Một thời điệp viên 'nhí'

Tôi gặp các chị cùng với đoàn từ Hà Nội vào tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Văn phòng Khu ủy Khu 5 mới đây. Các chị là những nữ điệp viên 'nhí' của Bộ Công an tăng cường cho chiến trường Khu 5 sau Mậu Thân 1968.

Các chị Kim Oanh, Nguyễn Thị Minh (thứ ba, thứ tư từ phải qua) với đồng đội tại lễ đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Văn phòng khu ủy Khu 5. Ảnh: H.V

Một trang đời sôi động

Rất nhiều người của Văn phòng dẫu gần 45 năm mới gặp lại vẫn nhận ra hai chị Nguyễn Thị Minh và Kim Oanh. Tay bắt mặt mừng, giọng Hà Nội mềm mại hòa với tiếng Quảng chân chất đủ để niềm xúc động dâng trào. Một trời ký ức ùa về, đưa các cô gái Hà Nội trở lại với tuổi thơ khốc liệt năm nào.

Năm 1966, sau khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam và có khả năng liều lĩnh ra miền Bắc, với chiến lược đấu tranh lâu dài, Bộ Công an tổ chức đào tạo lớp trinh sát đặc biệt nhằm phục vụ hoạt động nội thành. Đang học lớp 7 (tuổi từ 13 - 15), các cô bé Hà Nội được chọn đi học lớp trinh sát đặc biệt. Trường mang biệt danh “trường Y” nhưng thực tế lúc ấy chỉ có 60 người được đào tạo để trở thành điệp viên. Tất cả bài học từ kỹ năng hoạt động quán bar, nhà hàng đến bơi lội, đào hầm bí mật, bắn súng, ném lựu đạn, họ đều được huấn luyện thành thục. Đang tuổi vô lo, nũng nịu với bố mẹ, các cô gái phải trải qua các đêm huấn luyện vượt sông Hồng, chiến thắng nỗi ám ảnh sợ ma của thời thơ ấu. Sau hai năm ở “trường Y” ngay giữa lòng thủ đô, mà gia đình cứ ngỡ con của mình đi học Liên Xô, các điệp viên nhí như những con chim sổ lồng. Thay vì hoạt động ở miền Bắc như ý định đào tạo ban đầu, đa số các cô được chi viện cho miền Nam. Các cô gái Nguyễn Thị Minh, Kim Oanh, Thùy Vinh, Minh Hồng được đồng chí Trương Công Thuận - Phó Bí thư Khu ủy 5 lúc này đang ở Hà Nội tiếp nhận, vượt Trường Sơn để vào chiến trường. Một trang đời sôi động mở ra với các thiếu nữ Hà thành.

Đây là thư của chị Minh Hồng đêm 30 Tết năm 1974 viết cho ba mẹ mình: “Đã 7 cái tết rồi, con không được ăn tết ở gia đình, quê hương. Chắc ba mẹ sẽ nhắc đến đứa con gái bé bỏng thương yêu không biết mấy lần rồi, nhất là mỗi khi ngồi vào mâm cơm hay nghe tiếng pháo đón xuân ngoài đường phố. Con nhớ quá. Và chính hôm nay đây khi đón giao thừa mà mắt con vẫn nhòa đi vì một cái gì đang trào lên trong lòng con. Ở đây, bình minh mọc và hoàng hôn tắt, cái màu xanh của núi rừng vẫn là màu duy nhất trong tầm mắt của con...”. Và thư này chị Hồng viết cho chị gái: “Chị ơi, em chẳng nghĩ hành trình dài dằng dặc xa lâu đến thế. Thật ra lúc đó chỉ biết vui thôi. Nỗi vui của một cô bé được ra chiến trường giữa mùa xuân. Em đã đến được với lý tưởng cao cả của mình và bây giờ đang chứng kiến những ngày chuẩn bị cho cuộc ngừng chiến ở Việt Nam. Em chẳng có gì phải lo nghĩ hết dù quanh em là một cuộc sống đầy gian lao thử thách có thể đe dọa cả tính mạng”.

