Một thoáng Tam Giác Vàng

Tam Giác Vàng cái doi đất huyền thoại, nơi có ngã ba sông Mê Kông và Sop Ruak là biên giới ba quốc gia Lào, Thái Lan, Myamar từng một thời nổi tiếng với những câu chuyện kinh hoàng về ma túy, thuốc phiện. Nhưng giờ đây, khi thời 'hoàng kim' của nền 'công nghiệp ma túy' với những 'công xưởng vàng đen', những cuộc chiến 'khét lẹt'… đang lùi xa về quá khứ, địa danh này là nơi thu hút du khách thích trải nghiệm với cảm giác độc, lạ…

Tác giả bên dòng sông Mê Kông.

1. Dù đã mặc áo phao, du khách vẫn thấy chờn chợn khi ngồi sau tay lái ghe rất chuyên nghiệp của người Lào hay người Thái Lan, tùy chuyến, để quá cảnh. Giữa dòng Mê Kông mênh mông, cuồn cuộn phù sa, chiếc ghe sắt trở nên quá đỗi nhỏ nhoi, cứ chao lượn chả khác gì con cá đang lao mình trên mặt sóng.

Người bạn tôi cho hay, cách đây hơn 20 năm, nếu ngồi thuyền trên khúc sông này, thả mẩu bánh mỳ xuống thì ngay lập tức sẽ có một đàn cá lao theo, tự nhiên và dạn dĩ. Câu chuyện đó khiến tôi hình dung về một thời được mô tả “vạch cá để tìm nước” ở Đồng bằng sông Cửu Long thuở trước. Tuy có thể được phóng đại ít nhiều, song phải thừa nhận một sự thật rằng, trước khi lao mình ra chín cửa, Mê Kong với nguồn phù sa dâng trào cùng cơ man nào cá, tôm, nguồn lợi thủy sản khác… đã là phần quan trọng cho sự sống, sự phát triển của cả vùng hạ lưu rộng lớn nói chung và Lục tỉnh Nam kỳ Việt Nam nói riêng.

Tam Giác Vàng là khu vực có sự giao cắt giữa dòng Mê Kông hùng vĩ và nhánh sông Sop Ruak tạo nên ngã 3 thủy biên giới Myanmar - Thái Lan - Lào. Thế kỷ trước, khu vực này nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà còn tính trên bình diện toàn thế giới vì gắn liền với những giai thoại về thuốc phiện, ma túy…Người ta ước tính, ở thời “hoàng kim”, Tam Giác Vàng cung cấp tới hơn 70% lượng ma túy của nhân loại.

“Vùng đất chết chóc” thời đó gây ám ảnh bởi những “công xưởng vàng đen”, những cỗ xe, chuyến tàu thủy lặc lè chở thuốc phiện, những nương đồi nơi các “ ả phù dung” khoe màu hoặc tím, hoặc trắng, hoặc hoàng yến lộng lẫy, cùng hàng đoàn chiến binh “nhóc” dữ dằn được trang bị cả tên lửa phòng không vác vai và súng chống tăng từng khiến lực lượng chức năng của các nước lân cận phải đau đầu.

Phải mãi đến năm 1996, Khun Sa- “ông vua không ngai” của Tam Giác Vàng cúi đầu quy thuận, “cởi giáp quy hàng” thì vùng đất này mới được yên bình. Và cũng từ đó Tam Giác Vàng trở thành điểm đến của rất nhiều khách du lịch đến từ khắp các quốc gia, châu lục. Giờ, ngay cả khi gió Lào cùng cái nắng rát lửa, cháy mặt sông thì cũng không ngăn được bước chân và ánh mắt háo hức của từng đoàn du khách thập phương đến nơi này.

Sở dĩ du khách chọn Tam Giác Vàng là điểm tham quan, du lịch là một phần họ bị mê hoặc bởi những câu chuyện như trong tiểu thuyết trinh thám liên quan đến “kinh đô của thuốc phiện” một thời, một phần vì đam mê, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá. Và tôi, một trong số những tín đồ phiêu lưu cũng không là ngoại lệ, dù để được thỏa mãn đam mê đó, chúng tôi đã phải trải qua “hành trình vạn dặm”, từ Thủ đô Hà Nội, ngược Điện Biên, rồi cắt ngang nước Lào về phía Bắc, theo đường rừng núi hiểm trở với hàng nghìn khúc cua mà xuyên qua, rồi xuyên qua nhiều biên giới...

Ngã ba dòng Mê Kong và sông Sop Ruakv.

2. Phía bờ Đông dòng Mê Kông, suốt dọc dài nhiều kilomet, các chòm xóm của người Lào đều toát lên vẻ thanh bình vô hạn độ. Cuộc sống của người dân ở đây diễn ra thật nhẹ nhàng, chầm chậm.

Ở trong những xóm bản hay phố xá đó, những người phụ nữ Lào luôn chỉn chu, gọn gàng trong trang phục truyền thống Lào Sinh hay phaa sin. Và dù là đàn ông hay đàn bà thì họ đều nhẹ nhàng, thân thiện và hiếu khách. Ngay cả những Việt kiều, dẫu quê hương bản quán là Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An hay Cao Bằng, Bắc Kạn... với những lý do riêng đã có mặt nơi đây làm ăn sinh sống thì họ cũng hết sức chân thành, niềm nở, nhất là khi gặp được “đồng hương” từ Việt Nam sang.

