Một thời hương quế bay xa

Quế Quảng Nam xưa được đánh giá là một trong những loại quế có giá trị vượt trội, thường dùng để cung tiến triều đình và xuất khẩu. Cây quế (桂) là 1 trong 17 hình ảnh được chạm khắc trên Nghị đỉnh đúc vào năm 1835.

Hình cây quế được chạm khắc trên Nghị đỉnh. Ảnh: HỒNG VIỆT

Quế Quảng Nam dưới triều Nguyễn

Có rất nhiều tư liệu ghi chép về quế ở Quảng Nam. Vào cuối thế kỷ 18, trong “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà” (1792 - 1793), J. Barrow đã có nói đến quế: “Quế chi xứ Nam Hà, mặc dù hơi thô và hương vị cay nồng nhưng người Trung Hoa vẫn thích nó hơn thứ quế Cassia…”.

Quế là 1 trong 46 thổ sản/ sản vật của Quảng Nam được liệt kê trong sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Sách này cho biết, tại Quảng Nam, quế có ở huyện Quế Sơn và huyện Hà Đông, việc trồng/ khai thác quế phải nộp thuế cho triều đình hằng năm bằng loại quế thượng hạng: “...nguồn Thu Bồn huyện Quế Sơn mỗi năm nộp một thanh quế vào hạng thượng thượng, nặng 8 lạng. Nguồn Chiên Đàn thuộc huyện Hà Đông mỗi năm phải nộp 3 thanh quế thượng hạng”.

Núi Trà/ Trà My là địa phương có nhiều quế có chất lượng vượt trội, được gọi là “cao sơn ngọc quế”. Vì vậy mà dân gian có câu “Quế Trà My thứ cay thứ ngọt/ Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh/ Phàn du, Bạch chỉ đành rành/ Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân”.

Do quế Quảng Nam là thổ sản có giá trị dược liệu và kinh tế cao nên để đảm bảo lợi ích của người trồng quế/bóc quế, triều Nguyễn đã ban nhiều lệnh cấm lấy trộm quế và những chế tài, hình thức xử phạt liên quan.

Từ những giá trị nổi trội riêng có, quế Quảng Nam được triều Nguyễn ưu tiên mua để sử dụng trong cung đình, ban tặng cho quan quân có công, quà thăm hỏi hoàng tộc hay cận thần bị ốm đau cũng như làm quà ngoại giao.

Hằng năm triều đình thường cho mua quế thượng hạng ở Quảng Nam để sử dụng. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), chuẩn y lời tâu cho Quảng Nam kiếm mua quế thượng hạng nguồn Thu Bồn, mỗi cân 3 quan 5 tiền, quế hảo hạng nguồn Chiên Đàn, mỗi cân 2 quan 5 tiền. Từ năm 1822 trở đi, triều đình đều có chỉ mua quế Quảng Nam với giá mỗi năm mỗi tăng.

Triều Nguyễn quản lý quế Quảng Nam qua việc định giá thu thuế bằng tiền hoặc bằng quế. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), “chuẩn y lời tâu có 6 nơi đầu nguồn ở hạt ấy về giá thuế năm sau, thời nguồn Thu Bồn, tiền thuế các hạng là 778 quan, trong đó về tiền thuế là 678 quan, về quế thượng thượng hạng 1 cân 8 lạng nộp thay bằng tiền là 168 quan;... nguồn Chiên Đàn tiền thuế 3.000 quan, quế thượng thượng hạng 3 cân...”.

Đến năm Thành Thái thứ 1 (1889), quế ở Quảng Nam được giao cho Nha Thương chính Đông Dương và Nha Ngoại ngạch thuế khai thác, bao thầu mua bán toàn bộ, mỗi năm đóng thuế 5 vạn đồng bạc, cứ 6 tháng thì giao một nửa số thuế.

Triều Nguyễn cũng có nhiều chính sách trong việc mua quế ở Quảng Nam như trả trước tiền, trả bằng tiền hoặc bằng thóc theo nhu cầu của hộ khai thác quế, buôn quế.

Quế xuất khẩu ra thế giới

Hội An vào thời kỳ cảng thị mậu dịch quốc tế sầm uất, quế cùng nhiều sản vật Quảng Nam trở thành nguồn hàng quan trọng được xuất khẩu. Theo GS. Nguyễn Văn Kim, dưới thời chúa Nguyễn, hàng năm cảng thị Hội An đã bán cho người nước ngoài 2.000 tấn quế các loại.

