Một thoáng lịch sử, văn hóa xứ Thanh nhìn từ di tích

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất, có ý nghĩa về mặt lịch sử - văn hóa. Có thể nói, di tích chứa đựng lịch sử còn 'sống' cho các thế hệ sau, tạo ra một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, từ đó giúp chúng ta hình dung tương lai.

Đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ, huyện Yên Định.

Trong một nền lịch sử chung, Thanh Hóa thời tiền sử và sơ sử hầu như chỉ được nhận biết thông qua các di tích khảo cổ học. Những quyển thông sử Việt Nam hiện tại đều bắt đầu bằng di tích Núi Đọ và gần giống với nó là Núi Nuông, Núi Quan Yên cũng đều ở Thanh Hóa. Đồng thời, thông qua các di tích khảo cổ khai quật được đến ngày nay (tiêu biểu như Mái Đá Điều - Hang Con Moong, Đa Bút – Cồn Cổ Ngựa, Cồn Chân Tiên – Hoa Lộc, Đông Khối – Quỳ Chữ, các di tích của văn hóa Đông Sơn...) còn cho thấy sự phát triển liên tục, tính độc đáo và tính tiến bộ trong tiến trình phát triển văn hóa thời tiền sử và sơ sử ở Thanh Hóa.

Thời Bắc thuộc, hiện mới chỉ thấy những ghi chép về Việt Nam trong sử sách của Trung Hoa. Những kiến trúc dân tộc còn lại đến nay không mấy đáng kể ngoài dấu vết một số thành quân sự (La Thành...). Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn đề niên hiệu Tùy Đại Nghiệp thứ 14 (618) ở Đông Sơn, Thanh Hóa (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tuy không hẳn là tấm bia cổ nhất được phát hiện, nhưng những thông tin lịch sử, văn hóa chứa đựng trong đó có lẽ phong phú và có giá trị nhất trong số rất ít bia có niên đại trước thế kỷ X ở Việt Nam. Nội dung, hình thức tấm bia bổ sung nhiều cứ liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Cửu Chân cũng như lịch sử Việt Nam thế kỷ VI – VII mà trước nay các bộ sử quan phương khác không mấy nhắc đến. Đồng thời đó cũng là một minh chứng về sức sống mãnh liệt của dân tộc trong cả ngàn năm Bắc thuộc.

Từ thế kỷ X, việc xây dựng hệ thống thiết chế xã hội Đại Việt trên tinh thần tự chủ và hào khí dân tộc được chú trọng. Nhưng vùng đất Thanh Hóa lúc bấy giờ cũng mới chỉ lệ thuộc vào triều đình dưới dạng kimi(*), trong khi lại có vị trí phòng vệ chiến lược quan trọng đối với Thăng Long. Chính vì vậy, Lý Thường Kiệt – vị quan đầu triều đã được cử đi trấn giữ tại Thanh Hóa trong 19 năm (1082 - 1101). Nhiều di tích được xây dựng trong thời gian này như một sự khẳng định, củng cố “sức mạnh chính trị” của triều đình: chùa Minh Tịnh (Hoằng Hóa), chùa Báo Ân (TP Thanh Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa), chùa Linh Xứng (Hà Trung). Ngày nay, kiến trúc cũ của các chùa trên đã bị hủy hoại, tuy nhiên, qua các di vật còn lại có thể thấy nhiều khía cạnh về sự phát triển của Phật giáo và mỹ thuật Thanh Hóa thời kỳ này.

Sang thời Trần, ở Thanh Hóa xuất hiện thêm nhiều chùa mới như chùa Hưng Phúc (Quảng Xương), Du Anh (Vĩnh Lộc), Hoa Long (Vĩnh Lộc), Vân Lỗi (Nga Sơn), Cam Lộ (Hậu Lộc)... Điều đáng lưu ý là, việc xây dựng chùa thời kỳ này có sự khuyến khích của nhà vua hoặc của nhân vật thay mặt triều đình coi quản Thanh Hóa: chùa Hương Nghiêm gắn với Lý Thái Tông, chùa Báo Ân, chùa Linh Xứng gắn với Lý Thường Kiệt, chùa Sùng Nghiêm gắn với Lý Nhân Tông, chùa Hưng Phúc gắn với Lê Mạnh và công cuộc chống giặc Nguyên ở hương Yên Duyên (Quảng Xương)... Điều này càng khẳng định thêm vị thế của vùng đất xứ Thanh và đồng thời phản ánh rõ thêm sự cố gắng của triều đình trong việc thống nhất các cộng đồng dân cư, mở rộng sự chi phối của triều đình tới các vùng đất xa xôi.

Sự xuất hiện của tòa thành đá vĩ đại – Thành Nhà Hồ trên đất Thanh Hóa không chỉ chứng minh thêm vị thế của xứ Thanh, sự tài hoa sáng tạo của Nhân dân mà còn cho thấy sự chuyển mình của lịch sử, khi nhà Trần đã chuẩn bị kết thúc vai trò lịch sử và nhân vật Hồ Quý Ly nổi lên trên bối cảnh lịch sử Việt Nam, xây dựng tòa thành đá kỳ vĩ chỉ trong 3 tháng khi chưa làm vua.