Trân quý hơn là những cựu lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Họ đã gắn bó thời thanh niên sôi nổi trên giảng đường đại học ở Việt Nam để rồi giờ đây cống hiến xây dựng đất nước triệu voi. Có những người còn kịp mang được “một nửa” của mình về quê hương để rồi con cái họ mang hai dòng máu Việt- Lào anh em…

Ở nơi ấy, mỗi sáng những người phụ nữ chuẩn bị ẩm thực để chờ đón, cung tiến cho những nhà sư khất thực. Những nhà sư đó, nhiều người còn ở độ tuổi mới lớn cũng “áo vải chân trần” lặng lẽ ôm âu, bát đi dọc các con đường. Đây cũng là một cách để họ tu luyện, tích phúc cho cuộc đời về sau…

Ở đó, đường sá khá thưa thớt, thậm chí khá vắng vẻ làm cho du khách Việt lần đầu ghé thăm không khỏi ngạc nhiên, thích thú, để rồi liên tưởng đến những “phố vắng” hiếm hoi của buổi sáng mồng một Tết hay trong một kỳ nghỉ dài trên phố phường Hà Nội…

Ở nơi ấy, những chiếc xe đủ loại chạy âm thầm trên phố và hầu như không nghe thấy tiếng còi bao giờ. Trên cả đoạn đường dài hàng nghìn km mà tôi đi qua, hiếm thấy xe biển số Lào vượt nhau và luôn nhường đường mỗi khi giao cắt...

Có thể nói, ở những chòm bản của người Lào, thiên nhiên có phần hà khắc với họ khiến kinh tế cũng còn ở mức khá khiêm tốn…, nhưng nét đẹp truyền thống thì luôn được gìn giữ như báu vật.

Đối diện, ở bờ Tây dòng Mê Kông, mọi thứ có vẻ như một thái cực ngược lại. Ngược không chỉ tay lái trên những chiếc xe 4 bánh trở lên (ô tô ở Thái Lan tay lái thuận - PV) … mà hầu như là tất cả. Có lẽ thiên nhiên cũng ưu đãi hơn khi ban cho người dân xứ sở chùa Vàng màu xanh cây trái bạt ngàn, nhiều sản vật chất lượng cao.

Những khu vực trung tâm của xứ sở chùa Vàng thường rất đông đúc, náo nhiệt và lúc nào cũng sôi động như thể cái nắng chang chang quanh năm chẳng hề hấn gì. Ẩm thực Thái Lan được yêu mến trên khắp thế giới, thể hiện các khía cạnh cơ bản của nền văn hóa Thái Lan: Rộng lượng, ấm áp, cởi mở và mang nhiều sắc thái, tươi mới, thư giãn. Chả thế mà xứ sở chùa Vàng được du khách dành tặng cho không ít mỹ từ như “xứ sở của những nụ cười thân thiện”, “thiên đường du lịch” và “thiên đường mua sắm”…

Cùng bên bờ Tây dòng Mê Kông nhưng chếch lên phía Bắc và sát cạnh, có chung đường biên giới dài gần 1800 km với Thái Lan là Myanmar. Với những ngôi chùa cổ kính, những con sông dài và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, một phần địa danh Tam Giác Vàng thuộc Myanmar là một điểm đến thú vị cho những người muốn khám phá những vùng đất mới...

Ngoài những câu chuyện liên quan đến ma túy với những cuộc chiến “khét lẹt” từng xảy ra trước đây, hiện tại du khách không biết gì hơn vì chưa được phép đặt chân đến mảnh đất này bởi lý do an ninh.

Ở trên bờ là vậy, những quốc gia “hàng xóm” của dân tộc Việt thì “mỗi nơi, mỗi vẻ”. Nhưng dưới dòng Mê Kông - nguồn sống của nhiều thế hệ, trong đó có rất đông đồng bào của tôi ở phía hạ lưu thì lại chỉ duy “một vẻ”: bao dung và nhiệt huyết để rồi ngày đêm miệt mài chở nặng phù sa về hạ lưu, không quên mang theo cá tôm cùng những nguồn lợi thủy sản, làm đẹp cho đời.

3. Sẽ là thiếu sót và thật đáng tiếc nếu ghé Tam Giác Vàng mà không đến tham quan Hall of Opium Museum (Bảo tàng ma túy). Bảo tàng được xây dựng nhằm cung cấp một cái nhìn về một thời kỳ đen tối trong lịch sử về việc buôn bán thuốc phiện trong quá khứ cũng như cách mà thuốc phiện đã hủy hoại cuộc đời của người nghiện thuốc phiện.

Nơi đặt bảo tàng ma túy cách những khu vực từng trồng hàng triệu cây hoa anh túc trong thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp thuốc phiện tại Thái Lan không xa. Cách đây nhiều thập kỷ, những cánh đồng cây hoa anh túc đã bị xóa bỏ và trở thành những đồi chè.

