thăm hỏi gia đình và bạn bè, mua sắm, tham dự các lễ hội truyền thống và đốt pháo hoa.

Đó là 7 ngày thực sự hỗn loạn khi cùng lúc gần 1,4 tỷ người đều tham gia các hoạt động khác nhau trong dịp nghỉ lễ.

Đường về nhà trước Tết

Theo CNN, trong những ngày này, vé tàu Tết trên khắp Trung Quốc được bán ra với tốc độ 1.000 vé mỗi giây. Người Trung Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 100 tỷ USD để ăn uống và mua sắm chỉ trong một tuần duy nhất, gần gấp đôi số tiền chi tiêu của người Mỹ trong dịp Lễ Tạ ơn.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự kiến lễ hội năm nay sẽ còn bận rộn hơn thường lệ, với 2,2% lưu lượng giao thông tăng lên so với năm 2016.

“Người Trung Quốc chưa bao giờ sung túc và thích đi du lịch như bây giờ, cũng như chưa bao giờ có nhiều lao động nhập cư ở các thành phố lớn sống xa nhà đến thế”, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc nói.

Cảnh sát vũ trang đứng gác bên ngoài Ga Bắc Kinh, ngày 13/1 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Nhà chức trách ước đoán từ ngày 13/1 đến 21/2, các công dân Trung Quốc sẽ có 2,5 tỷ chuyến đi bằng đường bộ, 356 triệu chuyến đi bằng đường sắt, 58 triệu chuyến bay và 42 triệu chuyến hải trình.

An ninh được tăng cường tại các sân bay và nhà ga ở Bắc Kinh để tránh cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra ở các thành phố như Thượng Hải và Quảng Châu từ vài tuần trước. Các vấn đề về hậu cần đã khiến hơn nửa triệu người bị mắc kẹt bên ngoài các nhà ga.

Đài truyền hình Đức Ruptly đưa tin khoảng 400 cảnh sát vũ trang, 200 nhân viên bảo vệ đường sắt và 640 tình nguyện viên đã được điều động tới Trạm Đường sắt tây Bắc Kinh.

Trung Quốc đã tìm cách cải thiện hệ thống giao thông quá tải bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao mới. Họ đang nắm giữ mạng lưới đường sắt tốc độ cao dài nhất thế giới với chiều dài tổng cộng 20.000 km. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về giao thông vận tải trong dịp năm mới.

Với tổng chiều dài hơn 121.000 km, mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc là hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Vô số tuyến xe buýt và tàu hỏa những ngày này có thể giải quyết nhu cầu đi lại của lượng người khổng lồ một cách nhanh chóng.

Kẻ ở người đi

Với dòng người khổng lồ đổ về quê, Tết âm lịch không chỉ là một vấn đề lớn về hậu cần mà còn cho thấy Trung Quốc hiện đại đang thay đổi thế nào. Hàng nghìn sinh viên Trung Quốc lấp đầy các toa tàu cho thấy hệ thống giáo dục đại học ở nước này đã được mở rộng đáng kể trong thập kỷ qua.

Một hành khách ngồi ngủ ở Ga Bắc Kinh trong lúc đợi tàu. Ảnh: Reuters.

Trên các con đường đất thôn quê, người ta có thể bắt gặp các cô gái công sở trên đôi giày cao gót đang trở về nhà. Đây là kết quả từ cuộc di cư hàng loạt của người dân nông thôn tới các thành phố lớn để tìm kiếm các công việc được trả lương cao hơn trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc lại có cách khác để tránh khỏi mớ hỗn độn này. Nhiều người lựa chọn di chuyển bằng ôtô riêng. Số khác không ngần ngại mở hầu bao cho những chuyến du lịch nước ngoài thay vì đón Tết trong nước.

Truyền thông Trung Quốc ước tính khoảng 6 triệu người đã lựa chọn đi nghỉ ở nước ngoài trong dịp Tết âm lịch năm 2016. Chỉ tính riêng việc đặt vé online, số tiền trung bình mà mỗi người chi tiêu cho những chuyến đi như vậy là gần 1.000 USD.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mot-tuan-hon-loan-o-trung-quoc-truoc-tet-am-lich-post715126.html