Một phần ba nhà máy lọc dầu trên thế giới nguy cơ sắp đóng cửa

Tình hình không khả quan trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới bất ổn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới các nhà máy lọc dầu.

Hơn 1/3 nhà máy lọc dầu trên thế giới có nguy cơ ngừng hoạt động do lợi nhuận sẽ sớm giảm cùng với nhu cầu, trong khi thuế carbon cũng trở thành gánh nặng đáng kể cho doanh nghiệp.

Kết quả này đã được các chuyên gia của Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự đoán trong một báo cáo gần đây và được hãng tin Bloomberg đăng tải.

Nhìn chung, dựa trên thu nhập tiền mặt ròng dự kiến vào năm 2030, công ty tư vấn tin rằng 156 trong số 465 nhà máy lọc dầu được đánh giá sẽ có "nguy cơ ngừng hoạt động hoàn toàn".

Theo phân tích chi tiết, tổng công suất lọc dầu bị mất sẽ là 20,2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 21,6% công suất toàn cầu năm ngoái.

Châu Âu và Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy lọc dầu lớn nhất do nhu cầu thấp hơn và các quy định môi trường chặt chẽ hơn.

Sự gia tăng số lượng xe điện và nhiên liệu sinh học đang làm thay đổi ngành công nghiệp này, những yếu tố trên có khả năng đẩy nhanh việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy lọc dầu.

Theo báo cáo, lợi nhuận ròng bằng tiền mặt của các nhà máy lọc dầu ở châu Âu sẽ giảm mạnh vào năm 2030 do chấm dứt trợ cấp carbon miễn phí.

Trong khi đó, nhu cầu về nhiên liệu vận tải ở các nước phát triển dự kiến sẽ bắt đầu giảm từ năm tới, khiến tình hình càng thêm tồi tệ đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng.

Dự báo của Wood Mackenzie được ngành công nghiệp xác nhận, khi các công ty dầu mỏ lớn gần đây đã thông báo sắp đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, nơi sẽ được chuyển đổi thành cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học.

Danh sách bao gồm nhà máy Livorno của Eni ở Ý và nhà máy lọc dầu Wesseling của Shell ở Đức, sẽ được chuyển đổi thành cơ sở sản xuất nhiên liệu sạch, và đây mới chỉ là khởi đầu của một quá trình sẽ bắt đầu trong năm nay.

Nhưng trong diễn biến khác, dự đoán dầu thô Brent có thể đạt mức giá 100 USD/thùng vào tháng 9 năm nay khi Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý tới. Hãng tin Bloomberg nhận xét bước đi này có thể được thực hiện với sự phối hợp với các quốc gia thuộc Tổ chức OPEC+.

Vào tháng 3, OPEC+ đã quyết định giảm sản lượng dầu và vào tháng 6 tới, hạn ngạch sản xuất "vàng đen" hàng ngày ở Nga sẽ xuống dưới 9 triệu thùng. Điều này phù hợp với mục tiêu của Saudi Arabia nhằm thắt chặt nguồn cung ra thị trường thế giới.

Bên cạnh đó vào tháng 6, OPEC+ có thể sẽ kéo dài hạn chế sản xuất dầu cho đến cuối năm. Theo các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dầu thô trong suốt cả năm và trở thành yếu tố bổ sung khiến giá dầu tăng.

Trong khi đó, tổng khối lượng sản xuất dầu và khí ngưng tụ của Nga dựa trên kết quả năm 2024 ước chừng sẽ rơi vào khoảng 10,7 triệu thùng/ngày.

Theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn Kpler, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2024, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga - ông Anton Siluanov lưu ý rằng những bước đi nói trên, cụ thể là sản lượng dầu giảm dự kiến sẽ không có tác động tiêu cực đến thu ngân sách của Nga, bởi vì Moskva đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để kiểm soát lượng cung và giá cả.

Mặc dù vậy, một yếu tố có thể sẽ buộc Moskva phải thay đổi chính sách, đó là những cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các cơ sở lọc hóa dầu của nước này khiến sản lượng dầu tinh chế giảm mạnh.

Nếu tình trạng trên kéo dài, Nga có lẽ sẽ phải tăng cường bán dầu thô ra thị trường thế giới khi các cơ sở lưu trữ dự báo sớm rơi vào tình trạng quá tải vì thiếu nguồn tiêu thụ nội địa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-phan-ba-nha-may-loc-dau-tren-the-gioi-nguy-co-sap-dong-cua-post571718.antd