Một số nội dung nổi bật thực hiện Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc

Xin giới thiệu một số nội dung đáng quan tâm trong hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc.

Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại lễ ký Thỏa thuận thực hiện Hiệp định bảo hiểm xã hội Việt Nam-Hàn Quốc theo hình thức trực tuyến.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Ngày 23/1/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia (NPS) Hàn Quốc đã ký kết trực tuyến Thỏa thuận thực hiện Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động hai quốc gia, góp phần xây dựng chung nền an sinh xã hội công bằng và bền vững.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về cấp, tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội; dừng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc để thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Hiệp định).

Một số từ ngữ theo quy định tại Hiệp định, Thỏa thuận hành chính

Lao động phái cử

Người lao động Việt Nam làm việc cho người sử dụng lao động có trụ sở đăng ký tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam, được người sử dụng lao động Việt Nam cử đi làm việc, thay mặt cho người sử dụng lao động Việt Nam trên lãnh thổ của Hàn Quốc.

Người lao động Hàn Quốc làm việc cho người sử dụng lao động có trụ sở đăng ký tại Hàn Quốc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, được người sử dụng lao động Hàn Quốc cử đi làm việc, thay mặt cho người sử dụng lao động Hàn Quốc trên lãnh thổ của Việt Nam.

Người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam, được người sử dụng lao động tại Việt Nam phái cử sang làm việc tại một chi nhánh/hoặc một công ty con của Việt Nam tại Hàn Quốc.

Người lao động Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, được người sử dụng lao động tại Hàn Quốc phái cử sang làm việc tại một chi nhánh/hoặc một công ty con của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thời gian phái cử

Thời gian phái cử áp dụng trong vòng 60 tháng đầu tiên kể từ ngày phái cử, được kéo dài thời gian phái cử (thời hạn tối đa là 36 tháng) nếu vẫn tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động đó.

Trường hợp lao động được phái cử trước ngày Hiệp định có hiệu lực thời gian miễn trừ sẽ được tính bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Trường hợp lao động phái cử về nước do được điều động hoặc kết thúc hợp đồng lao động và phái cử lần nữa, thì việc phái cử này được coi là phái cử mới và giai đoạn miễn trừ sẽ được tính lại.

Lao động tuyển dụng tại chỗ

Khi công dân Việt Nam tạm trú trên lãnh thổ Hàn Quốc và được tuyển dụng, làm việc tại Hàn Quốc sẽ áp dụng Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Đối với lao động Hàn Quốc tạm trú trên lãnh thổ Việt Nam và được tuyển dụng, làm việc tại Việt Nam, vẫn áp dụng theo Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc trong thời gian làm công việc này, nhưng không quá 60 tháng, với điều kiện người này chịu sự điều chỉnh của pháp luật Hàn Quốc.

Chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội theo Thỏa thuận hành chính

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội cho lao động Việt Nam đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên đó ghi khoảng thời gian chứng nhận này sẽ có hiệu lực và là cơ sở để lao động Việt Nam được miễn trừ tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật của Hàn Quốc.

Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội cho lao động Hàn Quốc đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, trên đó ghi khoảng thời gian chứng nhận này sẽ có hiệu lực và là cơ sở để lao động Hàn Quốc được miễn trừ tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật của Việt Nam.

Cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội đối với lao động Việt Nam

Đối tượng cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội là lao động phái cử.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội là người lao động phái cử (Quyết định phái cử; Đối với người tham gia lần đầu hoặc đã có mã số bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ thông tin thì cần Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Đơn vị phái cử người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó ghi các nội dung: Đề nghị cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội cho người lao động; danh sách, số lượng lao động kèm theo.

Đối với trường hợp đơn vị phái cử lao động đi làm việc tại chi nhánh hoặc công ty con của người sử dụng lao động tại Hàn Quốc: Kèm theo hồ sơ chứng minh đơn vị được hoạt động tại Hàn Quốc (bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở Hàn Quốc; bản sao Chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hàn Quốc); Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó kê khai danh sách những lao động phái cử.

Quy trình cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội: Đối với người lao động phái cử cần kê khai Mẫu TK1-TS nộp cho đơn vị. Đối với đơn vị phái cử: Nhận hồ sơ của người lao động, kiểm tra, xác định thông tin. Sau đó, nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đăng ký tham gia, đóng bảo hiểm xã hội của đơn vị theo phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội: Cán bộ/bộ phận tiếp nhận hồ sơ tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm tra, đối chiếu, chuyển đến Bộ phận Thu-Sổ thẻ để giải quyết. Trường hợp nộp hồ sơ giấy qua dịch vụ bưu chính hoặc tại cơ quan bảo hiểm xã hội, thì scan hồ sơ gốc và cập nhật vào phần mềm quản lý. Đồng thời, nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội từ Phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ để trả cho đơn vị. Phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ thực hiện kiểm tra, xác định đối tượng, đối chiếu trong phần mềm quản lý.

Trường hợp hồ sơ đúng, đủ, thì nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý; ký mẫu chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội, chuyển Giám đốc tỉnh/huyện phê duyệt, ký, chuyển Phòng/bộ phận tiếp nhận trả đơn vị. Trường hợp hồ sơ chưa đúng, đủ thì lập phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định chuyển Bộ phận tiếp nhận hồ sơ để gửi lại đơn vị.

