Một quyết tâm lớn của hệ thống chính trị

Giải pháp từ boongke… đến hầm trú ẩn được người dân đưa ra để tránh bão Haiyan

Giải pháp từ boongke… đến hầm trú ẩn được người dân đưa ra để tránh bão Haiyan

(GD&TĐ) - Siêu bão Haiyan được coi là mạnh thuộc loại nhất thế kỉ và với Việt Nam, việc phòng chống cơn bão này cũng có qui mô lớn nhất từ trước tới nay. Mặc dù tâm bão đổ bộ vào Quảng Ninh khi siêu bão đã giảm bớt sức mạnh nhưng nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng thì hậu quả vẫn có thể rất thảm khốc. Cũng từ cơn bão này, đã cho những bài học lớn về công tác phòng chống bão lớn hay siêu bão sau này hiệu quả hơn…

Cuộc sơ tán tránh bão lịch sử

Đi sát sạt qua hàng loạt tỉnh miền Trung và vẫn khá mạnh khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, siêu bão Haiyan gây thiệt hại khá lớn về tài sản nhưng theo ghi nhận ban đầu thì địa phương nơi bão đổ bộ vào không có thiệt hại về người. Có thể nói đây là kết quả của công tác chuẩn bị chống bão kĩ càng, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ từ địa phương tới Trung ương để không xảy ra bất ngờ với diễn biến phức tạp của bão.

Chuẩn bị đối phó với siêu bão lần đầu tiên hướng thẳng vào các địa phương duyên hải, Việt Nam đã thực hiện cuộc sơ tán tránh bão lớn nhất trong lịch sử. Theo Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão Haiyan, ngay từ khi bão Haiyan mới vượt qua Philippines, 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Phú Yên đã sơ tán 330.000 hộ với trên 880.000 người.

Cụ thể như Thanh Hóa sơ tán 44.600 người, Nghệ An sơ tán 46.600 người, Quảng Nam sơ tán 165.000 người, Quảng Ngãi sơ tán 127.000 người… Tới khi bão đổi hướng ra phía Bắc, Hải Phòng đã nhanh chóng sơ tán 80.000 người; còn tại nơi tâm bão đi qua là Quảng Ninh, 1.000 hộ dân vùng trũng đã được sơ tán đến nơi an toàn. Như vậy là có khoảng 1 triệu người đã được sơ tán một cách trật tự, an toàn và kịp thời đề phòng trường hợp siêu bão dữ, sức mạnh khủng khiếp đổ ập vào Việt Nam.

Việc các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho học sinh nghỉ học tránh bão cũng cho thấy công tác chuẩn bị đối phó với bão rất chủ động trong điều hành từ Chính phủ. Các tỉnh thành phố Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình … đồng loạt ra quyết định cho học sinh nghỉ học trong ngày 11/11. Một mặt quyết định này bảo đảm tính mạng học sinh trong điều kiện mưa to gió lớn; một mặt giúp công tác phòng chống bão không bị dàn trải.

Giải pháp tránh bão hoàn toàn mới

Nếu như để đối phó với những cơn bão kể cả khá mạnh trước đây, người dân thường chằng néo nhà cửa nhưng nhiều căn nhà không chịu được sức gió bão nên vẫn gây thiệt hại nhiều nhân mạng do các mảnh tôn, xà gồ, gạch ngói bị gió thổi văng vào người. Cho đến siêu bão lần này, giải pháp “độn thổ” đã được nhiều địa phương tính đến lần đầu tiên.

Tại Quảng Nam, người dân vùng ven biển đã làm hầm trú bão trên cát để trú ẩn. Tại các xã Duy Thành, Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), người dân làm hầm trú bão theo kiểu nhóm gia đình trên cát để 2 - 3 gia đình cùng trú bão. Riêng tại Duy Hải có ít nhất 50 hầm trú bão được người dân dựng lên. Tại thôn Trung Phường có những hầm rộng sức chứa khoảng 40 – 50 người.

Tại Quảng Trị, một số đồn biên phòng sẵn sàng mở lô cốt để cho dân vào tránh bão trong tình huống khẩn cấp, nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở vùng cát, ven biển còn xây dựng hầm chữ A, hầm âm dưới đất ở gần nhà để tránh bão. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Quân khu 5 đã chỉ đạo mở hầm quân sự trên đảo Lý Sơn cho người dân vào tránh bão.

Cần xây dựng kế hoạch bài bản chống siêu bão

Có thể nói các cơ quan liên quan từ T.Ư tới địa phương, kết hợp dân sự cùng quân đội, công an… đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả trong việc di dân, phòng chống siêu bão Haiyan lần này. Tuy nhiên từ việc Việt Nam lần đầu tiên hứng siêu bão lớn nhất hành tinh cho thấy, Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn bị trước những biến đổi khó lường của khí hậu toàn cầu và việc mật độ bão ngày càng dày đặc với sức mạnh hủy diệt lớn.

Đã đến lúc phải xây dựng một kịch bản chi tiết đối phó với siêu bão tại các địa phương duyên hải để đến lúc đón nhận siêu bão không còn quá phụ thuộc vào chỉ đạo từ Trung ương. Theo đó phải lên phương án sơ tán phù hợp với các cường độ của bão; phương án và biện pháp trú náu bão (trong hầm trú ẩn hay các công trình kiên cố) thay vì kiểu đào hào trú ẩn tự phát như hiện nay bởi những công trình này có thể lại nằm trong khu vực ngập lụt…

Nhanh chóng ổn định đời sống người dân sau bão

Sáng 11/11 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp đánh giá bước đầu về tình hình thiệt hại do bão số 14, đồng thời chỉ đạo biện pháp khắc phục, ổn định đời sống người dân sau bão.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền, nhân dân các địa phương, các lực lượng vũ trang, cơ quan chuyên môn khí tượng thủy văn, các phương tiện thông tin truyền thông, thông tin liên lạc trong việc ứng phó với một cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng, địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý về phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, từ việc chỉ đạo, thống nhất ý chí hành động, sự đoàn kết trong các cấp, ngành và người dân, công tác cảnh báo, chủ động chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, tuân thủ các hướng dẫn, kiến thức phổ biến trong phòng chống mưa bão, đặc biệt là việc đánh giá, cập nhật lại các phương án phòng chống thiên tai, từ việc đơn giản như chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây mà vẫn để xảy ra những tai nạn đáng tiếc đến việc sơ tán dân, xây dựng, tu bổ các công trình xây dựng, vận hành hồ chứa “sống chung” được với các cơn bão, lũ lớn.

Về thiệt hại do bão gây ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương áp dụng các chính sách, ứng trước hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Nhanh chóng khắc phục những hư hại về điện, đường, giao thông… sớm ổn định đời sống nhân dân.

Nguyệt Linh

Hà Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201311/mot-quyet-tam-lon-cua-he-thong-chinh-tri-1975248/