Tư liệu xã Minh Hương vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) ghi chép về việc cân quế cho trưởng tàu Tiêu Tín Mậu, trưởng tàu Lâm Thọ Hiệp vào các ngày 13, 23, 27 tháng 6 cho biết, quế xuất khẩu qua thương cảng Hội An có 5 loại với giá mua khác nhau, từ vài chục quan đến vài trăm quan.

Thuế quế phải nộp khoảng 5% giá mua. Châu bản triều Nguyễn thời vua Thành Thái cho biết, vào năm 1890 Công sứ Đà Nẵng có yết thị thu thuế buôn quế tại phố Hội An: “Vào ngày 19 tháng này (tháng 11), Công sứ trú tại Đà Nẵng có niêm yết rằng hễ ai là người làm nghề buôn bán ngọc quế tại phố Hội An thì vẫn cho phép như trước đây. Riêng, từ nay về sau phải nộp thuế như giá quế xuất khẩu”.

Tập “Hồi ký xứ Đông Dương” của Paul Doumer cho biết vào đầu thế kỷ 20, Hội An vẫn là một trung tâm xuất khẩu quế sang Quảng Châu, Hương Cảng (Trung Quốc).

“Chúng ta đang ở trên vùng đất Quảng Nam giàu có (…), tỉnh lỵ của nó là Hội An (Faifoo). Đây là một thành phố thương mại với nhiều ngôi nhà kiểu Trung Hoa, và là một trung tâm xuất khẩu quế, do người Mọi (Thượng) bóc được trên các vùng núi cao của Lào và Trung Kỳ. Quế được vận chuyển trực tiếp từ Hội An sang Quảng Châu bằng những thuyền mành lớn hoặc trên những chiếc thuyền tam bản được phái đến Đà Nẵng”.

Văn bia tại các di tích tín ngưỡng ở Hội An có niên đại từ năm 1848 đến 1936 cho biết có khoảng 332 hiệu buôn cúng tiền để tu bổ sửa chữa di tích. Trong 57 hiệu buôn thổ sản được thống kê, có 1 hiệu buôn chuyên về buôn quế là Lâm Huy Ký. Không ít tộc họ người Hoa ở Hội An như tộc La, tộc Lâm,… đã lên Trà My để thu mua nhục/ngọc quế xuất khẩu qua Trung Quốc.

Thổ sản nói chung, quế nói riêng được thương nhân Hội An mua về sơ chế, đóng kiện xuất khẩu. Nguyễn Bội Liên trong bài “Chuyện trăm năm cũ, Hội An” mô tả chừng 1 thế kỷ trước đây “Từ ngã ngang chùa Bà đi lên, các nhà của Hoa thương đều là kho hàng (gọi là tào khâu) nào quất, cau, chè, đường từ Quảng Ngãi ra hoặc từ Tam Kỳ, Trà My, Tiên Phước đến. Phu khuân vác lên đi vào cửa ngõ, một Hoa Kiều bụng phệ mặc may ô (maillot) ngồi ngang ngõ tay cầm một bó thẻ, miệng ngậm điếu dài, cứ mỗi vác hàng đi qua thì trao 1 thẻ.

Dọc bờ lề các bao hàng, bó quế chi, giỏ cau khô nằm phơi nắng và thỉnh thoảng được lật qua đủ mặt hay (...). Quế chia từng bó rất đều gọn và bó chặt với hai vòng lạt, cau vô giỏ rất kỹ (...). Do những “tào khâu” ấy mà những nhà phía nam đường Nguyễn Thái Học ngày nay, ngày xưa người Hoa thường gọi đó là “Quế Trang” (xóm quế) vì ở sát bờ sông mặt xây về nam là nơi làm kho hàng, mặt xây về Bắc ra đường Quảng Đông (Rue des Cantonnais) là cửa hàng buôn bán”.

Quế được các ghe vợi chở ra Đà Nẵng cho các hiệu xuất cảng hoặc chở thẳng ra tàu đậu ở Vũng Thùng.

Với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, Quảng Nam trở thành vùng đất giàu có về sản vật mà trong đó có nhiều thứ được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Quế là loại thổ sản có giá trị cao, nhà nước quản lý thông qua việc ưu tiên thu mua để dùng việc công, quy định thuế khai thác, mua bán,...

Các thương nhân, đặc biệt là Hoa thương cũng đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước, đem lại lợi nhuận lớn. Quế đã trở thành mặt hàng dự nhập mạnh mẽ mạng lưới thương mại trong và ngoài nước, không chỉ tạo sự kết nối giao thương giữa miền ngược, miền xuôi ở Quảng Nam mà còn giữa Quảng Nam với thế giới qua thương cảng Hội An.

HỒNG VIỆT

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/mot-thoi-huong-que-bay-xa-153938.html