Tới thế kỷ thứ XV, hệ thống di tích thời Lê sơ ở xứ Thanh trở nên tiêu biểu với hệ thống cung điện và lăng mộ ở Lam Kinh. Hệ thống lăng mộ của vua cùng hoàng hậu đã mang tính điển hình của phong cách và phong tục đương thời. Cũng ở khu vực Lam Kinh, chỉ với một vài “mảnh vỡ” của hội Xuân Phả cổ truyền còn sót lại đến ngày nay, chúng ta như thấy lại sự huy hoàng của triều đại Lê Sơ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh. Các trò Hoa Lang (Hà Lan), Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao, Ngô quốc, Xiêm Thành (Chiêm Thành) chính là thông điệp về sự giao hảo và vị thế của quốc gia Đại Việt với các nước trong khu vực thời bấy giờ khiến cho “lân bang ngũ quốc đồ tiến cống”.

Tại chùa Mật Sơn (TP Thanh Hóa) hiện vẫn còn tượng vua Lê Thần tông và các hoàng hậu, phi tần, trong đó một tượng phi tần có dáng vẻ đặc biệt: vóc người đẫy đà, trang phục lộng lẫy, mặt phương phi, sống mũi thẳng gồ cao trên khuôn mặt giống đặc điểm của người phương Tây. Tư liệu lịch sử cho biết, trong số những người vợ của Lê Thần tông một người An Nam, một người Trung Hoa, một người Ba Thục, một người Xiêm, một người Hà Lan và một người Mường. Phải chăng đó là kết quả của mối giao hảo của nhà Lê - Trịnh với nước ngoài, là sự dàn xếp hòa thuận với các tù trưởng thiểu số vùng biên viễn đã được ghi lại dấu ấn trong di tích?.

Thế kỷ XVI – XVIII, xứ Thanh là vùng đất thang mộc của vua, chúa, nên số lượng các quận công, quan tướng triều đình khá đông đảo. Khi công trạng đã viên mãn, họ thường xây dựng lăng mộ, đền thờ ở quê hương nhằm báo hiếu tổ tiên và cũng là vinh danh cho chính họ. Chính vì vậy, thời kỳ này, ở Thanh Hóa xuất hiện khá nhiều đền thờ, lăng mộ của tư nhân với quy mô khá lớn như: đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Đông Sơn), lăng Lê Thì Hiến (Triệu Sơn), đền Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Xương), lăng Hai Út (Triệu Sơn), lăng Lê Đình Châu (thị xã Nghi Sơn), lăng Mãn Quận công (TP Thanh Hóa)... Các công trình trên có phong cách nghệ thuật đặc sắc, vừa thể hiện được uy quyền của một tầng lớp quan lại được trọng dụng, lại vừa ẩn chứa những tư tưởng sâu xa mang tính trí tuệ dân dã.

Sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế thương mại thời kỳ này cũng được biểu hiện qua di tích. Ở Từ chỉ họ Đặng (Quế Võ - Bắc Ninh), có bộ ngưỡng cửa, nhang án linh thú đều bằng đá, được chạm khá tinh xảo (niên đại 1675), có thể là “chị em sinh đôi” và cùng một hiệp thợ thi công với ngưỡng cửa, nhang án, linh thú lăng Trịnh Thị Ngọc Lung (Thọ Xuân - Thanh Hóa, niên đại 1688). Sinh từ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh ở Đông Hưng, Thái Bình (niên đại 1772) có số tượng chầu và phong cách tạc tượng khá gần gũi với lăng Mãn Quận công (An Hoạch, TP Thanh Hóa, niên đại 1782). Gia phả của dòng họ Phạm ở làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cũng xác nhận việc chở tượng võ sĩ, tượng ngựa, voi với vật thiêng, bia đá từ vùng Thanh Hóa chở ra xây lắp lăng mộ, chính là khu lăng mộ của họ Phạm ở Đông Hưng ngày nay. Khi xâu chuỗi các hiện tượng trên trong một lát cắt đồng đại cho phép chúng ta khẳng định chắc chắn thôn, làng, xã Việt Nam không hoàn toàn đóng kín mà đã sớm hình thành các mối liên hệ liên làng và siêu làng.

Từ thời Nguyễn, việc ghi chép lịch sử đã đầy đủ hơn với những bộ sử đồ sộ, đến ngày nay vẫn là tư liệu quý giá. Phần lớn đình, đền, chùa và các di vật còn lại trên đất Thanh Hóa là từ thời Nguyễn. Do sự phong phú của vấn đề, chúng tôi xin bàn đến trong một bài viết khác.

Những dẫn dụ chưa đầy đủ nêu trên chưa thể khái quát hết mọi vấn đề lịch sử, văn hóa của xứ Thanh còn ẩn chứa trong di tích. Chỉ từ vài nét thoáng qua đã như thấy lịch sử, văn hóa xứ Thanh cũng như lịch sử, văn hóa của toàn dân tộc thường mênh mông hơn nhận thức của chúng ta một thời trước đây khi chưa dựa trên những phương pháp mới, những tư liệu mới, rất cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu ở tương lai.

[*] Chính sách của triều đình nhằm ràng buộc lỏng lẻo các vùng đất biên viễn.

Bài và ảnh: Thảo Lê (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/mot-thoang-lich-su-van-hoa-xu-thanh-nhin-tu-di-tich/208212.htm