Một nửa... sự thật

(ANTĐ) - Hơn 20 năm qua, nước ta đã dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng phải thôi, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước khi chiếm tới 3,5% tăng trưởng GDP, đóng góp khoảng 20-30% tổng vốn đầu tư và tạo ra 4,1% tổng việc làm trong xã hội. Song, đó chỉ là một nửa sự thật. Mấy ai biết được cái giá phải trả để “trải thảm đỏ” mời gọi một dự án mà địa phương được hưởng lợi thực sự, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, du lịch.

Do chạy đua thu hút vốn FDI, nhất là sức hấp dẫn từ hứa hẹn của các nhà đầu tư sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, các địa phương sẵn sàng lao vào cuộc cạnh tranh khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của đất nước bị “bán rẻ”. Hệ lụy và hậu quả là “phần bánh” lợi nhuận mang lại cho địa phương từ FDI thật nhỏ bé so với giá trị nguồn tài nguyên bị mất. Chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ xem những ngư dân nghèo ven biển miền Trung được hưởng lợi gì khi phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn nhường đất cho những resort 5 sao lộng lẫy hoặc các sân golf “cỏ non xanh rợn chân trời”. Bờ biển Việt Nam được trời ban cho điều kiện tự nhiên tuyệt vời đã được các địa phương hào phóng vung tay ưu đãi các ông chủ nước ngoài để thu hút vốn. Nhiều tỉnh tự ý “phá rào”, đưa ra các mức ưu đãi quá đà về thuế (thực chất là biến tướng để né các quy định của Nhà nước về thuế), đất đai, lao động. Một chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về FDI bày tỏ lo ngại bởi hàng loạt mảnh đất đắc địa chạy dọc “mặt tiền” bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng được cắt khúc, chia lô cho các dự án resort, sân golf, khu biệt thự. Theo ông, không nên “cắt vụn” bãi biển cho các dự án “mini”, manh mún và cũng không nên tạo đặc quyền cho các dự án quá lớn, “nằm dài” cả một bãi biển rộng. Chỉ nên dành, thậm chí rất ít cho nhà đầu tư với dự án khổng lồ tầm cỡ thế giới. Dư luận cũng lo ngại về một số “siêu” dự án chiếm đất, “ôm” đất hiện nay. Rất có thể mai sau, khi các bãi biển vàng của Việt Nam trở thành “thiên đường” nghỉ mát của khu vực và thế giới, các “đại gia” nước ngoài chiếm được diện tích quá rộng với giá thấp như hiện nay, sẽ trở thành “ông lớn” độc quyền cả một bãi biển mênh mông. Một chuyên gia kinh tế có uy tín băn khoăn vì số vốn này không phản ánh đúng đồng vốn thực của các công ty nước ngoài đầu tư vào bất động sản. Đơn cử, một dự án, xây dựng khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội có vốn đăng ký 1 tỷ USD, song thực chất chỉ có vỏn vẹn 200 triệu USD là tiền túi của nhà đầu tư. Còn lại là vốn vay ngân hàng trong nước và vốn từ người dân đặt cọc mua nhà. Họ thu tiền đồng của người mua nhưng chuyển lợi nhuận về nước bằng USD cả vốn lẫn lãi. Có nhà đầu tư thừa nhận, họ không đăng ký dự án tới 3 tỷ USD mà chỉ cần 300 triệu USD cho giai đoạn đầu. Thế nhưng khi xin phép thì địa phương nói cứ đăng ký “cả gói” mới được giao đất. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2007, đã có 1.359 dự án FDI bị giải thể trước thời hạn với số vốn 15,5 tỷ USD. Trong số dự án đó, số dự án liên doanh 56% và tổng vốn đăng ký chiếm tới 67,2%. Lâu nay, báo chí mới chỉ được tiếp cận một nửa sự thật, còn một nửa là thông tin chính thức, cập nhật về các dự án bị rút vốn, giải thể như thế nào thì chưa chính xác. Con số không chính xác phỏng có ích gì, dù với bất kỳ lý do gì. Một nửa sự thật không thể nói lên toàn bộ sự thật. Nếu trừ đi tổng số vốn đầu tư của các dự án tại nhiều địa phương thừa nhận đã bị rút vốn, giải thể hoặc tạm dừng, thì rõ ràng bức tranh thật về tình hình FDI 6 tháng đầu năm sẽ có màu sắc, đường nét rất khác. Vì lợi ích chung của đất nước cũng là vì uy tín của Việt Nam, rất cần phải sòng phẳng, minh bạch trong những con số, số liệu được công bố.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=53761&channelid=3