Một nguồn tư liệu quý giá

Ra mắt lần đầu cách đây gần 50 năm, cuốn sách “Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo” của cố Giáo sư Nguyễn Văn Hầu vừa được trở lại với bạn đọc trong một diện mạo hoàn toàn mới.

Sau ngót nửa thế kỷ, giá trị của cuốn sách dường như không thay đổi, mà đó vẫn là nguồn tư liệu quý giá với bạn đọc ngày nay.

Với sự hỗ trợ của gia đình tác giả, “Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo” (Saigon Books và NXB Tôn Giáo) được tái bản từ bản in lần đầu do Hương Sen ấn hành vào năm 1969. Ở lần tái bản này, ngoài Lời tựa, Lời bạt và 19 chương sách khảo luận công phu trí tuệ của cố Học giả Nguyễn Văn Hầu, cuốn sách còn được bổ sung phần Phụ lục, gồm 6 bài viết cũng là những nhận xét khách quan của các nhà trí thức, học giả, triết gia, trong và ngoài nước như: Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Minh Chi, Phạm Cao Dương, Phạm Công Thiện...

Từ tiền thân là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đến năm 1939 nền đạo học này được mang tên chính thức là Phật Giáo Hòa Hảo - tức là Phật giáo ở làng Hòa Hảo (thuộc thị trần Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay). Như lời khẳng định của Đức Huỳnh Phú Sổ (hay còn gọi là Đức Huỳnh Giáo Chủ “cốt lõi giáo lý của đạo Hòa Hảo chính là giáo lý của Phật Thích Ca” tuy cội nguồn ở Ấn Độ, nhưng đã được truyền đến nước ta vào những năm đầu Công nguyên, tức là một tôn giáo có truyền thống hơn 19 thế kỷ của một đạo dân tộc, hòa vận mệnh của mình vào vận mệnh của dân tộc. Ngay thi sĩ cận đại Hồ Dzếnh từng có thơ:

“Trang sử Việt

Đồng thời là trang sử Phật

Trải qua bao độ hưng suy

Có nguy mà chẳng mất”.

Kể từ khi ra đời, chỉ trong một phần tư thế kỷ, Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân Việt Nam và gây được tiếng vang lớn lao trên trường quốc tế. Điều gì đã tạo nên sự thành công vang dội này, nhất là khi đó Huỳnh Phú Sổ mới chỉ là một thanh niên 19 tuổi, học hành dở dang do vấn đề sức khỏe?

Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Nguyễn Văn Hầu đã lý giải: “Để giải đáp thắc mắc ấy, chúng ta nhận được một cách rõ ràng rằng trước hết Đức Giáo Chủ đã nhận thức được thời cơ, đã nắm vững được mối mặc khải của lý thiên đình. Kế đó Ngài đã biết nắm lấy nông dân trên một miền đất phì nhiêu là Hậu Giang để làm căn cứ và xuất phát điểm. Và sau cùng, Ngài đã hướng được đa số nhân dân quay về một mối. Thế là các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Ngài đều có đủ trong tay… Ngài có một căn bản giáo lý vững chắc: đem Tứ Ân dạy người tu tròn nhân đạo, lấy Tịnh Độ đưa tín đồ đến chỗ giải thoát trần lao. Ngài còn có tư tưởng tiến bộ trên căn bản Quốc gia Dân Tộc để đưa người ta đến một xã hội công bằng”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mot-nguon-tu-lieu-quy-gia-post188097.html