Định kỳ, hằng quý, năm lập Biểu trao đổi dữ liệu về chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội để theo dõi, tổng hợp, quản lý. Thời hạn giải quyết không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trường hợp lao động được phái cử quá 60 tháng, thì đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội đối với thời gian tiếp theo (hồ sơ chứng minh người lao động được kéo dài thời gian phái cử (thời hạn tối đa là 36 tháng) hoặc hồ sơ chứng minh người lao động được gia hạn hợp đồng tại nước tiếp nhận cho cơ quan bảo hiểm xã hội; quy trình và hồ sơ cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội lần sau thực hiện như đối với trường hợp cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội lần đầu.

Quy trình tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội đối với người Hàn Quốc

Đối tượng được Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cấp chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội, lao động phái cử, lao động tuyển dụng tại chỗ thì hồ sơ gồm có: Đối với người lao động cần có bản chính (gốc) chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội do Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc cấp. Đối với người lao động được tuyển dụng tại chỗ theo quy định tại Hiệp định cần thêm Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đối với đơn vị, hồ sơ gồm có Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, ghi các nội dung như: Lao động Hàn Quốc phái cử/lao động Hàn Quốc tuyển dụng tại chỗ/CCVC Hàn Quốc; lao động phái cử/tuyển dụng tại chỗ. Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, kê khai danh sách lao động phái cử, lao động tuyển dụng tại chỗ/CCVC Hàn Quốc.

Quy trình tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội của người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam

Người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị. Đơn vị nhận hồ sơ của người lao động, kiểm tra, xác nhận thông tin. Sau đó, nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội- nơi đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, cán bộ/bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm tra, đối chiếu, chuyển đến Phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ để giải quyết ngay trong ngày; scan hồ sơ gốc và cập nhật vào phần mềm quản lý. Nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội từ Phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ để lưu trữ theo quy định.

Phòng/bộ phận Thu-Sổ thẻ thực hiện kiểm tra, xác định đối tượng. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, chính xác thì nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý để thực hiện miễn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác thì lập phiếu yêu cầu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo mẫu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định chuyển Bộ phận tiếp nhận hồ sơ để gửi lại đơn vị. Chuyển (hồ sơ) chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội cho Phòng/bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

Định kỳ hằng quý, năm tổng hợp danh sách lao động Hàn Quốc nộp Chứng nhận theo danh sách tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội của người Hàn Quốc; dừng tham gia bảo hiểm xã hội của người Việt Nam để theo dõi, quản lý. Thời hạn giải quyết hồ sơ không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Dừng đóng/xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng

Đối tượng và thời điểm dừng đóng là người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2024.

Từ ngày 1/1/2024, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Hàn Quốc gồm: Người đi làm việc ở Hàn Quốc theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Người đi làm việc ở Hàn Quốc theo theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; Người đi làm việc ở Hàn Quốc theo theo hợp đồng cá nhân.

Hồ sơ dừng đóng và xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội

Hồ sơ của người lao động (trường hợp đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi thường trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài) gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hợp đồng lao động có thời hạn ở Hàn Quốc hoặc hợp đồng lao động được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động được ký mới tại Hàn Quốc (bản sao).

Đối với đơn vị (trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội thông qua đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài): Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, ghi các nội dung như: Dừng đóng bảo hiểm xã hội để tham gia bảo hiểm xã hội tại Hàn Quốc; danh sách, số lượng lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam; hợp đồng lao động có thời hạn ở Hàn Quốc hoặc hợp đồng lao động được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động được ký mới tại Hàn Quốc (bản sao); Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó kê khai danh sách lao động Việt Nam dừng đóng để tham gia bảo hiểm xã hội tại Hàn Quốc.

Trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2024, thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện hoàn trả số tiền bảo hiểm xã hội đã đóng từ thời điểm này theo quy định. Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện dừng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, trả tờ rời sổ bảo hiểm xã hội, hoàn trả (nếu có) đối với người đi làm việc tại Hàn Quốc theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Định kỳ hằng quý, năm, tổng hợp danh sách người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc dừng đóng bảo hiểm xã hội theo mẫu Danh sách tiếp nhận chứng nhận đối tượng bảo hiểm xã hội của người Hàn Quốc; dừng tham gia bảo hiểm xã hội của người Việt Nam để theo dõi, quản lý.

Trước đó, ngày 23/1/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia (NPS) Hàn Quốc đã ký kết trực tuyến Thỏa thuận thực hiện Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động hai quốc gia, góp phần xây dựng chung nền an sinh xã hội công bằng và bền vững.

Hiệp định hợp tác song phương về bảo hiểm xã hội và Thỏa thuận hành chính cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bên cạnh việc quy định về tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam, Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.

Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam trong thời gian gần đây. Số liệu tính đến ngày 1/6/2023, có gần 49 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này với mức thu nhập bình quân từ 1.500-2.000 USD/tháng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mot-so-noi-dung-noi-bat-thuc-hien-hiep-dinh-ve-bao-hiem-xa-hoi-giua-viet-nam-han-quoc-post803122.html