Một số vấn đề về quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Theo tài liệu cũ thời Mỹ-Ngụy để lại, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất được quy hoạch với diện tích gần 2.500ha, nhưng hiện tại theo danh giới quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thì diện tích của cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất khoảng 1.500ha. Với diện tích này, có thể thấy cảng hàng không này có diện tích tương đương với các cảng hàng không quốc tế trên thế giới.

Tuy nhiên, đất đai của cảng hàng không Tân Sơn Nhất được sử dụng chung giữa quân sự và dân dụng, thực tế cảng hàng không dân dụng chỉ sử dụng 574,16ha. Như vậy, còn gần 1.000ha đất của cảng hiện đang sử dụng làm gì, có phải số đất còn lại sử dụng cho mục đích quân sự không? Đây là bài toán cần có lời giải đáp một cách nghiêm túc, nếu không chỉ một thời gian ngắn nữa sân golf phát triển, một số công trình dịch vụ, biệt thự nhà vườn tiếp tục mọc lên thì chắc chắn Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tình trạng như Sân bay Gia Lâm hiện nay.

Đặt vấn đề xây dựng Sân bay Long Thành hiện đại, điều đó là cần thiết bởi tình hình phát triển kinh tế của đất nước, lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng không trong nước và quốc tế như năm 2016 cũng như sau này sẽ tăng rất nhanh. Tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện tại cũng có tới 2 sân bay, tại Berlin (Đức) có tới 3 sân bay và nhiều thành phố khác trên thế giới cũng tương tự. Như vậy trong tương lai, TP Hồ Chí Minh có 2 sân bay, thậm chí có đến 3 sân bay cũng là chuyện bình thường và việc đó đã được Chính phủ tính toán cho 10-15 năm sau. Ngay cả thời Mỹ-Ngụy trong quy hoạch cũng đã tính đến việc xây dựng thêm Sân bay Long Thành. Nhưng dù thế nào thì 1.500ha đất quy hoạch cũng phải trả lại cho Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nếu không sẽ thành tiền lệ đối với các sân bay mới được xây dựng tiếp theo.

Về hiện trạng Cụm cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, theo báo cáo của các tư vấn ADCC, trong đồ án quy hoạch với 1.500ha, đất hàng không dân dụng hiện chỉ sử dụng 466ha. Với số diện tích ít ỏi như vậy, Cụm cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã cố gắng cải tạo, mở rộng nhiều năm qua với 2 đường cất hạ cánh (CHC) song song cách nhau 365m (Đường CHC với kính thước 3.800 x45,72m; Đường CHC 07L/25R kích thước 348x46,72m) và với hai nhà ga hàng khách là nhà ga Quốc nội công suất 15 triệu hành khách/năm, nhà ga Quốc tế công suất 13 triệu hàng khách/năm.

Tuy nhiên năm 2016 đã có 32,1 triệu hành khách/năm, tăng 23,1% so với năm 2015, sức ép này đã là quá lớn. Nhu cầu nâng cấp nhà ga đúng tiêu chuẩn để đảm bảo cho việc khai thác phù hợp với thực tế. Ngoài ra, các công trình hạ tầng khác để phục vụ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đều phải được cải tạo mở rộng.

Về chỗ đỗ máy bay, hiện tại Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ máy bay khai thác thương mại, theo tính toán thiếu khoảng 33 chỗ đỗ theo quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Tình trạng nhiều chuyến bay đi và đến kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào lên tới 20-30 phút. Nhiều chuyến bay phải bay vòng trên bầu trời chờ 15-60 phút, trong vùng trời tiếp cận vào giờ cao điều có từ 8-9 chuyến phải chờ. Do chuyến bay đi và đến có tới 40% chuyến bay xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất bị chậm hoặc hủy đã ảnh hưởng tới toàn bộ đường bay của các hãng hàng không Việt Nam. Tình trạng trên gây thiệt hại kinh tế cho hãng hàng không, giảm chất lượng phục vụ hành khách và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không.

Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về phê duyệt quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 và định hướng 2030 nói gì và thực tế thế nào?

Qua nghiên cứu hồ sơ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ, tuy nhiên trước mắt nổi lên mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất: Tính dự báo của quy hoạch thiếu chuẩn xác, theo dự báo đến năm 2030 dự kiến lượng hành khác tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cả nội địa và quốc tế) đạt 40 triệu hành khách/năm, nhưng trên thực tế năm 2016 lượng hành khác đã đạt được gần 32,1 triệu hành khách/năm, tăng 23,1% so với năm 2015, với mức độ tăng trưởng này thì chỉ vài ba năm tới lượng hành khách sẽ vượt dự báo quy hoạch đến năm 2030.