Có một nơi luôn hướng về

Ông Nguyễn Quang Nga, nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Khu 5, người thường dành thời gian đón đồng đội khi các chị vào Đà Nẵng dự các lễ kỷ niệm, kể: “Các cô gái Hà Nội như những bông hoa giữa núi rừng, nhưng không hề ủy mị mà mạnh mẽ như bất cứ chiến binh nào. Vóc dáng gầy yếu mà cô Minh, cô Oanh phải cõng máy điện đàm, lương thực, tư trang có sức nặng hơn cả bản thân mình theo chân các bác Võ Chí Công, Trương Công Thuận đi khắp khu 5. Mấy lần hứng đạn bom. Cô Thùy Vinh, Minh Hồng bên An ninh Quảng Đà cũng vất vả không kém. Có khi bị sốt rét mê man đến mấy ngày, tưởng chừng không sống nổi. Vậy mà may mắn tất cả đều bình yên đến ngày giải phóng”.

Chị Nguyễn Thị Minh nói: “Chúng tôi được đào tạo để trở thành điệp viên hoạt động trong thành phố nhưng khi về chiến khu là thích nghi ngay với công việc báo vụ, cõng gạo, củi, tăng gia sản xuất... Nhiều lần suýt chết khi qua sông, may mà nhờ biết bơi giỏi khi được huấn luyện ở trường. Có khi 3 tháng liền không có hạt cơm, chỉ ăn củ, rau rừng. Một lần chúng tôi đói quá, xin được nắm gạo thế là hì hục nấu. Chín rồi không thể ăn được bởi vì quá nhiều cát. Dở cười, dở khóc. Lại có đêm mò xuống nhà bếp ăn trộm cơm, dù chỉ là cục cơm cháy. Nhưng thư về gia đình năm ấy, chúng tôi không muốn người thân phải lo lắng: “Con ăn tết ở đây tuy không bằng được ở nhà. Nhưng vẫn rất thoải mái. Về vật chất có thịt lợn, bánh chưng, kẹo trà, thuốc. Về tinh thần cũng tương đối đầy đủ. Đơn vị ăn tết 3 ngày. Và đêm nay cũng đón giao thừa rất long trọng…”

Sau giải phóng, 4 cô gái Hà Nội ngày ấy về lại miền Bắc tiếp tục công tác trong ngành công an. Có người học bài bản ở đại học an ninh, có người chỉ bổ túc nghiệp vụ, giữ những chức vụ khiêm tốn. Một thời hoa lửa tạm nằm im nhường chỗ cho bao việc chồng chất ở cơ quan và thiên chức làm vợ, làm mẹ. Không nhiều người biết các chị từng ở chiến trường. Chất khu 5 khảng khái có lẽ ăn vào máu thịt mà các nữ chiến binh chẳng đòi hỏi cấp trên có sự ưu tiên nào trong bổ nhiệm hay nhà cửa hoặc đãi ngộ nào khác. Có lẽ vậy mà suốt 12 năm, chị Minh đeo quân hàm thượng tá và chỉ làm đến Đội phó Đội An ninh trật tự quận Đống Đa. Chị Kim Oanh, 44 tuổi đã rời ngành sớm với quân hàm thiếu tá. Mãi đến khi nghỉ hưu, tổ chức mới lục lại hồ sơ, cộng năm công tác cho các chị từ thời học lớp trinh sát. Khi hỏi vì sao gắn bó với các bác lãnh đạo Khu ủy nhiều năm, sau này họ đều giữ cương vị lớn của đất nước, ra Hà Nội lại không đến nhờ “nâng đỡ”, các chị đều cho rằng, không bao giờ có ý nghĩ ấy. Các bác làm lớn, càng nhiều việc phải lo cho nước cho dân, lo cho bao nhiêu trường hợp còn thiệt thòi hơn mình.

Hoàn cảnh chưa hết khó khăn, nhưng các điệp viên nhí ngày nào vẫn tranh thủ mọi dịp vào chiến trường xưa. So với các thế hệ ở chiến khu, họ vẫn là em út được các anh chị dành nhiều tình cảm yêu thương. Họ tự hào về những năm tháng kháng chiến và biết ơn tấm chân tình của người xứ Quảng. “Khu ủy 5 mãi mãi trong trái tim và chúng tôi sẽ luôn trở về ”- chị Kim Oanh đã nói như vậy trong vòng tay đồng đội.

HỒNG VÂN

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/viet-ve-de-tai-chien-tranh-cach-mang/201907/mot-thoi-diep-vien-nhi-865530/