Năm 1994, với kinh phí ban đầu khoảng 1 triệu USD, phía Thái Lan xúc tiến hình thành Bảo tàng ma túy tại khu vực Chiêng Sẻn, trong khu vực Tam Giác Vàng. Đến cuối năm 2003, Bảo tàng bắt đầu đón du khách tới tham quan với khoảng 17.000 hiện vật phản ánh lịch sử, cùng các tác động chính trị, kinh tế, xã hội liên quan mật thiết đến ma túy, thuốc phiện.

Một trong số 17.000 biểu tượng, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng ma túy.

Bảo tàng được bố cục phân cắt thành 2 tòa nhà 3 tầng và có lẽ đó chính là điểm độc đáo của nó. Nhìn từ bên ngoài, hai tòa nhà này có vẻ chẳng liên hệ tới nhau bởi mỗi tòa nằm biệt lập trên một sườn đồi, nhưng kết nối bên trong hai tòa nhà là một đường hầm ngầm dài 137m xuyên qua lòng quả đồi.

Đường hầm được thiết kế cầu kỳ giúp cho du khách cảm nhận sắc độ tâm lý trái ngược khi dùng chất ma túy: Mất thăng bằng, rơi vào u mê, say mê và hoảng loạn… Cùng với đó là những bức phù điêu khắc họa trạng thái của con nghiện dọc theo đường hầm.

Để giúp cho du khách có trải nghiệm sâu, bảo tàng còn bố trí một phòng chiếu những thước phim giới thiệu cô đọng những vấn đề liên quan đến việc phát hiện công dụng chữa bệnh của cây anh túc, cuộc chiến tranh giành ma túy, cuộc chiến chống lại những băng đảng ma túy…

Giữa hai tòa, trên đường sàn nhà là hình tam giác bằng kính màu vàng cam với hiệu ứng ảo giác bằng đèn chiếu báo hiệu du khách đã chạm chân tới “Vương quốc ma túy” với một hình tam giác có ánh sáng vàng.

Bảo tàng được trưng bày theo nhóm chủ điểm với khởi đầu là phần khái quát về cây thuốc phiện, tiếp theo, bánh xe thời gian quay ngược, hồi tưởng thời điểm ghi nhận xuất hiện cây thuốc phiện ở vùng Địa Trung Hải ước chừng hơn 5.000 năm trước. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, thuốc phiện lan tới khu vực Thụy Sĩ.

Phần trưng bày với diện tích khá lớn bố trí dưới dạng mô hình tàu buôn của người Anh đưa thuốc phiện tới Ấn Độ, Trung Quốc; mô phỏng lại diễn biến lắt léo của hành trình của thuốc phiện ở Trung Quốc giai đoạn thế kỷ XIX với cao trào là Chiến tranh thuốc phiện Trung Quốc - Anh (1839-1842).

Ngoài ra, bảo tàng còn dành phần riêng mô phỏng quá trình thuốc phiện xuất hiện tại Thái Lan đầu thế kỷ XX, khi đó thuốc phiện từng là nguồn thuế đóng góp đáng kể cho nguồn thu của chính phủ Thái. Cùng với đó là những hình ảnh của hoa anh túc, hình ảnh khắc họa trạng thái của người nghiện ma túy, thuốc phiện một cách chi tiết: Tư thế hút thuốc phiện; sự hủy hoại của thuốc phiện, những tội ác giã man từ thuốc phiện…

Thời kỳ đen tối về việc buôn bán thuốc phiện trong quá khứ đã qua từ lâu nhưng cái cách mà người Thái làm khi xây dựng bảo tàng này cũng đáng để tham khảo, học hỏi khi mà đâu đó vẫn còn ma túy, còn những thảm cảnh do “cái chết trắng” gây ra.

Địa danh Tam Giác Vàng, Bảo tàng ma túy… sẽ trường tồn cùng thời gian như chứng tích về một thời đau thương, lầm lạc. Và sự tồn tại của nó cũng như một lời cảnh tỉnh cho các thế hệ mai sau, để tránh những “vết xe đổ”, biết giữ mình trước “ả phù dung”…

Trở về, hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến khi nhập cảnh qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) là những chú chó nghiệp vụ được các lực lượng Biên phòng và Hải quan sử dụng để phát hiện ma túy. Đây chỉ là một trong hàng nghìn biện pháp được sử dụng trong công cuộc phòng, chống ma túy ở Việt Nam.

Cuộc chiến chống ma túy, nói không với ma túy luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, có nhiều quyết sách lớn. Nhiều hình thức tuyên truyền rất đa dạng, phong phú về tác hại của ma túy đã được triển khai thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là thanh thiếu niên.

Cùng với đó là những chương trình cai nghiện, các biện pháp giúp cho những người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng và cũng nhiều hình phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với tội phạm ma túy…

Tất cả đều hướng đến mục tiêu “Một Việt Nam không ma túy” hay “Vì một cộng đồng sạch ma túy” được nêu ra trong Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 01- 30/6/2023.

Ghi chép của Bùi Xuân Thao

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mot-thoang-tam-giac-vang-382340.html