Thứ hai: Trong phương án quy hoạch có đề xuất 3 phương án để lựa chọn đó là phương án 1, 2, 3 nhưng thực chất có 8 phương án lựa chọn vì phương án 2 có (PA.2a, 2b, 2c) phương án 3 có phương án (3b, 3c), tác giả đã lựa chọn phương án 3 là phương án đơn giản nhất trong công tác giải phóng mặt bằng (chỉ mở rộng so với diện tích sử dụng hiện tại hơn 20ha); tuy nhiên, không có phương án đánh giá, so sánh cụ thể với các phương án khác về ưu nhược điểm của từng phương án, để kết luận lựa chọn.

Thứ ba: Việc phân tích các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật không rõ, các phương án khác bị loại, nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng nhiều, dẫn đến tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng mà không có đánh giá nhận xét mức độ ảnh hưởng như thế nào và đặt ra từng giả thiết đối với các phương án để dẫn đến một lựa chọn tối ưu, hình như còn né tránh tình hình sử dụng đất ở khu vực sân bay.

Trong khi các phương án như: Phương án 1, Phương án 2, 2a, 2b đặt ra cần phải xây dựng thêm 1 đường CHC mới, nâng công suất hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 78-80 triệu hành khách/năm, trong đó ngoài việc sử dụng đất sân golf còn phải giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 500-600ha, di dời khoảng 70.000 hộ dân và hàng chục đơn vị bộ đội bảo vệ sân bay.

Lý giải về điều này, dư luận đang đặt ra giả thiết rằng, nếu phải giải tỏa khoảng 500-600ha đất để xây dựng thêm 1 đường CHC mà phá bỏ sân golf và vài trăm hecta đất khác; đồng thời phải di chuyển khoảng 70.000 hộ dân để đạt một lượng hành khách 78-80 triệu hành khách/năm thì đây cũng là một cơ hội để chỉnh trang đô thị, xếp sắp lại lực lượng quân đội bảo vệ sân bay một cách hiện đại chính quy hơn.

Biết rằng với số lượng dân cư di chuyển như trên là rất lớn, nhưng đây hầu hết là dân cư lấn chiếm đất của sân bay, lấn chiếm đất an ninh quốc phòng. Việc xây dựng lộn xộn, nông thôn không ra nông thôn, đô thị không ra đô thị, làm xấu bộ mặt quốc gia (đây là Cảng hàng không quốc tế) có cần tồn tại không? Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh có hàng chục khu đô thị, hàng ngàn hecta đất đã được quy hoạch làm nhà ở đang bỏ hoang chưa xây dựng thì việc di chuyển các hộ dân trên về các khu đô thị, tổ chức lại cuộc sống cho nhân dân tốt hơn, đó là việc cần làm và càng làm sớm càng tốt nếu TP này muốn trở thành một đô thị phát triển hiện đại và bền vững? Và việc làm này cũng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương đất nước.

Một lý giải khác để lựa chọn phương án 3 là phải di chuyển hàng chục đơn vị bảo vệ sân bay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, liệu có phải thế không? Trong thời bình thì lực lượng tiếp cận bảo vệ mục tiêu cũng cần, nhưng không đến nỗi phải hàng chục đơn vị, việc đó Bộ Quốc phòng đã rõ. Trong thời chiến thì khoa học quân sự không chấp nhận khi các đơn vị bảo vệ mục tiêu lại nằm ngay trong ranh giới mục tiêu? - Điều này Bộ Quốc phòng càng rõ hơn. Mặt khác, khách sạn, nhà hàng sang trọng, sân golf, những công trình sang trọng đắt tiền chuyên để thuê đám cưới,… có phải là công trình quân sự không?

Thủ tướng Chính phủ đã lên tiếng, nhân dân TP Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước đang bức xúc qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng hàng chục biệt thự trong sân golf vẫn tiếp tục ngang nhiên xây dựng, phải chăng có một tổ chức, cá nhân nào đó đang coi thường pháp luật và kỷ cương phép nước?

Duy Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/mot-so-van-de-ve-quy-hoach-cang-hang-khong-quoc-te-tan-son-nhat.html